Tự do ngôn luận - không thể vượt “lằn ranh đỏ” (Kỳ 1: Những “luồng gió độc” núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận)

Thứ sáu, 16/06/2023 09:03
Hơn 3 thập niên thực hiện công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng không ngừng phát huy ý chí tự lực, tự cường nhằm biến khát vọng phát triển thịnh vượng thành hiện thực bằng những thành tựu vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu quan trọng về đảm bảo quyền cơ bản về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Điều lạ là vẫn có không ít tổ chức, cá nhân phản động, thù địch không chịu thừa nhận mà khư khư tìm lối “ngược dòng”, lạm dụng, lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá, xuyên tạc, phục vụ cho mưu đồ xấu cần phải được công luận vạch trần bản chất, đấu tranh lên án.

Công an tỉnh Quảng Nam xử phạt ông T.R (trú TP Hội An) 5,5 triệu đồng vì cung cấp thông tin xuyên tạc về vụ việc tạI Cư Kuin, Đắk Lắk.
Ảnh minh họa.

Chúng ta đang sống trong thời đại không gian mạng rộng lớn, không tồn tại ranh giới, biên giới lãnh thổ và liên tục thay đổi. Cuộc cách mạng công nghệ đã tác động sâu rộng đến từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tại Việt Nam, Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông... Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu với số người sử dụng mạng Internet chỉ hơn 200.000 người. Đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 tăng lên gần 20 triệu người (chiếm khoảng 24% dân số cả nước). Theo số liệu thống kê của bộ TTTT, tính tới tháng 9-2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia / vùng lãnh thổ khu vực Châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 7 giờ mỗi ngày tham gia các hoạt động liên quan đến Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Với đường lối mở rộng hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, những năm qua, Việt Nam luôn tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Trên không gian mạng, có đến hàng trăm trang báo điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp cùng hàng triệu tài khoản mạng xã hội Facebook, Google, Twitter, TiTok… của cá nhân xuất hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Thế nhưng, lại có không ít thế lực phản động, thù địch lợi dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội từ bên ngoài để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Núp dưới các chiêu bài “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ, nhân quyền”, xây dựng “xã hội dân sự”… rất nhiều phần tử cơ hội chính trị, thế lực chống phá ráo riết tuyên truyền nói xấu chế độ, cá nhân; kích động tư tưởng, thái độ thù địch; bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản cũng bị các đối tượng lợi dụng đăng, phát nội dung không được phép; hoạt động báo chí trái phép; thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Trong khi lực lượng chức năng đang ráo riết truy bắt nhóm đối tượng gây rối ANTT nghiêm trọng tại Cư Kuin, Đắk Lắk thì nhiều đối tượng chuyên cào phím đã tung tin bóp méo sự thật hòng thực hiện mưu đồ xấu.

