Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba

Thứ năm, 19/10/2023 08:15
Sáng 18-10, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo từ hơn 130 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.

Tại Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo và các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... Hợp tác Vành đai và Con đường đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Hướng tới mục tiêu chung về tương lai tươi sáng, thịnh vượng và cuộc sống ấm no cho người dân, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, gắn kết hơn các nền kinh tế, đồng thời bảo đảm yêu cầu bền vững về môi trường, tài chính và hài hòa xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của chặng đường 10 năm hình thành và phát triển năng động của BRI. Sau hơn một thập kỷ, Sáng kiến BRI đã mở rộng không gian liên kết và kết nối từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh; không chỉ hình thành các tuyến hành lang kinh tế, các tuyến đường bộ và đường sắt, mà còn đầu tư phát triển năng lượng sạch, hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giao lưu văn hóa nghệ thuật, trao đổi học giả, kết nối doanh nghiệp. Những thành tựu 10 năm qua sẽ là nền tảng cho “một thập kỷ vàng” tiếp theo của Sáng kiến.

8 hành động thúc đẩy BRI phát triển chất lượng cao

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố 8 hành động thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường phát triển chất lượng cao gồm xây dựng một mạng lưới kết nối lập thể, xây dựng nền kinh tế thế giới mở, triển khai các hợp tác thiết thực, thúc đẩy phát triển xanh, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, tăng cường giao lưu nhân dân, xây dựng một BRI liêm khiết và hoàn thiện các cơ chế hợp tác quốc tế của sáng kiến này.

Theo đó, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh sự phát triển chất lượng cao của các tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu, tham gia xây dựng Hành lang Vận tải Quốc tế xuyên Caspian, cùng các bên thiết lập một kênh hậu cần mới giữa lục địa Á-Âu dưới sự hỗ trợ của vận tải đường sắt và đường cao tốc kết nối trực tiếp, cũng như đẩy nhanh kết nối các tuyến đường trên bộ, trên biển và trên không.

Trung Quốc cũng sẽ thành lập khu thí điểm hợp tác “Con đường tơ lụa thương mại điện tử”, đàm phán các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư với nhiều quốc gia hơn. Loại bỏ toàn diện các hạn chế về tiếp cận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Thúc đẩy hơn nữa việc mở cửa dịch vụ thương mại và đầu tư xuyên biên giới ở mức độ cao. Trung Quốc sẽ tổ chức “Hội chợ thương mại kỹ thuật số toàn cầu” hàng năm. Trong 5 năm tới (2024-2028), khối lượng xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của nước này dự kiến sẽ đạt hơn 32.000 tỷ USD và 5.000 tỷ USD.

Trung Quốc sẽ phối hợp thúc đẩy các công trình mang tính biểu tượng và các dự án dân sinh “nhỏ mà đẹp”, tức các dự án nhỏ nhưng có mục tiêu và hiệu quả rõ ràng, với các nước tham gia BRI.

Trung Quốc cũng sẽ tăng cường xây dựng các nền tảng hợp tác đa phương với các nước khác dọc theo “Vành đai và Con đường” về năng lượng, thuế, tài chính, phát triển xanh, giảm thiểu thiên tai, chống tham nhũng, tổ chức nghiên cứu, truyền thông và văn hóa... Tiếp tục tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI và thành lập Ban thư ký diễn đàn.

B.T- TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Ngày 18-10, nhân dịp tham dự Diễn đàn tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Hun Manet đảm nhiệm cương vị mới. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn sẽ tăng cường gặp gỡ, trao đổi để thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển sâu rộng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua với nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, thương mại - đầu tư, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã chuyển lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Hun Manet thăm Việt Nam. Thủ tướng Hun Manet đã vui vẻ nhận lời và cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam.

Trung Quốc - Nga sẵn sàng hợp tác nâng cấp quan hệ song phương

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thủ đô Bắc Kinh ngày 18-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc trong 10 năm qua.

Ông Tập Cận Bình cho biết lòng tin chính trị giữa hai nước đang ngày một sâu sắc hơn, hai bên đã duy trì hợp tác chiến lược mật thiết và hiệu quả, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao lịch sử, hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD đã đặt ra. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Tôi và Tổng thống Putin đã tổ chức 42 cuộc gặp kể từ năm 2013” và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nga “tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương”. Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc về chính sách đối ngoại là rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn. Ông Putin nói: "Trong điều kiện khó khăn hiện nay, sự phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ là đặc biệt cần thiết - đó là những gì chúng tôi đang làm và hôm nay chúng tôi cũng sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề này".