Tự hào người lính Trung đoàn 31 Anh hùng
Tiền thân là Chi đội 2 Hải – Hưng – Thái, Trung đoàn 64 được thành lập vào ngày 22-1-1946 tại trại Bảo An, thị xã Hải Dương (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương). Cuối năm 1965, do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 64 rời Đại đoàn 320 hành quân vào chiến trường Khu 5 chiến đấu. Đến ngày 1-1-1966 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn bộ binh 31(Sư đoàn 2, Quân khu 5) hoạt động trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 1970-1975, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh ở đường 9 Nam Lào (Quảng Trị), Hương An - Bà Rén (Quảng Nam), diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều khí tài quân sự. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đơn vị tham gia tiến công vào quận lỵ Tiên Phước, giải phóng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, Trung đoàn chia tay Sư đoàn 2, làm nòng cốt để thành lập Sư đoàn 309, chiến đấu ở mặt trận 479, cùng nhân dân Campuchia đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, từ tháng 9-1989 đến nay, Trung đoàn trong đội hình của Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4), đóng quân trên địa bàn P. Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Qua gần 10 năm kiên cường chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt đã có hàng trăm người con ưu tú của Trung đoàn 31, trong đó có không ít con em Quảng Nam – Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh, đến nay hài cốt vẫn chưa về với đất mẹ. Trong tâm trạng bùi ngùi, ông Huỳnh A (1954), thôn Mông Nghệ (xã Quế Phú, H.Quế Sơn) cho biết, nhập ngũ tháng 7-1977, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông được tổ chức phân công về Trung đoàn 31 làm pháo thủ cối 82 ly, cùng đồng đội đánh hàng chục trận lớn nhỏ, trong đó có trận đánh tại tỉnh Prết Vi-hia diễn ra vào mùa mưa năm 1979 là trận đánh có tính chất quyết định. Chỉ trong một buổi chiều, ông A trực tiếp bắn hơn 120 quả cối. Bắn đến quả đạn cuối cùng ông ngất xỉu ngay trên giao thông hào, được đồng đội cứu chữa kịp thời, sức khỏe nhanh chóng bình phục tiếp tục chiến đấu cho đến ngày xuất ngũ. Trong quá trình chiến đấu giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, nhiều đồng hương của ông đã anh dũng hy sinh, nên ông luôn khắc khoải, mong hài cốt của các anh sớm được về với đất mẹ.
Đã hơn 30 năm trở về với cuộc sống đời thường nhưng các CCB thuộc Trung đoàn 31 không thể nào quên những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Campuchia đầy máu và nước mắt. Ông Nguyễn Thanh Xuân (1958), thôn Trà Lý (xã Tam Anh Bắc, H. Núi Thành), nguyên Chính trị viên Đại đội 5 (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31) cho biết, hơn 8 năm tại ngũ, trực tiếp chiến đấu, nỗi ám ảnh nhất đối với ông là điều kiện ăn uống kham khổ, “thiếu cơm, lạt muối”. Chính vì sự kham khổ đó nên anh em xin ông đi kiếm thực phẩm để cải thiện bữa ăn cho đơn vị, không may vướng mìn của địch khiến 2 chiến sĩ hy sinh. Nỗi đau quá lớn không gì có thể bù đắp được, luôn và mãi ám ảnh trong ông…
“Thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, trong chiến đấu coi như anh em một nhà, cùng chia lửa cho nhau. Trở về với đời thường, những CCB Trung đoàn 31 kịp thời giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên Cục phó cục chính trị Quân khu 5 cho biết, từ một chiến sĩ của Trung đoàn 31, đến khi làm Chính ủy Sư đoàn, sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Quân khu, dù ở bất cứ cương vị công tác nào ông vẫn luôn kề vai sát cánh, gắn bó tình cảm với anh em đã từng sống, chiến đấu tại Trung đoàn 31. Ông thổ lộ rằng, từ nay cho đến khi chết tình cảm cao quý này không gì có thể tách rời được. Với tình cảm thiêng liêng đó, đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh đã có những vần thơ ca ngợi tinh thần trách nhiệm của những người thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh: “... Ra đi vì nước, vì non/Hết mùa huấn luyện, xung phong diệt thù/Biên giới xa tít mây mù/Âm thầm chịu đựng cho dù hiểm nguy/Từ Ra Ta đến Ki Ri/Xiêm Băng, Pôi Pết ta đi tỏ tường/Người sốt rét, người bị thương/Có người vĩnh viễn hậu phương không về...”. Và mỗi lần gợi nhớ trang sử bi hùng đó, các CCB Trung đoàn 31 càng thương yêu, quý mến nhau hơn…
Không phải ngẫu nhiên người ta nói “Đánh 31, chốt 38”, bởi đó là tinh thần chiến đấu kiên cường “đã đánh là chiến thắng” của Trung đoàn 31, còn chốt giữ hiệu quả là Trung đoàn 38. Phát huy truyền thống “Trung đoàn quyết thắng, dũng cảm đánh hăng”, hội viên và gia đình CCB Trung đoàn 31 luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt phong trào “Nghĩa tình đồng đội” và cuộc vận động “CCB cung cấp thông tin – Đi tìm đồng đội” xứng đáng với kỳ tích đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Điện Ngọc