Trong màu hoa lửa cháy
Với tôi ký ức không quên trong màu hoa lửa cháy ấy là mỗi mùa hoa về trên cây gạo ở mảnh vườn có tên kim. (Xóm núi nhà tôi ngày ấy quanh nhà có đến năm bảy mảnh vườn, mỗi mảnh có một tên riêng. Nếu mảnh đá đen có cây lá đa đa thì mảnh dài có cây ổi sẻ mà bầy dơi thường lui tới; mảnh nền nhà thường trồng mè với ký ức những đêm trăng bắt rầy mè; mảnh đất nở sau lũ lụt trôi hoài thu hẹp lại đổi tên đất lở…; riêng mảnh vườn kim có cây hoa gạo thật to. Vườn kim độ chừng mấy trăm m2 được ba khai hoang, công sức cả mấy năm trời).
Cây hoa gạo có trước cách mạng tháng 8-1945, rồi sau này ba đi tập kết vào 1954, mấy mươi năm sau ngày đất nước thống nhất gia đình trở về, cây gạo đã thành cổ thụ. Đây là mảnh vườn chuyên trồng tỉa đậu phụng, đến mùa bầy cu ngói trở về gáy vang, những mùa đậu ra gương (hoa- P.V) vàng tươi thoang thoảng đưa hương rất dễ chịu. Ấn tượng không quên với tuổi thơ tôi, đó là những tháng ba hoa gạo trên tàng cây đỏ một góc trời, hoa treo khắp các cành la đà chi chít. Những lúc đó tôi có cảm giác, chiều quê nhà như chậm tối hơn từ phía mảnh vườn nhà có cây gạo cổ thụ.
Phía góc mảnh vườn kim có một ngôi mộ. Theo người dân địa phương, đây là chiến sĩ của một đơn vị quân đội từ Bắc vào hy sinh chưa rõ danh tính. Mỗi khi làm vườn ba đều đắp điếm, đốt khói nhang chu đáo. Chưa hết, mỗi mùa hoa gạo về ông lại bỏ công nhặt nhạnh những bông hoa gạo đỏ tươi rụng xuống mảnh vườn cho cả vào một cái rổ lớn bưng đến rải chung quanh mộ.
Theo thông tin từ ba, mấy năm sau có đoàn cán bộ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của quân khu đã trở về cải táng. Khi đào lên thì phát hiện bên cạnh thi thể là đôi dép cao su, rút dép, số hiệu một đơn vị bộ đội… và cả một viên đạn của súng AR15 trong đầu thi thể người mất. Hài cốt người mất được di dời đi để lại khoảng đất trống, ba không lấp đất đi, mà cứ thế mỗi mùa hoa ông lại nhăt những bông hoa gạo đỏ cháy kia bỏ vào đấy mỗi lần ra vườn như một tâm ý nào đó tưởng niệm cho người ngã xuống, cho mảnh đất quê mà ông có biết bao ký ức đau buồn.
Chiến tranh, bao đau thương mà cuộc chiến gây ra nơi quê nhà chỉ có cây gạo già trở thành chứng nhân của năm tháng đó. Nghĩ về cái tên vườn kim như ba kể, không hiểu sao khoảng đất này bom đạn chiến tranh để lại nhiều quá. Những năm đầu khai hoang ba phải dùng cuốc từng lát một để nhặt không biết bao nhiều mảnh đạn pháo rồi bom…đủ các kích cỡ. Ông bảo, nhỡ tay một tí thôi khi lao động có thể bị thương tật, thậm chí mất mạng. Cái tên kim cũng từ đó ra đời (kim ở đây là kim loại).
Điều mà mãi sau này tôi mới hiểu vì sao hôm sớm ba chăm chuốt, gắn bó thật nhiều với mảnh vườn này. Có những lúc quan sát tôi thấy ông chống cuốc ngửa mặt lên trời nhìn những bông hoa cháy đỏ mà rưng rức ôm mặt nấc nghẹn. Dần hồi ba mới kể, ngày ông có lệnh tập kết ra Bắc khi địch vây tứ bề, ba và người vợ đầu hẹn hò chia tay nơi mảnh vườn này nhưng do sợ bại lộ, nên rồi chẳng có một cuộc chia tay nào… để rồi sau này ông vĩnh viễn không còn gặp lại lần nào nữa. 21 năm trời đằng đẵng ngày Bắc đêm Nam.
