Từ tháng 2-2025 nhiều chính sách giáo dục chính thức có hiệu lực

Thứ tư, 05/02/2025 11:00

Bắt đầu từ tháng 2-2025, nhiều chính sách giáo dục có hiệu lực được dư luận quan tâm: giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh, ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc…

Cụ thể, từ ngày 10-2, Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT, quy định về thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên chính thức có hiệu lực. Theo đó, nội dung thanh tra gồm ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục; Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm; Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác…

Vào ngày 8-2 tới đây, Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT cũng sẽ có hiệu lực. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 3 buổi thi: Một buổi thi môn Ngữ văn; Một buổi thi môn Toán; Một buổi thi môn tự chọn. Theo đó, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc.

Trong khi đó, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Từ ngày 14-2, giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh. Theo Điều 6 Thông tư này, khi giáo viên hoặc tổ chức, cá nhân muốn mở cơ sở dạy thêm thì phải thực hiện những yêu cầu sau: Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; Công khai các nội dung về môn học, thời lượng dạy thêm, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm, danh sách người dạy, mức thu tiền… tại Cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở dạy thêm.

Cũng từ ngày 14-2, Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định chỉ tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển và hàng năm chỉ tuyển sinh 1 lần vào cấp THCS chính thức có hiệu lực. Các tiêu chí xét tuyển sẽ do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Theo thông tư này, từ năm 2025, sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Với phương thức thi tuyển, các địa phương thống nhất thực hiện thi 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD-ĐT lựa chọn, nhưng không được chọn một môn quá ba năm liên tiếp.

Các tỉnh, thành có thể công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I, nhưng không muộn hơn 31-3 hàng năm. Nội dung thi vào lớp 10 nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9. Thời gian làm bài của môn Ngữ văn là 120 phút, Toán 90, môn thứ ba 60 hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 hoặc 120 phút.

Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý lựa chọn.

Lê Vân