Trung tướng Nguyễn Huy Chương: "Chỉ một con đường"

Thứ bảy, 04/02/2012 00:00

>> Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát: "Phải gìn giữ lấy biển quê hương"

(Cadn.com.vn) - Trung tướng Nguyễn Huy Chương (bí danh  Kim Anh,) từng giữ các chức vụ: Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy BCHQS tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông sinh ra tại làng Hương Quế, xã Quế Phú, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng từ tháng 1 -1941 trong phong trào thanh niên dân chủ tại quê nhà. Ngày 1-5-1941, ông được kết nạp vào Đoàn thanh niên phản đế. Tháng 3-1942, bị Pháp bắt và giam tại nhà lao Hội An. Tháng 12-1942, ra tù ông bắt liên lạc với ông Võ Chí Công (Bí thư), ông Nguyễn Sắc Kim (Phó bí thư) tiếp tục hoạt động. Sau đó, địch khủng bố, phong trào bị vỡ. Tháng 3-1945, ông liên lạc với các đồng chí ở tù ra, hoạt động trở lại. Tháng 7-1945, ông được cử vào Ban vận động của chính quyền làng Hương Quế, H. Quế Sơn. Tháng 8-1945, ông tham gia giành chính quyền ở H. Quế Sơn và được nhân dân cử làm Chủ tịch làng Hương Quế. Tháng 1-1954, ông tập kết ra Bắc, làm Phó chính trị viên Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 120. Tháng 12- 1962, ông được điều vào miền Nam chiến đấu, là Phó chính ủy Trung đoàn 2 Quân khu 5. Tháng 11- 1975, ông được cử giữ chức vụ Chính ủy BCHQS tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy. Năm 1984, ông là Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5. Năm 1986, ông là Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI.

 Trung tướng Nguyễn Huy Chương (người thứ 4 từ phải sang) tại đèo Hải Vân.

Sinh thời, khi đã về hưu, Trung tướng Nguyễn Huy Chương thường có các buổi trò chuyện, sinh hoạt với nhiều tổ chức cơ sở tại địa phương, nhất là với các bạn trẻ tại các trường đại học. Ông cũng để lại tập hồi ký "Chỉ một con đường", tái hiện những ký ức, những kỷ niệm không thể nào quên. Riêng tôi, có lần đã được ghi chép những lời ông kể:  "Khi còn đi học ở trường làng Hương Quế  (nay là xã Quế Phú, Quế Sơn), tôi cứ bị ám ảnh hai câu thơ: "Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước. Chọn một dòng hay để nước trôi (Tố Hữu). Vì vậy, từ 15 tuổi (năm 1941) tôi đã gia nhập Đoàn thanh niên phản đế, một năm sau thì bị mật thám bắt vào tù. Ra khỏi tù, tôi lại tiếp tục hoạt động đến ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Suốt từ tuổi thiếu niên cho đến khi thành cấp chỉ huy Sư đoàn, Quân khu, tôi có 3 kỷ niệm nhớ mãi, đó là: Thời gian đầu tiên vào tù, được các đồng chí lớn tuổi dìu dắt, động viên, hun đúc nghị lực, nên lớn lên bao khó khăn gian khổ cũng vượt qua. Năm 1947, trong trận đánh với quân viễn chinh Pháp tại Hương An, bấy giờ bộ đội ta hy sinh rất nhiều, một đồng chí bị thương nặng đã gọi tôi đến dặn dò, gửi gắm bằng trách nhiệm của một người đảng viên với Đảng, với đồng đội. Thời gian ở Tây Nguyên vào sâu trong lòng địch gây cơ sở (năm 1949), tôi đã học tập phong tục, tiếng nói, sống hòa đồng cùng với đồng bào thiểu số, được nhiều người già nhận làm con nuôi. Tôi nhớ mãi một cụ già mỗi khi biết địch đánh phá đều tìm mọi cách che chở, bảo vệ anh em bội đội, tù đó tôi tự xem mình là con em ruột thịt của đồng bào.  Đối với thế hệ chúng tôi, tuổi trẻ hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi học tập, phát huy tài năng để cống hiến cho đất nước. Tất nhiên, bên cạnh xã hội vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế, nhưng tôi hy vọng điều đó không là ảnh hưởng, cản trở tiến độ vươn lên của lớp trẻ".

Trần Trung Sáng