Triều Tiên trong cú sốc khủng hoảng COVID-19

Thứ ba, 17/05/2022 10:33
COVID-19 đã “chọc thủng” phòng tuyến che chắn của Triều Tiên, khiến cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra bất ngờ sau hơn 2 năm yên ắng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cửa hàng dược phẩm. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cửa hàng dược phẩm. Ảnh: Reuters

Triều Tiên đã từng tự làm rất tốt trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng lúc này khi phần lớn thế giới đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch, quốc gia này cuối cùng đã phải chống chọi với virus nguy hiểm này.

Điều động quân đội vào cuộc

Các quan chức y tế Triều Tiên vừa xác nhận nước này đã có 50 ca tử vong và hơn 1,21 triệu ca "sốt" kể từ cuối tháng 4.

RT dẫn thông tin từ hãng thông tấn nhà nước KCNA cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích các quan chức y tế cộng đồng hàng đầu vì "thái độ làm việc vô trách nhiệm" trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ngày càng rộng, đồng thời ra lệnh cho lực lượng quân đội của nước này vào cuộc nhằm hỗ trợ ổn định tình hình.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên hôm 15-5, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra chỉ thị "ngay lập tức ổn định nguồn cung cấp thuốc ở thành phố Bình Nhưỡng bằng cách huy động lực lượng quân y hùng hậu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên", theo KCNA. Hiện tại, chi tiết về sự tham gia của quân đội trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc tại Triều Tiên chưa được công bố. Tuy vậy, ông Kim đặc biệt nhấn mạnh về sự cần thiết của việc "khắc phục những điểm hạn chế trong hệ thống cung ứng thuốc và thực hiện các biện pháp quyết liệt để vận chuyển thuốc đến tay người bệnh".

Mặc dù KCNA không xác nhận dịch bệnh, nhưng sốt là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Hãng thông tấn Triều Tiên cũng lưu ý rằng một trong những người đã tử vong có nhiễm biến thể Omicron.

Lạc quan cho Triều Tiên

Hệ thống y tế quốc gia của Triều Tiên tự hào có tỷ lệ bác sĩ trên dân số cao.

Hệ thống kiểm soát xã hội của họ cho phép ngăn chặn sự di chuyển phức tạp của con người, do đó ngăn chặn sự lây truyền. Chuyên gia Lankov suy đoán rằng những kẻ buôn lậu lén lút vượt qua biên giới Trung Quốc đưa virus vào Triều Tiên. Nhưng trong khi các hệ thống của Bình Nhưỡng cung cấp một khả năng phòng thủ đáng kể, thì cơ sở hạ tầng y tế của nước này lại thiếu nguồn lực và một phần đáng kể dân số có dinh dưỡng chưa đầy đủ, một yếu tố làm suy giảm hệ miễn dịch.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, Triều Tiên đã từ chối nhận vaccine từ cơ quan phân phối vaccine quốc tế Covax. Ông Jerome Kim, người đứng đầu Viện Vaccine Quốc tế, nói với Asia Times: Nếu lập trường của Bình Nhưỡng thay đổi, thì việc gửi hàng triệu liều vaccine cho nước này là khả thi, với tình trạng dự trữ vaccine toàn cầu hiện tại. Ông Jerome Kim cho rằng các kết nối hậu cần từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với các công nghệ thích hợp, có thể giúp xúc tiến một chương trình tiêm chủng quốc gia siêu nhanh tại Triều Tiên. “Bạn có thể gửi vaccine trên các xe tải lạnh qua các tuyến đường bộ từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Và chúng tôi có thể đưa nitơ lỏng vào bằng tàu hoả, vì vậy vaccine có thể được bảo quản an toàn".

Một giải pháp khác sẽ là khóa cứng kiểu “Zero Covid” của Trung Quốc. Nhưng điều này dẫn đến một vấn đề khác, đó là Triều Tiên thiếu nguồn cung mạnh mẽ mà Trung Quốc có để phân phối phục vụ những cộng đồng bị cách ly. Lựa chọn thứ ba là nhờ nguồn bên ngoài hỗ trợ.

KHẢ ANH