Triệt phá cơ sở sản xuất phân bón giả bằng mật mía và hóa chất không rõ nguồn gốc
Qua công tác nắm tình hình và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện dấu hiệu nghi vấn về một cơ sở trên địa bàn sản xuất phân bón giả. Lần theo dấu vết của nguồn cung cấp phân bón nghi làm giả, cơ quan Công an phát hiện địa điểm làm phân bón giả nói trên tại thôn Ánh Mai 1 (phường 3 Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Ngày 27-7, Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay, đã phối hợp với Công an phường 3 – Bảo Lộc kiểm tra căn nhà do ông H.C.H (41 tuổi) và vợ là H.T.Y (32 tuổi) thuê tại thôn Ánh Mai 1, phát hiện tại đây có hành vi nghi vấn cất giữ và trộn các loại hóa chất nghi làm phân bón giả.
Mở rộng kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện nhiều hàng hóa, hóa chất không có tem, mác, nhãn hiệu và hóa đơn chứng từ, gồm: 3 bồn chiết dung dịch, các loại máy móc dùng để pha chế, đóng gói, thùng hóa chất, thùng carton, vỏ xô nhựa, bao nắp chai nắp nhựa, cân. Với tổng số hơn 3000 lít dung dịch thành phẩm, hơn 5000kg hoá chất các loại và hàng chục ngàn bao bì, tem nhãn dùng để chế biến, chiết xuất, pha trộn, đóng gói phân bón.
Tiến hành đấu tranh, ông H.C.H và bà H.T.Y khai nhận thuê căn nhà trên với mục đích để chế biến, chiết xuất, pha trộn, đóng gói phân bón. Từ các loại vật phẩm ban đầu là mật mía, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường rồi tiến hành pha trộn với nhau và đóng gói vào các xô loại 5 lít, 20 lít và chai nhựa loại 0,5 lít, 01 lít, sau đó dán nhãn mác sau đó xuất bán ra thị trường. Từ năm 2022 đến nay, vợ chồng ông H.C.H đã bán ra thị trường hàng trăm tấn phân bón giả.
Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế– Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng vụ việc để xử lý theo quy định. L.Đ