Từ những lời khuyên dặn của Bác

Thứ ba, 17/05/2022 18:18
Hơn 60 năm qua, ông Phan Đình Ân, 90 tuổi, ở phường Bình Hiên (Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn còn nhớ như in những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Những lời khuyên dặn của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của ông Ân trong quá trình phấn đấu, công tác, học tập.
Ông Phan Đình Ân.
Ông Phan Đình Ân.

Ông Ân tham gia cách mạng từ thuở thiếu niên với bao ngày tháng hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1954, ông cùng cha đi tập kết theo tinh thần Hiệp định Geneve. Ra miền Bắc, ông vừa đi học, vừa công tác tại Bệnh viện Miền Nam ở quận Ba Đình (Hà Nội). Những năm tháng công tác trên hậu phương lớn, ông Ân nhiều lần được gặp Bác Hồ và nghe Người nói chuyện. Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ân đã kể lại lần Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Miền Nam vào giữa năm 1956.

Sau khi tập kết ra Bắc, nhiều cán bộ, chiến sĩ được công tác và chữa bệnh tại Bệnh viện Miền Nam. Hàng trăm đồng chí mong chờ ngày được trở về đoàn tụ với gia đình theo tinh thần Hiệp định Geneve “sau 2 năm sẽ hiệp thương thống nhất đất nước”. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã vi phạm Hiệp định, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài. Vì vậy, nhiều đồng chí ngày đêm mong được trở về quê hương đánh giặc, không yên tâm công tác. Ông Ân kể: Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Miền Nam vào khoảng 9 giờ sáng. Sau khi đi kiểm tra các buồng bệnh, nhà bếp, nhà ăn, Bác nhanh nhẹn trở ra trước sân bệnh viện, dưới bóng 3 cây cổ thụ. Tại đây, tất cả cán bộ, bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân đã tập trung để nghe Bác nói chuyện. Thấy Bác đến, mọi người vỗ tay hoan hô hồi lâu. Bác ra hiệu yên lặng và thân mật bảo: “Nghe các chú có nhiều ý kiến, bây giờ các chú hãy nói cho Bác nghe nào, nhưng cần nói ngắn gọn”. Được lời như cởi tấm lòng, nhiều đồng chí phát biểu, với nội dung bày tỏ sự căm phẫn trước dã tâm chia cắt đất nước của Mỹ, Diệm và đặt vấn đề sao Đảng ta chưa sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại Mỹ, Ngụy, chưa chuyển quân vào Nam để đánh Mỹ, nhiều đồng chí xin về miền Nam đánh giặc, bảo vệ quê hương…

Sau khi nghe chừng 5-7 ý kiến, Bác Hồ giơ tay ra hiệu dừng lại và nói: “Bác hoan nghênh các chú đã có tinh thần chống Mỹ, Diệm và sẵn sàng trở về miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Nhưng Bác mong các chú hiểu rằng, kẻ thù của chúng ta như là con bệnh tứ chứng nan y mà chúng ta đã diệt được nửa phần con bệnh. Đó là nửa phần nhẹ. Nửa phần nhẹ nhưng đã mất đến 9 năm. Nửa phần còn lại nặng hơn nhiều, nên thời gian ít nhất cũng phải gấp đôi. Đế quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế, tiềm lực quân sự mạnh hơn giặc Pháp rất nhiều. Chúng ta cần phải có thời gian chuẩn bị. Chuẩn bị cả về lực lượng, vũ khí trang bị và cả về tuyên truyền vận động quốc tế, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp mới có thể giành được chiến thắng và chắc chắn sẽ chiến thắng. Cần phải có thời gian chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và chuẩn bị cho cả cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Nếu không có sự chuẩn bị đó thì đổ xương máu mà không giải phóng được miền Nam và cũng không bảo vệ được miền Bắc! Bác mong các chú hãy chăm lo công tác và điều trị bệnh thật tốt để diệt “con bệnh nôn nóng”! Rồi đây, vào thời điểm thích hợp, các chú sẽ được trở về miền Nam đánh Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương và đoàn tụ với gia đình”.

Mọi người nghe như nuốt lấy từng lời của Bác. Sau khi Bác ra về, lãnh đạo bệnh viện phát động phong trào thi đua “Thực hiện lời Bác Hồ dạy”. Từng người quyết tâm phấn đấu diệt “con bệnh nôn nóng”, loại bỏ ý nghĩ chủ quan, khinh địch. Từ đó, ai nấy đều xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải kiên trì, bền bỉ và lâu dài. Cũng từ đó, chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Miền Nam được nâng cao không ngừng, nhiều năm dẫn đầu thi đua ngành y tế toàn miền Bắc…

Những lời khuyên dặn của Bác Hồ đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của ông Ân trong quá trình phấn đấu, công tác, học tập. Dù ở hậu phương miền Bắc hay trên thành phố quê hương, những lời căn dặn của Người luôn ấm nồng và nhắc nhở ông phải kiên trì trong mọi việc. Ông Ân đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ông Ân đã kiên trì học thêu và thêu được những bức tranh về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

LÊ VĂN THƠM