Trung Quốc công bố gói hỗ trợ kinh tế
Trung Quốc vừa tung gói hỗ trợ trị giá 10.000 tỷ NDT (1.400 tỷ USD), tập trung giải quyết áp lực "nợ ẩn" tại các địa phương, đồng thời củng cố nền kinh tế dài hạn.
Cụ thể, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc nâng trần nợ của chính quyền địa phương lên 6.000 tỷ NDT (khoảng 840 tỷ USD). Với biện pháp này, mức trần của nợ chính quyền địa phương đặc biệt sẽ được tăng từ 29.520 tỷ NDT (4.121 tỷ USD) lên 35.520 tỷ NDT (4.958 tỷ USD) vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An, từ năm 2024, mỗi năm, Trung Quốc sẽ dành riêng 800 tỷ NDT (11,6 tỷ USD) từ các trái phiếu mục đích đặc biệt mới cho các chính quyền địa phương trong 5 năm liên tiếp, để hoán đổi với khoản nợ ẩn 4.000 tỷ NDT (560 tỷ USD). Các biện pháp mới sẽ bổ sung tổng cộng 10.000 tỷ NDT vào nguồn lực xóa nợ của Trung Quốc. Trong khi đó, 2.000 tỷ NDT (279 tỷ USD) nợ ẩn phát sinh từ các dự án cải thiện nhà ở tại các khu vực xuống cấp đáo hạn vào năm 2029 trở đi sẽ được thanh toán theo các hợp đồng ban đầu. Thông qua các biện pháp này, đến năm 2028, số nợ ẩn mà chính quyền địa phương của Trung Quốc cần xử lý sẽ giảm từ 14.300 tỷ NDT (1.996 tỷ USD) xuống còn 2.300 tỷ NDT (321 tỷ USD).
Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 5 ngày của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) của Trung Quốc. "Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, doanh thu tài chính của chính quyền trung ương và địa phương không đạt như kỳ vọng", ông Lam Phật An chia sẻ. Nhiều chuyên gia Trung Quốc chờ mong gói kích thích rất lớn này bởi trước mắt giải quyết vấn đề nợ chính quyền địa phương - một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2023, khoản nợ ẩn khổng lồ của Trung Quốc đã lên tới 14.300 tỷ NDT (1.990 tỷ USD). Các quan chức đặt mục tiêu giảm số nợ này xuống còn 2.300 nghìn tỷ NDT (320 tỷ USD) vào năm 2028.
Những năm gần đây, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu từ bất động sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của các địa phương tại Trung Quốc. Đồng thời, các chi phí khổng lồ cho việc kiểm soát đại dịch COVID-19 càng đẩy gánh nặng tài chính lên cao. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay từ cuối năm 2019, nợ địa phương đã chiếm tới 22% GDP Trung Quốc. Nhiều năm hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch cùng khủng hoảng bất động sản đã làm cạn kiệt nguồn ngân sách của chính quyền địa phương ở Trung Quốc, khiến họ phải vật lộn với núi nợ. Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng đến mức một số thành phố tại nước này không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản và nguy cơ vỡ nợ đang gia tăng. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III chỉ đạt 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn một chút so với dự báo 4,5% của các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát. Với tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 5% trong năm nay.
Việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng được dự đoán sẽ làm gia tăng những bất lợi về kinh tế đối với Trung Quốc. Chính sách của ông Trump với Trung Quốc có thể sẽ cứng rắn hơn về mặt thương mại. Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, với mức 10-20% cho tất cả mặt hàng và có thể lên tới 60% với hàng Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng trước rủi ro của mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung thì hành động Trung Quốc bơm tiền mạnh vào nền kinh tế, khai thác mạnh tiêu dùng nội địa cũng là cách giảm rủi ro từ yếu tố bên ngoài không thuận lợi. "Việc cho phép đảo nợ giúp giảm chi phí lãi vay, từ đó giải phóng nguồn lực để các chính quyền chi tiêu vào các mục đích khác", ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, nhận định trong báo cáo.
Các chuyên gia cho rằng để phục hồi nền kinh tế, Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng đồng thời chống lại tình trạng giảm phát, một vấn đề khó giải quyết tại quốc gia này. Điều này đòi hỏi các chính sách mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn giản là đảo nợ.
AN BÌNH