Chú tôi môt cựu tù Côn Đảo, bảo ngày ba đi rồi, quê nhà chiến tranh ngày càng khốc liệt, hết biệt kích, tàu gáo, tàu rọ tuần tra, dò la bắt bớ những người tham gia kháng chiến khắp nơi. Chồng chị gái của ba tôi hy sinh trong một trận chiến không cân sức với địch. Còn cô tôi (chị gái đầu của ba) bị địch rải bom xăng đốt cháy hết mặt mũi, thân thể đến tàn phế. Người đồng đội ba cùng đứng vào hàng ngũ của Đảng hai năm sau cách mạng tháng 8-1945 đã bị quân giặc chặt đầu bêu xác. Mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất mới hoàn thiện hồ sơ và đã được truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND. Đó là liệt sĩ Trần Ngự ở Quế Thọ, Hiệp Đức.
Những mùa hoa gạo ngày đó luôn lập lòe trong quần pháo sáng… Cây gạo vẫn kiên trung sừng sững đứng đó, bất chấp đạn bom. Riêng cành gạo khá to ngã ra mảnh vườn bị bom phạt cụt sau này cây lành lặn dần. Những năm mới giải phóng, ngày gia đình tôi mới về ba thường bảo sao nó giống cánh tay một người thương binh. Thế mà cành cây không quên nở ra cho người những bông hoa chói đỏ…
Tuổi thơ nghèo khó gắn bó mảnh vườn, mấy chị em tôi làm sao quên ngày thay mùa đổi vụ trên mảnh vườn này sau cày bừa, gieo trỉa bất ngờ từ lòng đất trồi lên những chiếc rễ gạo như những con trăn khổng lồ trườn bò trên mặt đất, chạy ngang qua đâu đó rất nhanh rồi mất dạng trong đám cỏ tranh kề bên mảnh vườn.
Khi hoa rụng hết là lúc những chồi non bé tí mọc ra, vẫy bàn tay tí hon đón chào bình minh, lấm tấm xanh cùng với màu xanh thiên thanh của bầu trời. Những mùa hè tuổi thơ, đầu trần chân đất tôi say mê rình bắt lũ sáo sậu làm ổ trong bộng cây mù u gần đó có hôm tối mịt mới sực nhớ câu dọa dẫm của người lớn "thần cây đa, ma cây gạo", nhưng rồi lại quên bẵng về nỗi sợ ma từ cây gạo.
Những năm tháng tuổi thơ rồi cũng như một giấc trưa. Do đường sá đi lại xa xôi, từ khi bước vào cấp ba tôi phải trọ học, dần xa những mảnh vườn, ôm theo mình những khát vọng từ con chữ để rời xa kham khổ, đói nghèo…Thế rồi, những mùa hoa gạo tuổi thơ cũng dần xóa nhòa đi trong lặng lẽ. Không hiểu sao cây gạo nơi vườn quê cũng lặng lẽ lụi tàn, trong một mùa đông, nhưng cái màu đỏ trong sắc hoa gạo ngày nào vẫn ánh lên nhoi nhói khi đi đâu đó bắt gặp lại màu hoa ký ức.
Nghĩ về sắc hoa gạo, tôi lại hình dung về những cuộc chia ly của những mối tình quê trong lặng lẽ đợi chờ. Trong màu hoa lửa cháy, tôi cứ mãi miên man hình dung những nỗi đau thương sóng sánh của một thời đất nước đi qua lửa đạn chiến tranh… Nhớ về ba, nhớ mãi cây gạo vườn nhà tôi giờ đã không còn nữa.
Hiệp Đức những ngày tháng 3.2024
Tạp bút: Võ Văn Trường