Triều Tiên có thực sự phát triển?
(Cadn.com.vn) - Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman từng bị nhiều người cho là “kẻ lập dị” khi kết bạn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Tuy nhiên, ông không phải là người phương Tây duy nhất có tình cảm đối với quốc gia bị cô lập này. Triều Tiên thật ra vẫn nhận được sự ủng hộ trên toàn thế giới.
Trên khắp thế giới, có nhiều hiệp hội hữu nghị và các nhóm chính trị ủng hộ chế độ ông Kim Jong-Un, hoạt động trong nước và cả quốc tế. Mặc dù bị các học giả gắn cho cái mác “ngây thơ” và “không đáng tin cậy”, các nhóm ủng hộ Triều Tiên vẫn ngày càng thu hút thêm nhiều thành viên.
Hội hữu nghị Thụy Điển-Triều Tiên (SKFA) có trụ sở tại Stockholm, tổ chức lớn mạnh với hơn 300 người được thành lập vào năm 1969, hoạt động với phương châm “tố cáo Mỹ và hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của người Triều Tiên”. Trong 39 năm hoạt động, SKFA thường xuyên tổ chức các hội nghị, các cuộc biểu tình và triển lãm. SKFA cũng tổ chức các hội thảo và các chuyến đi tới Triều Tiên.
![]() |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (giữa) và phu nhân tiếp cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman (phải). Ảnh: Reuters |
Ai dối, ai thật?
Năm 1983, Chủ tịch SKFA, Christer Lundgren đến thăm Bình Nhưỡng lần đầu tiên với tư cách một nhà báo. Tại đây ông có cuộc gặp với cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Kể từ đó đến nay, ông đến Triều Tiên 5 lần, và tham gia vào các cuộc họp với cả cố Chủ tịch Kim Jong-Il và nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. “Trong những năm qua tôi đã đến thăm Triều Tiên, đã có một sự tiến bộ to lớn trong mức sống. Bạn thấy rõ ràng, đất nước đang phát triển nhanh chóng với các tòa nhà chung cư, điện thoại di động... Vấn đề an ninh lương thực cũng tốt hơn và ngành công nghiệp đang gia tăng”, ông nói.
Ngoài ra, các chuyến thăm của Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và Denis Rodman là dấu hiệu tích cực cho thấy, Triều Tiên đang tiếp cận với thế giới. Thực tế là cơ quan tin tức AP của Mỹ mở một văn phòng tại Bình Nhưỡng, khách du lịch và các doanh nhân đến nước này là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của đất nước này. Ông Lundgren lập luận, những hình ảnh tiêu cực về Triều Tiên được mô tả trên các phương tiện truyền thông phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc, phần lớn dựa trên những lời nói dối, cường điệu và hiểu lầm. “Những hình ảnh này đều ẩn chứa một động cơ chính trị”, ông Lundgren nhận định.
Mikel Vivanko, người đứng đầu nhóm Tây Ban Nha, cho biết mô hình xã hội chủ nghĩa của Triều Tiên đang “hoạt động rất tốt”, tổng sản phẩm quốc nội của nước này đang tăng trưởng đáng kinh ngạc – 15%, cuộc sống hàng ngày của người dân được cải thiện rõ rệt. Đại diện của Vương quốc Anh, Dermot Hudson, người đến Triều Tiên 9 lần kể từ năm 1992, cho rằng, các phương tiện truyền thông phương Tây chỉ tập trung vào tin tức tiêu cực của Triều Tiên. Ông nhớ lại một sự kiện vào tháng 4-2002, khi đi bộ dọc theo một đường phố ở Triều Tiên. “Trẻ em ăn kem và mọi người hát karaoke trên các góc phố. Trong khi các tờ báo Anh và Internet nói rằng, mọi người ở Triều Tiên đang chết đói! Rõ ràng là một lời nói dối”. Ông Hudson cho biết, các thành viên mới gia nhập hiệp hội mỗi ngày.
Do lỗi của Mỹ?
Chủ tịch SKFA, Christer Lundgren lập luận rằng, người Mỹ phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên.
“Các vấn đề cơ bản của cuộc xung đột là người Mỹ muốn điều khiển nền chính trị ở Hàn Quốc với mục đích kiểm soát quân sự và chính trị của toàn bộ bán đảo Triều Tiên”, ông nói với Diplomat. Tiến sĩ Brian Bridges, chuyên gia Triều Tiên tại Hồng Kông, người nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên trong hơn 2 thập kỷ, cũng đồng ý rằng Mỹ có lỗi trong chuyện này.
Tuy nhiên, ông Bridges cho rằng, các hiệp hội hữu nghị và các nhóm ủng hộ chính trị Triều Tiên không có uy tín trong mắt các nhà quan sát Hàn Quốc hoặc các viện nghiên cứu. Theo ông Bridges, vấn đề năng lượng vẫn còn là một bài toán lớn khó giải của Bình Nhưỡng, đặc biệt là ở nông thôn. Ông Bridges cho rằng, nhiều người bị các nhóm này thu hút không nhất thiết vì họ hoàn toàn đồng ý với những lý tưởng và hành động của Triều Tiên. Thay vào đó, đó có thể được xem như là một tuyên bố chống lại chủ nghĩa tư bản và chính sách đối ngoại của Mỹ.
An Bình (Theo Diplomat)