Từ Thường Châu đến Hàng Châu

Thứ bảy, 16/09/2023 08:55
5 năm trước (2018) bóng đá Việt Nam tạo nên những thời khắc lịch sử ở Thường Châu (Giang Tô, Trung Quốc) để đi đến ngôi Á quân U23 châu Á. Và bây giờ, cách "Thường Châu tuyết trắng" hơn 200km, là Hàng Châu (Chiết Giang), đội tuyển Olympic Việt Nam sắp sửa bước vào đấu trường không kém phần khốc liệt là ASIAD 19. Có gì khác nhau giữa ký ức cũ và thực tại? 
Đội tuyển Olympic Việt Nam sẵn sàng với thử thách ở ASIAD 19 (thủ môn Đoàn Huy Hoàng và Nguyễn Công Phương không có tên).
Đội tuyển Olympic Việt Nam sẵn sàng với thử thách ở ASIAD 19 (thủ môn Đoàn Huy Hoàng và Nguyễn Công Phương không có tên).

Năm 2018, sau cú hích á quân U23 châu Á, tuyển Olmpic Việt Nam đến với ASIAD 18 với lực lượng này và tăng cường 3 cầu thủ trên độ tuổi. Với nhân sự gần như là của đội tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo, Quang Hải và đồng đội xếp chung cuộc hạng 4 môn bóng đá nam. Một thứ hạng cũng xứng đáng để tự hào.

Năm nay, HLV Hoàng Anh Tuấn mang sang Hàng Châu lứa cầu thủ vừa cùng mình vô địch U23 Đông Nam Á 2023, cùng tăng cường 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Tuy nhiên, trong lộ trình hướng đến câu chuyện tương lai nhiều hơn, thực chất Olympic Việt Nam là U20 +… một đội tuyển theo kiểu "3 trong 1" để chinh chiến từ U23 Đông Nam Á, vòng loại U23 châu Á rồi ASIAD 19.

2 mục tiêu đầu tiên đã hoàn thành (vô địch U23 Đông Nam Á, lọt vào VCK U23 châu Á), nhưng với chủ trương tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ cọ xát, phát triển, ở ASIAD 19, VFF không đặt nặng chỉ tiêu. Nhưng, tinh thần là có. Phải thi đấu hết mình, tuân thủ triết lý bóng đá xuyên suốt từ tuyến trẻ đến đội tuyển quốc gia. Nói đúng hơn, ASIAD là cơ hội trải nghiệm, tích lũy cho những mục tiêu dài hạn của bóng đá Việt Nam.

Ở bảng đấu của Olympic Việt Nam, có lẽ chỉ có Olympic Mông Cổ là dưới cơ thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Đội bóng này vừa được cọ xát tại Vòng loại bảng J U23 châu Á 2024. Họ cùng bảng với chính đối thủ Saudi Arabia và xếp bét bảng khi chỉ có 1 điểm. U23 Campuchia cũng đã đánh bại U23 Mông Cổ để xếp thứ 2 bảng này. Nhưng ngoài đội bóng đang xếp hạng 181 của FIFA, Olympic Việt Nam phải đối mặt với Saudi Arabia hay Iran, những gã khổng lồ của bóng đá châu Á. Bởi vậy, trận gặp Olympic Mông Cổ chiều 19-9, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có mục tiêu "buộc phải thắng", tạo sự tự tin để chờ đón thử thách nặng ký với Saudi Arabia và Iran trong các ngày 21 và 24-9.

Olympic Saudi Arabia là nhà đương kim vô địch U23 châu Á, đã 2 lần giành vị trí á quân, có mặt đủ cả ở 6 kỳ VCK U23 châu Á. Với Iran, nền bóng đá từng 4 lần vô địch ASIAD, vừa bị loại khỏi VCK U23 châu Á 2024, nhưng đó là khi họ lọt vào bảng đấu phải cạnh tranh với U23 Uzbekistan, quốc gia có nền bóng đá phát triển mạnh mẽ bậc nhất châu lục hiện tại. Olympic Iran có thể sẽ phải nỗ lực tìm lại mình ở giải đấu trên đất Trung Quốc lần này và vì thế, Olympic Việt Nam sẽ phải gặp một "mãnh thú" vừa bị tổn thương?. Điều thuận lợi cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là có dịp phân tích Olympic Saudi Arabia và Olympic Iran khi họ sẽ đọ sức ngay trận đầu bảng B.

Cho dù thời gian tập trung đội tuyển Olympic Việt Nam không nhiều nhưng đa phần các cầu thủ trẻ cũng đã ăn tập, thi đấu cũng nhau từ nhiều giải đấu trong năm nay. Một chặng đường khá dài để tạo ra được sự kết nối cao, là điều kiện để HLV Hoàng Anh Tuấn triển khai, vận hành hệ thống nhuần nhuyễn, trơn tru. Không chịu ảnh hưởng bởi áp lực thành tích, Olympic Việt Nam sẽ thoải mái để thi đấu tận hiến, có những màn trình diễn hứng khởi, truyền cảm hứng cho người hâm mộ. Và biết đâu, sẽ có một vũ điệu Hàng Châu không kém phần ngoạn mục so với Thương Châu?

T.S