Trầu Tết ở Làng trầu "tiến vua" Hà Tĩnh

Thứ bảy, 22/01/2022 20:23

Chăm chút cho lứa trầu Tết.

Trầu cho thu hoạch quanh năm, song tháng Chạp vẫn là thời điểm được bà con trồng trầu ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, H. Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) mong chờ, bước vào giai đoạn thu hoạch trầu lá để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Năm này, gia đình ông Phạm Công Nhớ (thôn Văn Sơn) trồng hơn 360 gốc trầu. Ông chia sẻ: "Những ngày trước Tết, làng trầu nhộn nhịp lắm. Bà con tranh thủ hái lá trầu bán cho khách. Vườn trầu của gia đình hầu như ngày nào cũng có bán. Ngày ít thì được khoảng 80.000 đồng, ngày nhiều thì hơn 100.000 đồng. Những ngày cận Tết, vườn trầu của tôi cho thu nhập từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/ngày".

Cách vườn trầu nhà ông Nhớ không xa, chị Ngô Thị Châu (thôn Văn Sơn) tay thoăn thoắt hái những xấp trầu để kịp giao cho khách hàng cho biết: "Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, bây giờ đã có người đến đặt hàng từ sớm. Hiện, tôi đã nhận hơn chục đơn hàng. Để đáp ứng đủ số lượng hàng lớn vào đợt cao điểm, gia đình cũng phải lên kế hoạch thu hái 2 ngày 1 lần, chú ý cách hái đúng kỹ thuật để cây cho ra lá đều đặn".

Không nằm ngoài sự tất bật hối hả, bà Nguyễn Thị Phú (thôn Văn Sơn) cũng vừa tưới xong gần 400 gốc trầu. Bà Phú cho biết: "Không khí sôi động nhất của mùa vụ trầu Tết là từ ngày 24-28 Tết. Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, tôi hái được khoảng 1.500 lá nhưng hầu như không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu. Hiện, gia đình chủ động trồng xen kẽ trầu tốt lẫn trầu tơ để có thu hoạch liên tục vào dịp Tết".

Hiện nay, đa số diện tích trầu đang phát triển tốt, các chủ vườn tích cực chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Đang tỉ mẩn chăm sóc, gia cố giàn trầu, ông Phạm Công Thi (thôn Văn Sơn) chia sẻ: "Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc".

Những vườn trầu Tết năm nay ở Văn Sơn xanh mượt.

Theo các hộ trồng trầu không, những tháng giáp Tết thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và ít bị bệnh nấm lá. So với những loại cây trồng khác thì cây trầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.

Về thôn Văn Sơn những ngày này, không khó bắt gặp những tiểu thương nườm nượp đến lấy hàng. Chị Nguyễn Thị Hà, chuyên kinh doanh trầu cau tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: "Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng, từng được ví là "trầu tiến vua" nên mọi nguời ưa chuộng và luôn tìm đến tận vườn thu mua. Tết đến nhu cầu trầu tăng cao, tôi đã liên hệ vài chủ vườn cung ứng hàng cho mình".

Hiện tại, diện tích trồng trầu của toàn xã Đỉnh Bàn hơn 2,5 ha. Do đó, về làng quê những ngày cuối năm sẽ dễ dàng bắt gặp nụ cười của người dân hái trầu, những người phụ nữ cùng ngồi quanh đống trầu để xếp lá, phân loại. Sau đó, đếm cho thương lái chở đi những nơi xa để tiêu thụ như: chợ TP Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) và các huyện lân cận.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: "Hiện trên địa bàn đang có hơn 100 hộ dân làm nghề trồng trầu, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn và một số thôn lân cận. Đây cũng là loại cây mang lại cho người dân nơi đây một nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Thời điểm này, các hộ đều đang hái lứa sớm và dồn sức chăm sóc để thu được hiệu quả kinh tế cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới".

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, hiện nay, địa phương đã thành lập tổ Hợp tác xã trầu không "tiến vua" với 30 hộ tham gia bước đầu phát huy hiệu quả. Để khuyến khích sản xuất, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, máy bơm nước, vòi tưới,...

Với truyền thống lâu năm, chất lượng trầu thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.

H.T