Trung Quốc, Châu Âu tái khởi động nền kinh tế: Nhiệm vụ không dễ dàng
Khi các quốc gia đang xem xét cách để khởi động lại các nền kinh tế đã bị đại dịch Covid-19 phá hủy nghiêm trọng, những trải nghiệm ban đầu ở Trung Quốc và một số nước ở Châu Âu cho thấy đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Các lực lượng lao động trở lại làm việc trong mối lo ngại về chi tiêu hoặc nguy cơ lây nhiễm khi đi ra ngoài. Người mua sắm đang tránh xa những cửa hàng đã mở cửa trở lại. Việc đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội vẫn bắt buộc. Và phổ biến hơn cả là nỗi sợ virus có thể bùng nổ trở lại nếu việc phong tỏa nới lỏng quá nhanh.
Một tấm biển ghi dòng chữ “Keep This Far Apart” (Hãy giữ khoảng cách) trên lối đi bộ ở đảo Coney ở thành phố New York, Mỹ, nhắc nhở mọi người về việc giãn cách xã hội. |
"Sửa chữa" trong nhiều mối lo
Mối lo lớn nhất với các nhà lãnh đạo là việc mở lại các nhà máy, trường học, cửa hàng và sửa chữa thiệt hại kinh tế từ đại dịch đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người và cướp đi hơn 137.000 sinh mạng trên toàn thế giới.
Một số thành phố ở Trung Quốc cố gắng trấn an người tiêu dùng bằng cách công bố hình ảnh các quan chức ăn trong nhà hàng. Ở Mỹ, mọi người đã bắt đầu nhận được tiền cứu trợ để giúp họ thanh toán các hóa đơn. Các đường phố ở Rome, Italia, phần lớn vẫn vắng lặng mặc dù một số cửa hàng mở cửa trở lại. Theo AP, tại Vienna, Áo, chủ cửa hàng quần áo Marie Froehlich cho biết, nhân viên của cô rất vui khi được trở lại làm việc sau nhiều tuần ở nhà. Nhưng doanh thu cửa hàng phụ thuộc phần lớn vào du lịch, vì vậy, phải mất nhiều tháng việc kinh doanh mới trở lại bình thường. "Cho đến lúc đó, chúng tôi vẫn đang ở trong chế độ khủng hoảng", cô nói.
Nhân viên bán xe tải Zhang Hu ở Trịnh Châu, Trung Quốc, đã đi làm trở lại nhưng thu nhập của anh giảm mạnh vì ít người mua. "Tôi không biết khi nào tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn", anh nói với AP. Nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á - Hàn Quốc – cũng bộc lộ dấu hiệu suy thoái sâu do dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa làm đình trệ các doanh nghiệp toàn cầu và tác động tới nhu cầu tiêu dùng. Tổng sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc suy giảm ở mức cao nhất trong 9 năm tính trong tháng 2, trong bối cảnh sự suy thoái kinh tế do sự lây lan của dịch bắt đầu tác động tới hoạt động sản xuất và chi tiêu trong nước.
Tại Mỹ, với nhiều nhà máy ngừng hoạt động, sản lượng công nghiệp đã giảm mạnh vào tháng 3, đánh dấu sự suy giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Doanh số bán lẻ giảm 8,7% chưa từng thấy, với dự báo tháng 4 còn tồi tệ hơn nhiều. Số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng cho thấy, các hoạt động kinh tế của Mỹ giảm mạnh và đột ngột trên toàn quốc. Lo lắng cho nền kinh tế, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đã chuẩn bị các hướng dẫn mới để giảm bớt giãn cách xã hội, ngay cả khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng, việc xét nghiệm nhiều hơn và tăng cường thiết bị bảo vệ cá nhân là điều cần thiết trước tiên.
Nếu dỡ bỏ phong tỏa...
Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn đầy nguy hiểm và khó khăn khi con số công bố mới nhất của Đại học Johns Hopskins cho thấy, ngày 15-4, Mỹ đã thông báo có thêm gần 2.600 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, một kỷ lục mới và mức tử vong hàng ngày cao nhất trong số các nước trên thế giới.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 16-4 tuyên bố, dịch đã bắt đầu đạt đỉnh nhưng vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong tỏa do virus sẽ lây lan một cách không thể kiềm chế nếu không tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Singapore xác nhận tăng hơn 1.100 ca nhiễm kể từ hôm 13-4. Đảo quốc Sư tử đã thành công trong việc ngăn chặn lần bùng phát dịch đầu tiên, nhưng họ lại để xảy ra những ca mới từ những người lao động đến sống trong ký túc xá đông đúc. Ở Brazil, khẩu chiến nổ ra đối với cách phòng chống dịch bệnh của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Tại Nhật Bản, chính phủ ngày 16-4 quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 đối với tất cả 47 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước đó, hôm 7-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh/thành, gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Osaka, Kanagawa, Chiba, Saitama, Hyogo, Fukuoka, trong nỗ lực nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh nguy hiểm này. Sau đó, chính quyền 3 tỉnh Kyoto, Hokkaido và Aichi đã tự ban bố tình trạng khẩn cấp do số người mắc Covid-19 đang tăng nhanh, đồng thời kêu gọi chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh này.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres hiện đang thúc giục các nỗ lực tăng cường chuẩn bị cho Châu Phi, cảnh báo, lục địa này có thể sẽ phải chịu những tác động lớn nhất.
KHẢ ANH