Không khó để nhận diện, chỉ tên những “luồng gió độc” núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Dữ dội, quyết liệt và thường xuyên nhất có thể kể đến các hãng thông tấn báo chí nước ngoài như: Đài Châu Á tự do (RFA), BBC Việt ngữ, Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI), các trang Fanpage, Facebook, blog như: Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn gió), Tiếng Dân News, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, cực đoan bất mãn như: Nguyễn Lân Thắng, Võ Văn Tạo, Nguyễn Đình Cống, Lê Dũng Vova (Hà Nội), Lê Chí Thành (TPHCM), kể cả một số trí thức, nhà báo, nhà văn tên tuổi khác. Đặc biệt, các đối tượng chống phá cộm cán như: Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Tiến Trung hay Phạm Đoan Trang được nhắc đến trong báo cáo của Nghị viện Châu Âu là “tù nhân chính trị” thực chất là những đối tượng núp bóng dân chủ, nhân quyền, thường xuyên có các hoạt động chống phá, kích động bạo lực, lôi kéo, tập trung các đối tượng xấu để gây rối trật tự công cộng nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị của đất nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Rõ nhất là dịp trước và trong thời điểm đất nước diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, gần như luận điệu xuyên tạc, chống phá lại rộ lên với tần suất dày đặc. Luận điệu lạc lõng từ việc phủ nhận dòng chảy lịch sử công cuộc đấu tranh giành độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội, đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng XIII, nhân sự bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp rồi vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, xiết chặt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng bằng cách cổ súy cho một số đối tượng chống Đảng, Nhà nước (các vụ việc nổi cộm như vụ việc Cù Huy Hà Vũ trước đây, blogger Mẹ Nấm, thành viên của cái gọi là Hội Nhà báo Việt Nam độc lập). Đối với những vấn đề “nóng” của đất nước, ngay trong chiến dịch phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh COVID19 và công cuộc “đốt lò” đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lĩnh xướng, hay vấn đề chủ quyền lãnh thổ, phức tạp trên biển Đông, cuộc xung đột giữa Nga và Ukrane… rất nhiều phần tử cơ hội chính trị, thế lực chống phá lập tức lợi dụng xuyên tạc, nói xấu chế độ, kích động tư tưởng, thái độ thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước. Mới đây nhất, ngày 11-6-2023, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đã xảy ra vụ hàng chục đối tượng dùng súng và các hung khí nguy hiểm tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin.

Bùi Tuấn Lâm-một trong những điển hình chống phá Việt Nam trên không gian mạng đã bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù vào ngày 25-5-2023.

Theo thông tin ban đầu Trung tướng Tô Ân Xô – Người Phát ngôn Bộ Công an cung cấp, vụ tấn công của hàng chục đối tượng là hành vi gây mất an ninh, trật tự nghiêm trọng, có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Nhóm đối tượng này đã bắn chết Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu, 4 cán bộ Công an, 3 người dân, làm bị thương một số người khác. Khi xông vào trụ sở UBND xã, chúng đập vỡ cửa kính, bắn cán bộ, tiếp tục dùng vũ khí thô sơ tấn công tước đoạt mạng sống của nạn nhân và ném bom xăng để đốt phá UBND xã. Trên đường di chuyển, chúng chặn xe, bắn lái xe và người dân khi gặp, tiếp tục có các hành vi man rợ như đã thực hiện với cán bộ xã. Điều đáng nói là trong lúc các lực lượng Công an, Quân đội và người dân đang ráo riết truy bắt nhóm đối tượng (đến ngày 14-6, đã bắt giữ 46 đối tượng-PV) và nhanh chóng điều tra nguyên nhân, động cơ, thủ đoạn gây án, thì đã xuất hiện các “anh hùng bàn phím” vốn “tay nhanh hơn não” cho đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép không đúng sự thật gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, số cá nhân, tổ chức phản động tìm cách hướng lái dư luận, tạo ra những “thuyết âm mưu” sai lệch kích động, chỉ trích chính quyền địa phương, lực lượng chức năng. “Tích cực” nhất là tổ chức khủng bố Việt Tân dùng chiêu bài “bẻ lái” dư luận cho rằng nguyên nhân sự việc là do “chính quyền cưỡng chế đất của người dân Cu Kuin” , thậm chí Việt Tân còn cắt ghép video, giật tít cho rằng lực lượng CSCĐ đàn áp, chiếm đất của người dân tộc ở Đắk Lắk để giao cho dự án…


Công an tỉnh Quảng Nam xử phạt ông T.R (trú TP Hội An) 5,5 triệu đồng vì cung cấp thông tin xuyên tạc về vụ việc tạI Cư Kuin, Đắk Lắk.

Ở trong nước, chỉ trong ngày 13-6, Công an các tỉnh: Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã triệu tập và xử phạt N.N.T. (TP Nha Trang), L.Q.C. (trú Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) và N.H.T. (TP Hà Tĩnh), T.R. (TP Hội An, Quảng Nam) về hành vi sử dụng trang mạng cung cấp, chia sẻ, bình luận thông tin giả mạo sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân.Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

QUANG SANG