Trung Quốc bỏ chính sách 1 con

Thứ sáu, 30/10/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Quy định mới về chính sách sinh con đánh dấu bước tự do hóa đáng kể những hạn chế về kế hoạch hóa gia đình của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XVIII vào ngày 29-10, Trung Quốc khẳng định sẽ nới lỏng những hạn chế trong công tác kế hoạch hóa gia đình để cho phép tất cả các cặp vợ chồng đều được sinh 2 con, đánh dấu kết thúc chính sách một con nghiêm ngặt sau nhiều thập kỷ.

“Để thúc đẩy tăng trưởng cân bằng dân số, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy các chính sách quốc gia cơ bản về kiểm soát dân số và cải thiện chiến lược về phát triển dân số”, Tân Hoa Xã trích dẫn báo cáo hội nghị cho biết. Hiện chưa rõ kế hoạch chi tiết thực hiện chính sách mới này, nhưng động thái này được đánh giá là phản ứng tích cực của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới trong bối cảnh chênh lệch giới tính gia tăng và dân số già hóa nhanh chóng.

Chính sách một con của Trung Quốc bị cho là đã quá lỗi thời so với xã hội phát triển hiện đại
ở nước này. Ảnh: AFP

Phải cân bằng giới tính

Trong thập kỷ qua, rất nhiều học giả liên tục kêu gọi chính phủ phải cải cách các quy định về chính sách 1 con, vốn ra đời vào cuối năm 1970 nhằm ngăn chặn đà tăng trưởng dân số vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nhưng hiện bị coi đã lỗi thời và làm thu hẹp lực lượng lao động của Trung Quốc.

Năm 2012, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, dân số độ tuổi lao động ở “công xưởng của thế giới” giảm đáng kể. Trung Quốc ước tính sẽ trở thành quốc gia có nhiều người cao tuổi nhất trên thế giới chỉ trong 15 năm tới, với hơn 400 triệu người hơn 60 tuổi. Dân số già sẽ đè gánh nặng lên ngành y tế, dịch vụ xã hội và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, tỷ lệ nam nữ lại chênh lệch nghiêm trọng do chính sách 1 con và quan niệm trọng nam khinh nữ. Theo thống kê, số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới khoảng 40 triệu người.

Vấn đề chênh lệch giới tính nghiêm trọng đến nỗi một giáo sư có tiếng ở nước này đưa ra đề xuất nực cười: cho phép đàn ông lấy chung vợ. “Những vấn đề xã hội nghiêm trọng như nạn hiếp dâm sẽ xảy ra nếu đàn ông không tìm được vợ”, giáo sư Xie Zoushi thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang cho biết đồng thời khẳng định ông không hề đùa khi đưa ra giải pháp “chia sẻ vợ” này bởi nó dựa trên quan điểm kinh tế chứ không phải đạo đức.

Có quá trễ?

Wang Feng, một chuyên gia hàng đầu về nhân khẩu và xã hội học ở Trung Quốc, gọi đây là “sự kiện lịch sử” đã làm thay đổi thế giới, nhưng khẳng định, những thách thức về một xã hội già hóa của Trung Quốc vẫn còn đó. “Đây là sự kiện mà chúng ta đã chờ đợi quá lâu, cả một thế hệ. Nhưng nó sẽ không có bất kỳ tác động cho các vấn đề xã hội lão hóa mà chỉ làm thay đổi các đặc tính của nhiều gia đình trẻ”, ông Wang nhận định.

Trong khi đó, những người chỉ trích nói rằng, việc nới lỏng các quy định này là quá ít và quá muộn để khắc phục tác động tiêu cực đáng kể của chính sách một con đối với kinh tế và xã hội. Trên thực tế, chính sách 1 con hà khắc từng được nới lỏng vào cuối năm 2013 sau Hội nghị Trung ương III. Tại thời điểm đó, Bắc Kinh cho biết sẽ cho phép hàng triệu gia đình được có 2 con khi cha mẹ gặp điều kiện nhất định. Theo đó, những cặp vợ chồng có cha hoặc mẹ là con duy nhất sẽ được phép có con thứ hai.

Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng quyết định không sinh thêm con thứ hai, đặc biệt là gia đình ở các thành phố, với lý do không có khả năng nuôi dưỡng tốt con trẻ trong một đất nước ngày càng đắt đỏ. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 1 cho biết, có khoảng 30.000 hộ gia đình ở Bắc Kinh, chỉ chiếm 6,7% những người đủ điều kiện xin sinh thêm con thứ hai.

Khả Anh

556 nghi phạm sa lưới “chiến dịch săn cáo 2015”

Tân Hoa Xã ngày 29-10 đưa tin: chiến dịch “Săn cáo 2015” của chính quyền Trung Quốc đã thành công khi đã dẫn độ về nước 556 nghi phạm ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tính đến ngày 30-9.

Tờ báo này dẫn nguồn tin Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đạt được thành công này một phần nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. Chiến dịch “Săn cáo 2015”, triển khai từ ngày 1-4-2015, tập trung vào tội phạm kinh tế, đảng viên... những người liên quan đến các vụ án tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Năm 2014, 680 đối tượng sa lưới trong chiến dịch này.