Triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021: "Luồng gió mới" trong công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy

Thứ năm, 20/01/2022 20:28

Với nhiều quy định mới sát với thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập, Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay...

Đại tá Trần Mưu chỉ đạo hội nghị.

Ngày 19-1, Công an TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương từ TP đến cơ sở. Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP chủ trì hội nghị.

Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Ngọc- Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy  (CSMT) Công an TP Đà Nẵng, việc xây dựng, ban hành Luật PCMT năm 2021 là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định trong Luật PCMT năm 2021 đã sát với thực tiễn, góp phần ngăn chặn, hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy. Theo đó, Luật PCMT năm 2021 có một chương mới, nhằm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy. Điểm mới ở đây là quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần đầu. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã, khi một người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu, Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Tổ quản lý sẽ do Công an cấp xã làm tổ trưởng, kết hợp với người có uy tín trong dòng họ để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong thời gian bị quản lý, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện.

Trường hợp kết luận bị nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định. Việc quản lý thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không công khai ở địa bàn cư trú, chỉ tổ công tác quản lý và gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy biết. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường. Quy định trên cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở trong công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là trong bối cảnh Bộ Công an triển khai lực lượng Công an xã chính qui trên cả nước.

"Luật PCMT năm 2021 quy định về cai nghiện ma túy đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn. Khác với luật cũ, Luật PCMT năm 2021 đã quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để cho Công an cấp xã kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện, nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp", Thiếu tá Ngọc cho hay.

Biện pháp cai nghiện ma túy quy định tại Điều 28 gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. So với luật cũ, luật mới không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Theo Điều 30 của luật mới quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã. Quy định này đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả.

Luật mới cũng quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính. Trình tự, thủ tục trình tòa án ra quyết định cũng được rút gọn, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phục vụ có hiệu quả công tác cai nghiện…

Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đề nghị sau hội nghị tập huấn này, Công an các đơn vị, địa phương tự chủ động tổ chức tập huấn Luật PCMT năm 2021 và các văn bản, hướng dẫn thi hành Luật PCMT năm 2021 cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Đồng thời, yêu cầu các đại biểu dự tập huấn phải nắm vững các nội dung được tập huấn để vận dụng vào thực tiễn và có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ chiến sỹ tại đơn vị mình. Ngoài ra, trong quá trình vận dụng thi hành Luật PCMT năm 2021 nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Giám đốc (qua Phòng CSMT) để được tháo gỡ, giải quyết.

D.Hùng