TƯỢNG ĐÀI BÁC HỒ VỚI CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN: Tây Nguyên đón Bok Hồ

Thứ sáu, 07/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Chưa bao giờ từ phố thị đến bản, làng của các tỉnh Tây Nguyên rộn ràng, háo hức như những ngày này, khi công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên chuẩn bị đưa vào khánh thành. Giờ đây, mong mỏi của triệu triệu đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được một lần gặp Bác đã trở thành hiện thực: Tượng đài của Bác Hồ sừng sững tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP Pleiku, Gia Lai), tương xứng với tầm vóc của Người trong trái tim Việt Nam, trong trái tim Tây Nguyên.

Công trình văn hóa lớn

 Ngày 2-8-2008, Bộ Chính trị ra thông báo chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai về mong muốn xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại TP Pleiku nhằm thể hiện tình cảm của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác. Công trình bao gồm Quảng trường Ðại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ và một số hạng mục phụ trợ. Trên cơ sở cải tạo và mở rộng Quảng trường 17-3 cũ, quảng trường mới mang tên Ðại Đoàn Kết có diện tích rộng gần 9ha, trung tâm là công trình Tượng đài Bác Hồ ấm áp đang mỉm cười, vẫy tay chào nhân dân.

Nếu đứng từ nơi cao nhất của TP Pleiku nhìn xuống, cả tổng thể công trình là một quần thể hài hòa, cân đối: Tượng đài Bác uy nghi giữa một không gian của Quảng trường rộng lớn, Người đang cười và vẫy tay chào, phía sau là bức phù điêu bằng đá tự nhiên hình hoa sen cách điệu với những hình ảnh thể hiện nét văn hóa – đời sống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tiếp đến là ngọn núi Hàm Rồng thu nhỏ (được đắp nổi), hai hạng mục công trình gồm Tháp đá bazan và Thạch thư Bác Hồ nằm hai bên tạo nên thế uy nghi, cân đối toàn bộ cảnh quan nơi đây. Với chiều cao 10,8m, đây là bức tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Để đảm bảo tính mỹ thuật cũng như bền vững của công trình, Tượng đài đã được thi công bằng công nghệ ép thủy lực từ các tấm đồng nguyên chất dày 0,5cm, hàn ghép lại bằng công nghệ cao. Bắt đầu dựng mẫu phác thảo từ đầu năm 2010, để hình thành Tượng đài Bác là kết quả của nhiều đơn vị, cá nhân tham gia cả về thi công và ý tưởng.

 Tuổi trẻ Tây Nguyên nô nức tập dượt chương trình nghệ thuật tham gia Lễ khánh thành Tượng đài
(ảnh chụp lúc 20 giờ ngày 7-12-2012). Ảnh: HOÀNG TÁO

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ðua, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Tượng đài Bác Hồ cho biết: “Tôi đã từng sáng tác nhiều mẫu tượng Bác đặt ở Bộ Công an, Quân khu 5 và một số tỉnh khác... Nhưng với lần này, tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết theo sát gần 2 năm qua. Với Tây Nguyên, Bác chưa từng đặt chân đến nhưng Người luôn hướng về đồng bào các dân tộc với tình cảm bao la, phải hiểu về tấm lòng người dân Tây Nguyên với Bác cũng như nỗi niềm trăn trở, tình cảm yêu thương sâu nặng của Bác với người dân Tây Nguyên trong những năm kháng chiến. Vì thế, khi thể hiện chân dung Bác yêu cầu đặt ra là nhìn thấy Tượng đài của Người sẽ thấy thần thái của một vị lãnh tụ, trí tuệ thông thái nhưng cũng đầy yêu thương, nhân hậu”.

Đánh giá về công trình này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Trước hết phải nói đây là công trình lớn đặt ở Tây Nguyên, Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, hài hòa với không gian Quảng trường Đại Đoàn Kết, là trung tâm, là điểm nhấn của toàn bộ không gian... Ở đây, chúng ta có một không gian hài hòa giữa tính mỹ thuật. Toàn cảnh chung của quảng trường nơi xây dựng Tượng đài Bác Hồ tạo thành một quần thể về văn hóa và chính trị và là một quảng trường không gian mở, quảng trường cho nhân dân”. Đồng thời, như đánh giá của Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Ở đây, là một quảng trường với nhiều câu chuyện lịch sử để nói, một không gian lớn với nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ”.

