Triều Nguyễn phòng bị ở Hải Vân quan

Thứ hai, 24/11/2014 10:06

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận cả nước bàn tán, lo lắng về chuyện tỉnh TT–Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây khu nghỉ dưỡng tại  Cửa Khẻm và hòn Sơn Chà trên núi Hải Vân. Người dân lo lắng là điều dễ hiểu, bởi nơi đây có vị trí quốc phòng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Hãy ngược về lịch sử, xem xưa kia các vua Nguyễn tổ chức phòng bị ở Hải Vân như thế nào.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hải Vân được mệnh danh là Đệ nhất hùng quan. Với địa thế hiểm yếu, nơi đây được cho là “một người địch muôn người” như người xưa vẫn nói. Lần giở  những trang quốc sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và nhuận sắc, có thể thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã rất chú ý đến vị trí chiến lược này.  Năm Minh Mạng thứ tư, nhà vua đã  xây pháo đài ở đây và đặt tên núi là Định Hải. Còn hòn Sơn Chà (dân gian gọi là Sơn Chà nhỏ hay Sơn Chà Con) được vua Minh Mạng ban tặng cái tên là Ngự Hải Đài. Và từ lúc đó chính quyền phong kiến nhà Nguyễn đã tổ chức hệ thống phòng thủ Đà Nẵng rất vững chắc và liên hoàn, trong đó Hải Vân được chọn là cứ điểm phòng thủ quan trọng cho kinh đô Huế.

Khi cảng Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương với phương Tây, vua Minh Mạng ra đạo dụ, quy định: “Lệ tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán, phép nước rất nghiêm chẳng nên trái... Từ nay về sau người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu mới cho vào cửa biển buôn bán; người Tây phải đi tàu buôn nước Tây vào cửa Hàn thông thương không được ghé vào cửa biển khác. Có lỗi”. Sớm nhận thấy dã tâm xâm chiếm của phương Tây, nên từ lâu các vua Nguyễn đã chú trọng đề phòng.

Và để quản lý, nhận biết tàu thuyền vào vịnh Đà Nẵng, nhà Nguyễn đặt ra lệ treo cờ hiệu: “Khi có tàu thuyền đến cửa Đà Nẵng, binh sĩ quan sát kính thiên lý thấy tàu có nhiều dây (tàu lớn) nhưng chưa phân biệt là thuyền công trong nước hay thuyền của nước ngoài và số lượng là 1 hay 2 chiếc thì treo cờ đỏ, nếu 3, 4 chiếc trở lên thì treo cờ gấm đỏ trắng. Đến khi nhận rõ, nếu là thuyền công thì hạ cờ trước xuống, treo cờ vàng lên, còn nếu là thuyền ngoại quốc thì thượng cờ gấm lam trắng. Giữa thành An Hải và pháo đài Phòng Hải, hễ bên nào phát hiện tàu thuyền trước thì kéo cờ trước và bên kia nhìn đó mà treo cờ lên. Còn Hải Vân quan hễ thấy thành An Hải và pháo đài Phòng Hải kéo cờ gấm đỏ trắng hay gấm lam trắng thì khẩn cấp làm sớ tâu lên hỏa tốc về kinh thông báo”…

Một góc Hải Vân quan.

Trong một hội thảo mới đây, PGS.TS Lưu Trang–Phó Chủ tịch Hội Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong hệ thống phòng thủ được xây dựng sớm và quan trọng ở Đà Nẵng cần phải nói đến là ải Hải Vân. Vì nơi đây  án ngữ vị trí trọng yếu độc đạo trên bộ của Đà Nẵng và kinh đô Huế, là pháo đài và đài quan sát tự nhiên để canh giữ bao quát toàn bộ cửa biển Đà Nẵng. “Hải Vân quan được các Vua Nguyễn xây dựng kiến cố, cửa trước ải cao và bề dài là 15 thước, bề ngang 17 thước 1 tấc; cửa sau bề cao là 15 thước, bề dài 1 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc, hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Ban đầu trang bị 5 cỗ súng lớn bằng đồng, 200 ống phun lửa, 100 pháo thăng thiên, 1 kính thiên lý và do một viên tấn thủ đóng giữ.

Đến tháng 5-1830, đặt thêm chức Hiệp thủ Hải Vân quan. Kế tiếp, năm 1836 “đặt thêm một phòng thủ úy (trước đặt 1 viên). Lệ trước, biền binh trú phòng mỗi tháng một lần thay phiên, còn phòng thủ úy đóng giữ mãi. Vua cho rằng nơi ấy lam chướng hơi nặng, đổi lại, biền binh 15 ngày thay phiên, phòng thủ úy một tháng một lần thay phiên. Đến thời Thiệu Trị sau sự kiện tàu Pháp gây hấn ở cửa biển Đà Nẵng, năm 1849 cho đặt thêm 7 cỗ súng, trong đó có 1 cỗ súng lớn bằng đồng có tên Thảo Nghịch Tướng quân. Hải Vân quan liên tục được củng cố tăng cường sức mạnh, chứng tỏ các vua nhà Nguyễn rất lo lắng cho cửa ải quan yếu này”–ông Trang nói.

Địa điểm trên núi Hải Vân mà tỉnh TT-Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng.

Khi liên quân Pháp–Tây Ban Nha đổ quân tấn công Đà Nẵng, một loạt đồn bị chúng đánh chiếm thì Hải Vân quan vẫn đứng vững trước súng thép đạn đồng. Do nhận thấy tầm quan trọng mặt trận Đà Nẵng đối với triều đình Huế nên khi tướng Page đến thay Rigault de Genouilly làm tổng chỉ huy đã cho quân tập trung đánh phá các pháo đài ở đèo Hải Vân để dọn đường ra Huế và ngăn chặn sự trao đổi của triều đình với mặt trận Đà Nẵng. Nhưng mưu đồ này thất bại khi quan quân triều Nguyễn ở các đồn Chân Sảng, pháo đài Định Hải, thành An Hải, tấn Cu Đê và Hải Vân quan đã hỗ trợ trong truyền tin và hợp tác chiến đấu, buộc địch phải rút lui.

Như nhà sử học Nguyễn Khắc Đạm nhận xét: “Mục tiêu tấn công lần này không còn là những đồn lũy Việt Nam đối diện với phòng tuyến Pháp ở vùng phụ cận Đà Nẵng, mà là hệ thống pháo đài chặn giữ con đường ra Huế. Địch hy vọng chiếm được các pháo đài đó thì sẽ cắt đứt được liên lạc của Huế với Nguyễn Tri Phương và cũng sẽ uy hiếp Huế mạnh mẽ hơn”. Nhưng quân Pháp đã bị đánh bại và chúng quyết định từ bỏ mặt trận Đà Nẵng để chuyển mục tiêu vào phía Nam. Rút khỏi Đà Nẵng, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã để lại một khu nghĩa địa tại bán đảo Sơn Trà, trên bờ của cảng Tiên Sa hiện nay. Khu nghĩa địa Tây này hiện còn trên 30 ngôi mộ. Đó là một chứng tích tội ác của giặc ngoại xâm, nhưng cũng là kỳ tích của quân đội triều đình Huế sau 2 lần thắng quân Pháp…

Nhìn cách người xưa phòng bị ở Hải Vân, mới thấy rằng bài học cảnh giác, canh phòng những nơi trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là không thể xem nhẹ.

Hoàng Anh