Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 06/03/2023 13:34
Sáng 5-3, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại – tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV.
Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tân Hoa xã
Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tân Hoa xã

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng gần 3.000 đại biểu đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đã tham dự hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nước này.

Theo chương trình nghị sự được công bố ngày 4-3, kỳ họp này diễn ra từ ngày 5 đến 13-3. Ngoài việc xem xét một loạt báo cáo bao gồm một báo cáo công tác chính phủ, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ thảo luận về một dự thảo sửa đổi Luật Lập pháp và một kế hoạch về cải cách các cơ quan của chính phủ. Kỳ họp cũng sẽ bầu và quyết định về một số chức danh lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Theo thông báo của Quốc hội Trung Quốc, trong số 2.977 đại biểu khóa XIV, có 442 người từ các dân tộc thiểu số, chiếm 14,85% tổng số đại biểu và bao gồm đại diện của toàn bộ 55 dân tộc thiểu số Trung Quốc. Ngoài ra, Quốc hội khóa XIV có tổng cộng 790 đại biểu nữ, chiếm 26,54%, và 497 người là công nhân và nông dân, chiếm 16,69%.

Kỳ họp lần này là một trong những sự kiện chính trị trọng đại nhất của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân trong năm nay. Chính vì vậy, sự kiện thu hút đông đảo sự chú ý quan tâm của dư luận trong và ngoài Trung Quốc bởi qua đây, thế giới sẽ có cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị và kinh tế - xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian qua, cũng như những định hướng phát triển thời gian tới trong bối cảnh Trung Quốc đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 5%

Trong báo cáo công tác chính phủ đọc tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổng kết công tác chính phủ trong 5 năm qua mà ông gọi là “rất phi thường” với những thành tựu nổi bật như giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện đúng hạn, hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất và hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai... Trong đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 5,2%/năm trong 5 năm. Ông cũng khẳng định những thành tựu mới mà nước này đạt được trong năm 2022 là “rất không dễ gì có được”, mặc dù kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 5,5%.

Trong báo cáo, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023. Cũng theo báo cáo công tác chính phủ, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 dự kiến vào khoảng 3%. Ngoài ra, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát trong năm 2023 vào khoảng 3%.

Trình bày báo cáo của chính phủ, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài. Báo cáo cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng việc tiếp cận thị trường, tiếp tục mở cửa các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, cải thiện các dịch vụ cho những công ty có tài chính nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án then chốt có nguồn tài chính nước ngoài.

Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ thực hiện các bước đi tích cực để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các thỏa thuận kinh tế và thương mại chất lượng cao khác, đồng thời thúc đẩy vững chắc việc mở cửa về thể chế bằng cách chủ động thực hiện các quy tắc, quy định, sự quản lý và những tiêu chuẩn liên quan.

Hiện đại hóa các ngành công nghiệp

Trong báo cáo, Trung Quốc khẳng định sẽ tăng tốc hiện đại hóa hệ thống công nghiệp trong nước. Báo cáo nêu rõ nước này sẽ tập trung vào các chuỗi công nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực sản xuất, phân chia các nguồn lực chất lượng và thực hiện những biện pháp cụ thể để đạt được đột phá trong các ngành công nghệ cốt lõi thuộc những lĩnh vực then chốt. Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc nên tiếp tục nỗ lực khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản; tăng tốc số hóa các ngành nghề truyền thống cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm cho chúng trở nên thông minh và thân thiện với môi trường hơn. Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, cải thiện hệ thống logistic hiện đại.

Cũng theo báo cáo, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ ủng hộ Hồng Kông và Macau phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở hai đặc khu hành chính này. Chính quyền trung ương sẽ duy trì sự quản trị dựa trên luật pháp đã được cam kết ở Hồng Kông và Macau, đảm bảo rằng trật tự hiến pháp ở hai khu vực này được giữ vững như đã được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc và các luật cơ bản của hai khu vực này. Văn kiện khẳng định Trung Quốc thúc đẩy thống nhất hòa bình và kiên quyết phản đối “Đài Loan độc lập”.

Theo dự thảo ngân sách được công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 7,2%, duy trì mức tăng một con số trong năm thứ 8.

Về quan hệ quốc tế, báo cáo nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế để đưa Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy những giá trị chung của nhân loại. Báo cáo cũng cho biết trong 5 năm qua, ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc đã được thực hiện trên tất cả các mặt. Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của Đảng, nhà nước Trung Quốc đã đi thăm nhiều quốc gia, tham dự trực tuyến hoặc trực tiếp nhiều sự kiện ngoại giao lớn và Trung Quốc đã chủ trì một số sự kiện đối ngoại lớn.

B.T