Thạch thư toàn văn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam
(19-4-1946).   

Những dấu ấn của văn hóa, chính trị

Quãng thời gian trước, có lần họa sĩ Trần Khánh Chương và một số kiến trúc sư, họa sĩ khác đi quanh khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết như tìm kiếm điều gì đó. Chỉ đến lúc đứng trước một cây phượng già phía tay trái của Tượng đài Bác Hồ, ông và các đồng nghiệp mới đứng lại gật gù. Hỏi ra mới hiểu, đó là cây phượng đã mọc từ rất lâu và điều đặc biệt là từ gốc lên thành 3 nhánh hay là 3 cây phượng chụm lại mọc cùng nhau. Họa sĩ Trần Khánh Chương và các đồng nghiệp gọi đó là cây “ba miền: Bắc – Trung – Nam” và ông còn dặn đi, dặn lại nhiều lần: Không được di dời cây phượng này đi, bởi đó là một hình ảnh tượng trưng đặc sắc khi hội tụ đủ các vùng miền trước Tượng đài Bác Hồ... Đó là một chi tiết để tạo nên những dấu ấn của công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Phía tay phải của Tượng đài Bác là 54 trụ đá bazan được ghép tỉ mỉ với 3 tầng với tên gọi công trình là “Đại Đoàn Kết” thể hiện lòng đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện của Bác trong bức thư của Người gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, họp tại Pleiku” vào ngày 19-4-1946 được khắc toàn văn trên Đài thạch bằng đá granite rộng 3m, cao 4,2m, dày 2,5m và nặng hơn 135 tấn đặt tại phía trái Quảng Trường: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán... Gia Rai hay Ê Đê, Xơ  Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Ở trong khu vực rộng lớn, bao phủ xung quanh là hơn 2.000 cây, hoa ở nhiều địa phương cả nước gửi về tạo thành nét hội tụ đặc sắc như: mai, đào, sen, kơ-nia, pơ lang, cau, lộc vừng, sứ... Bức phù điêu bằng đá diện tích 600m2 cách điệu hình cánh sen tạo thành các dãy núi trùng điệp, phản ánh sinh động về văn hóa, kinh tế, lịch sử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: ở giữa là mái nhà Rông cao vút, cồng chiêng, hình ảnh vòng xoang bên ánh lửa, rượu cần, hay những nghệ nhân đang kể sử thi bập bùng bên ánh lửa... Bên trái là hình ảnh lịch sử đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến với hình ảnh người du kích Ba Na, Gia Rai... huyền thoại, là những bà mẹ cõng gạo nuôi bộ đội... Bên phải là những thành tựu về phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

54 trụ đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. 

Không chỉ mang những dấu ấn về văn hóa, chính trị mà đây còn là một công trình có tầm ý nghĩa to lớn đối với nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Được đón Bác về với núi rừng, bản làng, lòng dân... người dân Tây Nguyên tự hào và càng thêm có ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc góp phần củng cố, thắt chặt tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc như tâm nguyện của Bác. Như lời ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên nhưng trong tư tưởng, tình cảm của Người, miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn đau đáu trong tim. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác luôn là vị cha già yêu kính nhất, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối đưa người Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua muôn vàn gian khó, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay”.

Vậy là, Bok Hồ đã về giữa Tây Nguyên, thỏa lòng khát khao bấy lâu của hàng triệu trái tim Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng... trải qua mấy mươi mùa rẫy, như lời ca bay vút theo cánh chim chơ- rao “Tây Nguyên đứng lên theo chân Bok Hồ giữ gìn quê hương”; như lời thơ bén sâu tựa rễ cây kơ–nia luôn “uống nước nguồn miền Bắc”; như lời người Tây Nguyên “Khi viết tới Hồ Chí Minh người Ê Đê, người Xơ Đăng, người Châu-Ro, người Gia Rai, người Ba Na... không dùng bút, dùng giấy, dùng mực mà rủ nhau vô rừng đào cây xachk-lang về mài thay bút, thay mực, đời trước, đời sau chuyền nhau viết mãi về Hồ Chí Minh”... 

Duy Anh - Minh Tân