Trung Đông vẫn "đứng ngoài cuộc chơi" trừng phạt Nga

Thứ bảy, 12/03/2022 15:35

Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.  Ảnh: Reuters

Cho đến nay, không một quốc gia Hồi giáo nào ở Trung Đông, kể cả Israel lên tiếng ủng hộ Washington trong cuộc đối đầu với Nga.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Moscow.

Tuy nhiên, cho đến nay, không một quốc gia Hồi giáo nào lên tiếng ủng hộ Washington trong cuộc đối đầu với Nga hoặc thậm chí công khai chỉ trích việc Nga tấn công Ukraine dù họ sẽ là các bên liên quan nếu xung đột leo thang hơn nữa.

Nơi an toàn của giới tài phiệt Nga

Saudi Arabia mới đây từ chối lời đề nghị của chính quyền Joe Biden về việc không tăng sản lượng dầu để hạ giá dầu đã tăng vọt do cuộc khủng hoảng này gây ra. Riyadh vẫn thực hiện đúng với thỏa thuận về sản lượng mà họ đã cam kết với Nga trong tổ chức OPEC +, vốn để điều chỉnh nguồn cung trên thị trường dầu thế giới. Đối thủ của Saudi Arabia là Iran và Syria đã công khai ủng hộ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hòa giải giữa Nga-Ukraine và thực sự đã bắt tay vào việc dàn xếp các cuộc đàm phán giữa hai nước. 

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một đồng minh trung thành của Mỹ ở khu vực Tây Á, đã hai lần bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Liên hợp quốc do Mỹ hậu thuẫn để chỉ trích các hành động của Nga. Dù UAE là đối tác gần gũi với Mỹ trong vấn đề an ninh ở Trung Đông, vùng đất giàu có này từ nhiều năm nay cũng chào đón sự xuất hiện của các tài phiệt Nga. Dubai thuộc UAE trở thành một điểm đến với giới tài phiệt Nga giữa lúc họ đang bị áp hàng loạt lệnh trừng phạt vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Qatar cũng kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế" và không đổ lỗi cho Nga. Nước này cũng chỉ ra rằng họ không thể tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc chuyển hướng xuất khẩu LNG sang châu Âu với số lượng đáng kể.  Trong khi đó, mối quan tâm chính của Ai Cập chỉ là xung đột ở Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp lúa mì của Nga và Ukraine qua Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo Asia Times, phản ứng của Israel cũng bất ngờ. Tel Aviv Israel đã ngăn việc Mỹ chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Dome (Vòm sắt), vũ khí vốn có thể sẽ thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột hiện nay, với lý do nước này không muốn hành động chống lại Nga. Cả Washington và Tel Aviv đều giấu kín vấn đề này cho đến khi nó được giới truyền thông tiết lộ gần đây.  Sau đó, chính quyền Tổng thống Biden tìm kiếm sự hỗ trợ từ Israel để đồng bảo trợ cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến Ukraine. Tel Aviv đã từ chối dù Washington công khai thể hiện không hài lòng. 

Nga nói các lệnh trừng phạt gây bất ổn lớn

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10-3 cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu.

Ông Putin cũng khẳng định, Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn. Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu gây tổn hại Mỹ và châu Âu, bao gồm giá cả đang leo thang. Ông nhấn mạnh: "Đó không phải do lỗi của chúng ta. Đó là kết quả tính toán sai của họ". Tổng thống Putin nêu rõ Nga tôn trọng tất cả các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, theo đó tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, trong khi phương Tây khiến cho giá năng lượng tăng vọt. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có nguy cơ đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Theo ông Putin, nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục cản trở nguồn tài chính và logistics đối với việc giao hàng các sản phẩm của Nga, đặc biệt là phân bón, khi đó giá cả sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng là lương thực, thực phẩm. Đề cập những lo ngại của người dân Nga về nguy cơ thiếu lương thực và thuốc men, Tổng thống Putin thừa nhận có thể có khó khăn về nguồn cung, nhưng khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết. Ông nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khiến đất nước mạnh mẽ hơn, đồng thời kêu gọi người dân Nga "thích ứng với tình hình mới".

Trong khi đó, Văn phòng báo chí của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết Tiểu ban quản lý thuế và phi thuế quan, các biện pháp bảo hộ thương mại của Ủy ban chính phủ phát triển kinh tế và hội nhập đã quyết định tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Ngoài ra, Tiểu ban này cũng ủng hộ quyết định tạm cấm xuất khẩu đường trắng và đường mía thô từ Nga sang các nước thứ ba. Cả hai biện pháp có hiệu lực đến ngày 31-8-2022. Theo Bộ Phát triển kinh tế, quy định cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ ảnh hưởng đến lúa mỳ và meslin (hỗn hợp lúa mỳ và lúa mạch đen), lúa mạch đen, lúa mạch và ngô. Bộ Công Thương Nga có thể cấp giấy phép xuất khẩu ngoại lệ.

KHẢ ANH