Tự chế pháo nổ - hiểm họa khôn lường
Mới đây, vào ngày 5/1/2024, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảm đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán giáp Thìn 2024, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 1 trường hợp là học sinh một trường THPT trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đang có hành vi mang theo 1 hộp bên trong chứa chất bột màu trắng (người này khai là thuốc pháo pha trộn dùng để chế tạo pháo) mang đi bán, thu giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn. Số chất bột trên do học sinh này đặt mua trên mạng xã hội mang về chế tạo pháo nổ trái phép để chơi Tết và bán kiếm lời. Học sinh này thừa nhận, sau khi học cách chế tạo pháo trên mạng Internet và mua các vật dụng liên qua mang về và tự mình chế tạo được 38 quả pháo các loại. Lực lượng Công an xã Đắk Nia đã tạm giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn và 38 quả pháo các loại, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Đại úy Trinh Hải Quân, Trưởng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, mặc dù lực lượng Công an các cấp trong tỉnh nói chung, Công an xã Đắk Nia nói riêng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo, yêu cầu thanh thiếu niên, học sinh ký cam kết không vi phạm, đồng thời ra quân tấn công, trấn áp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo nổ nhưng cứ mối dịp Tết đến, Xuân về tình trạng này vẫn diễn ra. Đơn cử, vào dịp trước Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, Công an xã Đắk Nia đã phát hiện 6 thanh thiếu niên (tuổi đời từ 13 đến 15 tuổi) đều trú tại xã Đắk Nia có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan. 6 thanh thiếu niên này khai nhận, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet, đã góp tiền đặt mua hàng online các vật dụng liên quan. Sau đó, nhóm thanh thiếu niên này đã cùng nhau chế tạo được 45 quả pháo tự chế để sử dụng vào dịp Tết.
Không riêng gì tại xã Đăk Nia, vào ngày 15/12/2023, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil đã phát hiện, bắt quả tang 1 học sinh trên địa bàn đang có hành vi tàng trữ pháo nổ mà bản thân tự chế tạo trái phép, thu giữ 20 quả pháo nổ tự chế và 1 bịch pháo bi (81 quả) tự chế với tổng trọng lượng 4kg. Học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet nên đã tự đặt mua hàng online kèm các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích bán kiếm lời.
Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân...
Mới đây, vào ngày 21/12/2023 trên địa bàn xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra vụ tự chế pháo nổ tại nhà, khiến anh Nguyễn Nhật H (SN 2008), trú tại thôn 7, xã Đắk Sin bị bỏng nặng toàn thân và được người thân đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông. Sau nhiều ngày được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tích cực điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã xuất viện về điều trị tại nhà. H. cho hay, khi xem các video chế tạo pháo nổ trên mạng, H. tò mò và muốn tự chế tạo pháo để sử dụng. Sau đó, H. lên các trang mạng đặt mua vật liệu rồi tự chế pháo tại nhà. Trong quá trình H. chế tạo pháo tại nhà thì không may xảy ra phản ứng, gây nổ. Hậu quả H bị lửa bùng vào người gây bỏng ngoài da. "Nổ 2 lần liên tiếp khiến người em bị bỏng nặng. Lúc đó em cố chạy ra khỏi nhà, cầu cứu người thân chở đi bệnh viện", H. kể lại.
Theo cơ quan Công an, qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng Công an phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, hầu hết các đối tượng đều là thanh thiếu niên, học sinh. Do tò mò và muốn có pháo đốt trong dịp Tết nên đã lên mạng Interenet mua các vật dụng và học cách chế tạo pháo nô. Chính việc dễ dàng tìm kiếm các loại vật dụng và những thông tin hướng dẫn chi tiết cách làm pháo trên mạng xã hội càng khiến nhiều nhiều thanh thiếu niên, học sinh thêm tò mò và thực hiện hành vi chế tạo pháo nổ trái phép. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này cũng như ngăn ngừa hậu quả xảy ra, thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm,bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Công an Đắk Nông đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp công tác, chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức như qua hệ thống báo chí, truyền thông, qua các trang mạng xã hội, thông qua các buổi họp dân, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cấp phát tờ rơi, treo panô, áp phích và tổ chức ký cam kết tới 100% thôn, buôn, tổ dân phố, khu dân cư, nhất là số học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn về hiểm họa của hành vi chế tạo pháo nổ. Đồng thời, tập trung đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ, kiên quyết không để xảy ra các vụ nổ do tự chế pháo ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân, tất cả vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, vì sự an toàn của cả cộng đồng, cùng với quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hãy nói không với các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ, góp phần để một cái Tết thật sự bình yên, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người.
* Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất là từ 8-15 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là từ 5-10 năm. |
Hồng Long