Tục nối dây của người Ê Đê
(Cadn.com.vn) - Ngoài những tục lệ văn hóa truyền thống, cộng đồng người Ê Đê tại tỉnh Đắc Lắc còn được biết đến với tục "nối dây". Từ thời xa xưa, sau khi có vợ hoặc chồng chết, người đồng bào Ê Đê buộc phải lấy người trong dòng họ của người đã mất. Xuất phát từ những luật tục ấy, không ít người phải lấy em ruột, thậm chí cháu của người đã mất. Thế nhưng, tục "nối dây" của người đồng bào Ê Đê theo thời gian đã dần thay đổi.
Tục "nối dây" (còn có tên gọi khác là Juê Nuê) của người đồng bào Ê Đê là tập quán hôn nhân (quy định cho chị em vợ và anh em chồng) có từ xa xưa. Luật tục quy định, trong trường hợp chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng (hoặc người em, cháu trong dòng họ nhà chồng) để làm chồng mình. Ngược lại, nếu vợ chết, người chồng có thể lấy em gái vợ (em ruột hoặc em họ của vợ)...
Là một trong những người buộc phải thực hiện tục "nối dây", sau khi vợ cả mất, ông Y Niết Êban (1938, trú buôn Hra EaTlá, xã Dray Bhăng, H.Cư Kuin) đã lấy cháu của vợ. Ông Y Niết lý giải: "Năm 1955, khi tôi vẫn còn đi học thì người chú ruột lâm bệnh qua đời để lại 4 người con. Theo quy định truyền thống của người đồng bào, tôi bị dòng họ buộc phải lấy vợ của chú là bà H'Yớk Byă (1902) về làm vợ. Đó được gọi là tục nối dây. Lúc đó, tôi vẫn còn đi học và mới 18 tuổi nhưng bà H'Yớk đã gần tuổi 40. Mặc dù vậy, tôi cũng vui vẻ chấp nhận vì đó là luật tục bao đời của người đồng bào mình". Sau đó ông Y Niết và bà H'Yớk có với nhau hai người con. Đến năm 1981, bà H'Yớk qua đời, ngay tại đám tang vợ cả, ông Y Niết và gia đình đã mời thầy cúng về cúng siêu thoát cho linh hồn vợ. Đồng thời, thông báo cho người vợ đã chết rằng ông sẽ tiếp tục lấy cháu của bà H'Yớk làm vợ. Tuy nhiên, sau 3 tháng vợ cả mất, tôi mới được phép ngủ chung với người vợ mới. Đến nay tôi và bà H'Duên đã có 4 người con, sống với nhau rất đầm ấm"...
Ông Y Niết nói về hành trình "nối dây" của người Ê Đê. Ảnh: T.T |
Theo ông Y Niết, sở dĩ có tục nối dây bởi những người phụ nữ Ê Đê luôn xem con của các chị, em gái ruột hoặc chị, em gái họ hàng như con đẻ. Do đó, việc người phụ nữ trong dòng họ của vợ chấp nhận "nối dây" không những xuất phát từ tình yêu thương với người đã góa kia mà còn có trách nhiệm và tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh, mang lại hạnh phúc cho con cháu, dòng họ và gìn giữ truyền thống mẫu hệ. Mặt khác, người Ê Đê không cho phép người chồng/vợ còn sống lấy người khác trong dòng họ. Bởi người Ê Đê muốn bảo đảm nguyên vẹn tài sản mà người vợ/chồng đã khuất cùng với người còn sống gây dựng suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, tục "nối dây" của người Ê Đê đã có nhiều chuyển biến. Ông Y Dj Hung Byă, Trưởng buôn Kra Ning cho hay: "Cách đây hơn 10 năm, tục "nối dây" của người đồng bào Ê Đê không còn bị ép buộc mà trên cơ sở tự nguyện của những người còn sống. Nếu người trong dòng họ của người vợ/chồng mất đi đồng ý thì việc "nối dây" mới được diễn ra. Đồng thời, người nối dây phải là người tương xứng hoặc bằng tuổi với người chồng/vợ còn sống. Trong trường hợp không có người thích hợp trong dòng họ của người vợ/chồng đã mất thì người chồng/vợ được đi lấy người khác. Dù vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, người đồng bào Ê Đê trong buôn gần như đã bỏ hẳn tục "nối dây" để phù hợp với tình hình phát triển văn hóa hiện nay".
Thơ Trịnh