Trở về sau 22 năm bị bán sang Trung Quốc

Thứ sáu, 22/04/2016 09:41

(Cadn.com.vn) - Năm 1994, khối phố An Nam, thị trấn Tân An, H. Hiệp Đức (Quảng Nam) xáo trộn về việc chị Phạm Thị Bậu (52 tuổi) mất tích bí hiểm khi đi mưu sinh buôn bán. 22 năm qua, khi mọi việc tưởng chừng đã rơi vào quên lãng, bỗng dưng, làng quê nơi đây lại một lần nữa xôn xao khi chị Bậu đột ngột trở về sau khi bị bán qua Trung Quốc làm vợ bất đắc dĩ ở xứ người...

Chị Bậu và anh Yang Jianfeng bên mẹ già ngày trở về.

Cái vỗ vai bí hiểm...

Gần một tuần nay, căn nhà của Mẹ VNAH Lê Thị Ngữ (86 tuổi) bỗng trở nên đông đúc, rộn tiếng nói cười của người thân và bà con lối xóm. Ở tuổi gần đất xa trời, bà Ngữ không ngờ rằng Bậu-con gái mình vẫn còn sống trở về. Nhiều người còn tò mò đến xem anh chàng rể Trung Quốc hình hài, nói năng thế nào... Trước khi mất tích, chị Bậu đã có chồng và hai con trai đứa lên 3, đứa lên 5. Chị Bậu  chuyên đi buôn mít nên được người dân hóm hỉnh gọi là "Bậu mít". Ngày đó, Bậu lặn lội theo những chuyến xe buôn chuối, mít ra tận TT-Huế. Ngày 14-4-1994, sau khi giao hàng cho thương lái ở Huế, Bậu bắt xe trở về Quảng Nam. Khi xe đến đèo Hải Vân thì gặp sự cố hỏng máy phải dừng lại sửa. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, Bậu xuống xe ngồi bên vệ đường uống nước. Đang trò chuyện với mọi người, bất ngờ có một phụ nữ tới vỗ vai và bắt chuyện rất tự nhiên. Sau đó Bậu như người mộng du, cun cút nghe lời để người phụ nữ kia đưa đi đón xe ra Bắc. Dọc đường đi, Bậu không nhớ ghé những đâu, đã nói những gì, đến lúc tỉnh lại mới biết mình đang ở trên đất Quảng Tây (Trung Quốc).

"Sau cái đập vai của người đàn bà nói giọng Hà Nội, tôi như bị bỏ ngải, không biết gì cả. Bà ta bảo sao tôi làm vậy. Khi được đưa đến một căn nhà cấp 4 khá kiên cố, thấy bất an quá tôi mới gượng hỏi một phụ nữ người Việt Nam. Bà ta nói rằng, tôi đã bị bán qua Trung Quốc, muốn trở về Việt Nam phải bỏ ra 2.000 nhân dân tệ. Nếu không có tiền thì ở yên đó, chờ người đến mua. Lúc sau, có tốp đàn ông ầm ầm kéo đến, họ chọn lựa chúng tôi như một món hàng rồi trả tiền cho bà chủ. Lúc đó, ai cũng run bắn người lên nhưng không biết làm gì", chị Bậu kể. Một người được mua, rồi hai, ba người được đưa lên xe và chở đi... Một người đàn ông mặt nhìn non choẹt, thấp bé cố đảo mắt một lượt rồi dừng lại ở người phụ nữ dáng gầy nhom, khuôn mặt khắc khổ là Bậu. Ông ta chỉ vào chị  rồi mở túi đưa cọc tiền cho người phụ nữ quản lý. Nhận tiền xong, người phụ nữ kia quát lên bảo Bậu phải đi theo người đàn ông đó về làm vợ. Bậu ngồi trên xe đi về "làm vợ" người ta mà cứ sụt sùi, nước mắt chảy dài. Đi suốt nửa ngày đường, Bậu được dẫn đến một ngôi nhà thấp lè tè ở một vùng quê hẻo lánh không biết đó là đâu. Mãi sau này Bậu mới biết là thị trấn Đại Luân, thành phố Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

