Trên quê hương đội hùng binh Hoàng Sa - Bắc Hải

Thứ năm, 05/04/2012 00:00

* Kỳ 1: Dẫu bão táp phong ba - vẫn bám biển đến cùng

(Cadn.com.vn) - Dẫu hiện nay, mỗi lần ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi)  trực chỉ tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản không chỉ phải đối mặt với  giông tố  mà còn phải đương đầu với “nhân tai”, nhưng họ vẫn quyết tâm đoàn kết  bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo đến cùng. Bởi, biển xanh ấy là máu thịt, là một phần của Tổ quốc thiêng liêng mà cha ông họ qua nhiều đời gìn giữ.

Chúng tôi về Lý Sơn vào những ngày đầu tháng 3 (AL), khi phiên biển thứ hai trong năm của ngư dân nơi đây vừa kết thúc. Đây cũng là thời điểm mà người dân đảo tỏi đang chuẩn bị lễ vật dâng lên tổ tiên trong đại lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (16-3 AL) nhằm tri ân tưởng nhớ những vị tiền bối đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên Biển Đông. Khoát tay về phía hàng trăm con tàu công suất lớn đang neo đậu sau hai chuyến ra khơi trở về, anh Lê Văn Ninh – Phó Chánh Văn phòng UBND H. Lý Sơn nói: “Những con tàu đó là minh chứng cho khát vọng chinh phục biển cả và bảo vệ biển đảo của người dân Lý Sơn. Chính vì vậy, tất cả những chiếc tàu đó được chúng tôi gọi cho cái tên là “trạm” lưu động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...”.

Theo thống kê, Lý Sơn có 416 chiếc tàu, tổng công suất 39.743 CV, trong đó có phân nửa tàu chuyên đánh bắt xa bờ, với gần 3.000 người lao động trực tiếp hành nghề trên biển, khai thác gần 35.000 tấn hải sản các loại mỗi năm, đạt giá trị kinh tế hơn 270 tỷ đồng. Nghề khai thác và đánh bắt hải sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện đảo với nhiều loại hình đánh bắt như nghề lưới vây rút chì, lưới trũ, nghề lặn hải sâm, câu cá ngừ đại dương... Vì vậy, hàng trăm chiếc tàu vẫn tiếp tục vượt sóng đến các ngư trường quen thuộc để khai thác hải sản và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc dẫu biết thường xuyên bị tàu nước ngoài trang bị vũ khí đe dọa. Nhưng vượt lên trên hết, ngư dân Lý Sơn mang trong mình dòng máu hùng binh Hoàng Sa- Bắc Hải ngày xưa vẫn bám chặt ngư trường truyền thống, xem đó là một phần máu thịt, nguồn sống của đời mình.

 Những con tàu Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi khai thác hải sản.

Sự có mặt của những ngư dân trên biển Đông  không đơn thuần là để kiếm kế sinh nhai, còn là trách nhiệm đối với tổ tiên, dân tộc đồng thời để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc: bảo vệ và canh giữ phần lãnh thổ thiêng liêng của nước nhà. Ngư dân Trương Đình Nhân (xã An Hải) bày tỏ: “Bao đời nay, dân Lý Sơn xem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt, là ngư trường truyền thống. Thời triều Nguyễn, người dân đất đảo đã sung đội hùng binh ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền. Họ xuất bến bằng ghe bầu gặp sóng to gió lớn nên nhiều người đã một đi không trở lại. Ngày nay, ngư dân Lý Sơn đã đóng được những con tàu công suất lớn, trang bị những thiết bị hiện đại nên không có lý do gì phải từ bỏ vùng biển giàu có này của Tổ quốc. Đã có nhiều ngư dân đất đảo Lý Sơn ra khơi bị nước ngoài bắt tịch thu tàu, ngư lưới cụ nhiều lần. Cứ mỗi lần như thế, ngư dân trắng tay, thậm chí có người đành thế chấp nhà cửa để trả nợ nhưng rồi chúng tôi vẫn quyết tâm đoàn kết để bám biến”.

Trong những năm qua, xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn của địa phương và những chiếc tàu hiện đại được xem là “trạm” lưu động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nên ngoài số tàu thuyền hiện có, Lý Sơn không ngừng vận động ngư dân tiếp tục đầu tư đóng mới phương tiện có công suất lớn cùng trang thiết bị, ngư cụ hiện đại để vươn khơi xa, khai thác có hiệu quả. Trong số những ngư dân đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản trên đất đảo phải kể đến ngư dân Nguyễn Gia Viên (xã An Vĩnh). Anh Viên hiện tại được xem là điển hình trong việc khai thác hải sản và là người mang về doanh thu cao nhất đảo trong việc khai thác hải sản xa bờ. Là người có hơn 10 năm làm nghề lưới vây rút chì, hiện là chủ 3 tàu cá công suất lớn, với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng, đội tàu của anh được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy dò cá, máy Icom... Mỗi năm, đội tàu của anh khai thác từ 200 đến 300 tấn cá, đem lại nguồn thu hơn 6 tỷ đồng, riêng năm 2011 các tàu của anh đạt giá trị gần 10 tỷ đồng. “Nơi chúng tôi tập trung khai thác hải sản chủ yếu là ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nhờ thu nhập khấm khá mà cuộc sống của anh em trong đội tàu nói riêng và ngư dân Lý Sơn nói chung dần đi lên, các khu dân cư bắt đầu khởi sắc. Dọc đường bê-tông, đường nhựa quanh đất đảo đã có những ngôi nhà xây dựng nhiều tầng khang trang hiện đại. Tuy nhiên, để có được điều đó không ít ngư dân trên đất đảo này phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt...”.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND H. Lý Sơn cho biết: “Ngoài nguồn vốn ngư dân tự có, huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác để giúp cho ngư dân hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Việc hiện đại hóa tàu cá là điều hết sức cấp thiết hiện nay, đáp ứng mong mỏi của ngư dân. Có tàu lớn, cộng với kinh nghiệm đi biển được đúc kết từ bao đời nay, là tiền đề quan trọng giúp ngư dân Lý Sơn đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa nơi biển xa thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Nhờ mạnh dạn đầu tư phương tiện hiện đại nên ngày càng có nhiều tàu cá của ngư dân huyện đảo khai thác đạt giá trị từ 5 đến 10 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân một lao động đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình quê đảo đã vươn lên thoát nghèo và nuôi con thành tài nhờ khai thác hải sản xa khơi...

H.Thanh - L. Hùng(còn nữa)