Trung Quốc “đổ thêm dầu vào chảo lửa” biển Đông

Thứ ba, 05/07/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận ở biển Đông trong tuần này, ngay trước thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) dự kiến ra phán quyết về tranh chấp giữa nước này với Philippines về những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở khu vực này.

Vào ngày 12-7 tới, PCA dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông tranh chấp. Theo giới phân tích, phán quyết này chắc chắn sẽ nghiêng về phía Philippines, một kết cục mà Trung Quốc sẽ “đứng ngồi không yên”.

Hồi năm 2015, Trung Quốc bị chỉ trích khi cho tàu hải cảnh áp sát một tàu cá
của Philippines ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: Reuters

Vì sao lại tập trận trước phán quyết của PCA?

Khi PCA chuẩn bị ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở biển Đông, các nước liên quan rõ ràng như đang “ngồi trên đống lửa”. Và ngay trước thềm sự việc quan trọng này, Trung Quốc đã “động thủ” khi tuyên bố sẽ tập trận tại biển Đông, động thái khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.

Tờ WSJ dẫn nguồn tin từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết, nước này sẽ tiến hành tập trận ở biển Đông, bắt đầu vào hôm nay (5-7) cho đến ngày 11-7, chỉ một ngày trước khi PCA ra phán quyết. Trong tuyên bố ngắn đăng trên mạng, SOA thậm chí tuyên bố các tàu khác bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian tập trận. Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận tại biển Đông. Tuy nhiên, việc nước này tuyên bố tập trận trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, mục đích của Trung Quốc là nhằm khiêu khích và gửi thông điệp cảnh báo đến PCA để tạo lợi thế trước thềm tòa án ra phán quyết. Ngoài ra, trước thời điểm ra phán quyết, Trung Quốc “ve vuốt” Philippines khi tuyên bố đã sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán với Manila về các vấn đề liên quan tới biển Đông.

Trên thực tế, Bắc Kinh cho đến nay vẫn khăng khăng sẽ không công nhận bất kỳ phán quyết nào của PCA vì cho rằng, tòa án này không đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện của Manila. Nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách mở rộng các hoạt động trái phép ở biển Đông cũng như lập Khu vực xác định phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã từng làm trên biển Hoa Đông năm 2013.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung

Việc Bắc Kinh quyết tâm phớt lờ phán quyết của PCA chắc chắn sẽ đẩy họ vào mối quan hệ u ám hơn với Mỹ - quốc gia vốn khẳng định Trung Quốc đang phát triển các đảo và dải đá ngầm quân sự, gây đe dọa cho sự ổn định và an toàn tại khu vực giao thương hàng hải quan trọng của thế giới.

Điều nhiều người quan tâm là cách Washington xử lý vấn đề “hậu phán quyết” - động thái được đánh giá là bài kiểm tra độ tin cậy của Mỹ trong một khu vực đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Trước thềm PCA ra phán quyết, Anh, Australia và Nhật, vốn đứng cùng chiến tuyến với Washington trong vấn đề biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật tại khu vực này – tuyên bố rõ ràng chỉ trích các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc ở đây. G7 và EU cũng ra tuyên bố rằng, phán quyết của PCA phải được chấp hành, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Bắc Kinh nhiều lần phớt lờ áp lực từ Mỹ và các nước trên thế giới về những hoạt động trái phép ở biển Đông. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu Bắc Kinh không công nhận phán quyết của PCA, họ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn nữa từ các nước trên thế giới.

Khả Anh