May mắn thay, người đàn ông đến mua Bậu về làm vợ tên là Yang Jianfeng (1972), rất hiền lành, chí thú làm ăn. Gia cảnh của Jianfeng cũng lắm cơ cực, nhà có ba anh em nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Jianfeng làm nghề chạy xe ôm. Vì mồ côi, không có việc làm ổn định,  con gái chê, nên Jianfeng không lấy được vợ đành phải bỏ tiền mua vợ với giá rẻ, chấp nhận già hơn mình. Sau ngày dẫn "vợ" về, gia đình anh mới làm mâm cơm thay lễ cưới. Ban đầu, vì không hiểu được tiếng của nhau nên cả hai giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ. Sau 4 tháng kiên trì, chịu khó, Bậu mới bập bẹ nói và hiểu được tiếng Trung Quốc. Một năm sau, hai người có đứa con trai đầu lòng và con trai thứ hai cũng ra đời tiếp một năm sau đó. Có con, chị được đăng ký quốc tịch Trung Quốc với tên gọi Lý Tú.

Cuộc đoàn viên đẫm lệ

22 năm ở Trung Quốc, Bậu cùng chồng làm đồng áng nuôi hai con nhưng không lúc nào chị không nhớ về quê hương, người mẹ già và hai đứa con thơ dại. Bậu chỉ biết cố gắng làm lụng nuôi con trưởng thành để được về quê hương như lời chồng đã hứa. Đến ngày về, anh Jianfeng đòi nằng nặc được về cùng vì sợ chị sẽ ở lại luôn Việt Nam...

Xa quê quá lâu nên cảnh vật thay đổi nhiều. Ngày trở về chị không còn nhớ đường nên tìm ra chợ hỏi thăm. May mắn thay, vài bạn buôn bán năm xưa nhận ra, ai cũng bất ngờ khi gặp lại chị. Tin chị Bậu trở về lan nhanh đến gia đình. Hôm đó cả nhà ra đón chị trong niềm vui ngỡ ngàng. Mẹ chị sững sờ, nước mắt tuôn rơi nhìn con gái sau bao năm biệt tích. "Ngày nó mất tích, tôi lặn lội suốt mấy năm trời đi khắp tỉnh Quảng Nam, rồi ra Đà Nẵng, Huế tìm con nhưng không thấy. Có lúc tôi phải đi xem bói xem nó còn sống hay đã chết. Với linh cảm của người mẹ, tôi luôn tin con tôi còn sống. Kể từ đó đến nay, đêm nào tôi cũng khấn cầu con gái sẽ quay về. Cảm ơn trời đất, ông bà đã cho mẹ con được gặp lại nhau. Chừ có chết tôi cũng cam lòng", bà Ngữ bật khóc. Mẹ Ngữ có 9 người con, ngoài người con trai đầu hy sinh trong chiến tranh, 4 người con khác cũng đã mất. Nay, chị Bậu trở về, mẹ con, anh em vui mừng khôn xiết. Chị Phạm Thị Lan (chị ruột của Bậu) kể: Bậu mất tích, chồng chị cũng bỏ đi biệt, nghe phong thanh là đã qua đời. Hai cháu Lê Văn Phương, Lê Văn Bình sống với bà ngoại  trong hoàn cảnh thiếu thốn. Lên 5-7 tuổi, cả hai phải nghỉ học đi bán vé số, và rồi, may mắn được vợ chồng người Canada nhận làm con nuôi, lo học hành. Cách đây 3 năm, hai đứa có về thăm bà, thăm quê...

Nhắc đến hai con, chị Bậu rưng rưng nước mắt: "Suốt 22 năm tôi chỉ mong có ngày về để được gặp lại mẹ già, con thơ. Giờ mẹ con cách biệt, không biết bao giờ mới được gặp nhau. Không biết tụi nó có nhớ mặt tôi, vì ngày đó các con còn quá nhỏ", chị Bậu ngậm ngùi. Về đợt này, chị Bậu ở lại được ba tháng để chăm nom, đỡ đần mẹ già sau bao năm cách biệt và tìm hai đứa con của mình. Bà Ngữ sụt sùi: "Lần sau nó về chắc tôi qua bên kia thế giới rồi. Giờ chỉ mong sao nó với thằng Phương, thằng Bình được gặp lại. Tụi nó cũng đinh ninh mẹ mình đã chết"...

Hữu Đức