Trung Quốc & Hồng Kông

Thứ sáu, 20/06/2014 08:25

(Cadn.com.vn) - Hồng Kông sẽ tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" gây tranh cãi về dân chủ vào hôm nay (20-6), khúc dạo đầu cho chiến dịch làm leo thang căng thẳng có thể gây tổn hại cho đặc khu tài chính nổi tiếng này và chọc giận giới lãnh đạo Trung Quốc.

Đặc khu hành chính với 7 triệu dân này đã trở về dưới sự quản lý của Trung Quốc vào năm 1997. Nhưng Hồng Kông vẫn quyết định tổ chức "trưng cầu dân ý" về một nền dân chủ đầy đủ hơn vì dường như vẫn không thỏa mãn với hình thức "một quốc gia, hai chế độ" hiện nay.

Cuộc trưng cầu dân ý bán chính thức lần này, do phong trào mang tên Occupy Central (Chiếm đóng trung ương) tổ chức trong 3 ngày (từ 20 đến 22-6 nhằm chứng tỏ đa số người dân muốn dân chủ hơn nữa.

Nhưng rõ ràng, trên thực tế Hồng Kông vẫn được coi là thành phố tự do nhất ở Trung Quốc vì chính sách "một quốc gia, hai chế độ". Từ khi về lại Trung Quốc đến nay, Hồng Kông thường xuyên muốn chứng tỏ quyền tự do dân chủ của mình và cách sống tư bản vốn có từ khi còn là thuộc địa của Anh. Bắc Kinh lâu nay cũng tôn trọng chế độ của Hồng Kông nhưng tất nhiên cũng phải đặt dưới sự kiểm soát trong khuôn khổ của chính quyền Trung ương.

Mới đây, hôm 10-6, Bắc Kinh công bố Sách Trắng nêu chi tiết về việc thực thi chính sách "một nhà nước, hai chế độ" tại Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh đây là chính sách nhà nước nền tảng bất chấp mọi tình huống mới.

Sách Trắng cũng đòi hỏi phải hiểu rõ và chính xác ý nghĩa của chính sách này, đồng thời nhấn mạnh "quyền tự trị cao độ của Hồng Kông không phải là quyền lực cố hữu mà là do ban lãnh đạo chính quyền trung ương ủy quyền.

Tất nhiên, tự do nào cũng phải trong khuôn khổ. Nhưng cái khúc mắc của Hồng Kông hiện nay là nằm ở vấn đề bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính. Chính quyền Bắc Kinh hiện đã cho phép Hồng Kông tổ chức bầu cử tự do chọn Trưởng Đặc khu vào năm 2017, nhưng vẫn chưa  cho phép đặc khu tự giới thiệu các ứng cử viên cho chức vụ cao nhất của thành phố này. Cho đến nay, danh sách ứng cử viên Trưởng Đặc khu Hồng Kông vẫn do Bắc Kinh đưa ra thông qua một ủy ban nhỏ.

Hồng Kông đã về với Trung Quốc được 17 năm nhưng cũng có nhiều tranh cãi và sóng gió trong mối quan hệ "cha con" khó chịu này. Trung Quốc phải làm gì hay Hồng Kông phải làm gì để hòa hợp với nhau hơn. Đó có lẽ phải chờ vào quyết định của chính quyền Trung ương Bắc Kinh.

Thanh Văn