Triển khai thi hành Bộ luật Hình sự và Luật tiếp cận thông tin
Ngày 4-11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 59 điểm cầu nhằm quán triệt việc thi hành Bộ Luật hình sự (BLHS) và Luật tiếp cận thông tin (TCTT). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đà Nẵng do Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa chủ trì.
BLHS 2015 có nhiều điểm mới ở phần chung và phần các tội phạm cụ thể. Trong ảnh: CAQ Hải Châu điều tra vụ án liên quan đến hành vi giết người. |
Bộ luật Hình sự: Bỏ án tử hình 7 tội danh
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, ngày 20-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Nhìn một cách tổng thể, BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân. BLHS 2015 gồm 3 phần: Phần thứ nhất- Những quy định chung gồm 12 chương, 107 điều (từ Điều 1 đến Điều 107); Phần thứ hai- Các tội phạm, gồm 14 chương, 318 điều quy định về 14 nhóm tội phạm cụ thể; Phần thứ ba- Điều khoản thi hành gồm 1 điều (Điều 426), quy định về hiệu lực của BLHS.
Nội dung của BLHS mới này cũng có nhiều điểm mới, trong đó đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS 1999 mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng. So với BLHS 1999, BLHS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Luật cũng bổ sung thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình là người từ đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn... BLHS mới cũng đã bỏ tử hình ở 7 tội danh gồm: cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, mục tiêu của việc xây dựng BLHS 2015 là nhằm xây dựng một bộ luật phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ luật cũng góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển theo đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Xây dựng xã hội cởi mở hơn về thông tin
Trong khi đó, Luật tiếp cận thông tin (TCTT) được thông qua ngày 6-4-2016 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Đây là một trong những dự luật được ưu tiên ban hành trong nhóm các dự án luật liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa- Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự- hành chính (Bộ Tư pháp) chia sẻ, qua rà soát pháp luật hiện hành về bảo đảm và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trong các lĩnh vực cho thấy, mặc dù trong một số lĩnh vực, pháp luật hiện hành của nước ta cũng đã ghi nhận và tạo sự tương thích ở mức độ nhất định về nội hàm của quyền được thông tin, quyền tiếp cận thông tin với quan niệm và quy định về quyền tự do biểu đạt/tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và luật về tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới, nhưng nội hàm của quyền tiếp cận thông tin còn chưa đầy đủ, toàn diện trong từng lĩnh vực cụ thể. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa thống nhất, đồng bộ trong việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền TCTT và tách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền TCTT của công dân... Vì vậy, việc ra đời của Luật TCTT là để đáp ứng yêu cầu này.
Theo đó, Luật TCTT gồm 5 chương, 37 Điều, trong đó chương I- Những quy định chung gồm 16 Điều; Chương II- Công khai thông tin có 6 Điều; Chương III- Cung cấp thông tin theo yêu cầu 10 Điều và Chương IV- Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân có 3 Điều. Việc xây dựng Luật TCTT được dựa trên các quan điểm chỉ đạo là thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người", "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp" và "bảo đảm quyền được thông tin" của người dân. Luật cũng cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền TCTT của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Và một quan điểm hết sức quan trọng đó là bảo đảm tính khả thi của Luật trong điều kiện kinh tế- xã hội Việt Nam...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ, nhìn một cách tổng quan, BLHS 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể. Trong đó, có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong khi đó, việc ban hành luật tiếp cận thông tin sẽ góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm cao hơn trong quản lý điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đi vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân là điều kiện để thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người.
NGUYỄN TUẤN