Tương lai mờ mịt ở Afghanistan sau một năm Taliban cầm quyền

Thứ ba, 16/08/2022 07:10
Taliban đang kỷ niệm một năm kể từ khi lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan vào ngày 15-8. Sau một năm Taliban cai trị, tương lai của quốc gia Nam Á này vẫn vô cùng mịt mờ.
Các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đang ngày một xấu đi. Ảnh: AP
Các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đang ngày một xấu đi. Ảnh: AP

Ngày 15-8-2021, lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan và chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tại nước này sụp đổ, Taliban trở lại nắm quyền. Với cam kết sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới, để được cộng đồng quốc tế thừa nhận, Taliban đã tập trung vào việc áp đặt các chính sách cứng rắn tương tự như những gì đã làm trong giai đoạn cai trị từ năm 1996-2001. Dưới sự điều hành của Taliban, Afghanistan vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm.

Kinh tế kiệt quệ

Afghanistan đang phải đối diện với thảm họa kinh tế với một nền kinh tế què quặt bên bờ sụp đổ. Đồng nội tệ của Afghanistan mất giá, rớt xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua. Giá nhiên liệu, lương thực đã tăng 75%.

Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong hai năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), 18,9 triệu người Afghanistan, bao gồm 9,2 triệu trẻ em, có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp hoặc nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 11-2022.

Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo đói mỗi ngày. Hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi Afghanistan hiện đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khẩn cấp như COVID-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết bùng phát cùng lúc.

Sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỷ USD của nước này. Ngoài ra, các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đã đình chỉ, tạm dừng nhiều khoản vay, khoản viện trợ cho Afghanistan cho tới khi nào Taliban thực hiện các cam kết của mình với người dân trong nước.

Cai trị bằng "nắm đấm sắt"

Theo tờ Nikkei Asia, thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề, Taliban lại tỏ ra bận tâm với việc thiết lập lại "nắm đấm sắt". Đây là thuật ngữ để chỉ việc thực thi các chính sách một cách áp bức hoặc tàn nhẫn để đạt được quyền lực.

Hồi tháng 7, Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Afghanistan (UNAMA) đã công bố báo cáo trong đó nêu rõ các thương vong của dân thường, những hạn chế đối với quyền của phụ nữ và tự do ngôn luận, các vụ giết người mà không qua xét xử, cũng như việc đàn áp các dân tộc thiểu số. Ngoài ra UNAMA cũng nhận thấy các vụ hành quyết và sự mất tích của các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan - lực lượng đã từng làm việc với các đồng minh phương Tây.

Báo cáo nói rằng, các sắc lệnh của Taliban hạn chế nghiêm trọng đối với quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, dẫn đến việc họ bị loại khỏi hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Một năm qua, Taliban nhiều lần thất hứa với người dân Afghanistan xung quanh câu chuyện mở cửa trường học cho nữ sinh. Phụ nữ Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền thứ hai của Taliban ngày càng bị hạn chế nhiều hơn về các quyền cơ bản. Taliban đã áp đặt một loạt các hạn chế với phụ nữ như cấm phụ nữ tham gia công việc của chính phủ, kiểm soát quần áo họ được phép mặc và cấm phụ nữ đi ra khỏi thành phố một mình. Mới đây, Taliban không cho phụ nữ lên máy bay trừ khi có người thân là nam giới đi cùng, đồng thời tiếp tục đóng cửa trường trung học cho nữ sinh. Hôm 13-8, các tay súng Taliban thậm chí đã đánh phụ nữ tham gia biểu tình và nã súng vào không trung để giải tán cuộc biểu tình của họ ở Kabul.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 14-8 cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình ngày càng xấu đi của phụ nữ và bé gái tại Afghanistan sau khi chính quyền Taliban có hoạt động trấn áp thô bạo một cuộc tuần hành của phụ nữ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nêu rõ Afghanistan cần phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, bao gồm việc duy trì và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, đồng thời cho phép toàn bộ người dân Afghanistan được xuất hiện, tham gia đầy đủ, bình đẳng trong việc vận hành đất nước.

"Bóng ma" khủng bố vẫn còn hiện hữu

Sau khi Taliban lên nắm quyền, số vụ tấn công bạo lực khắp Afghanistan đã giảm kể, nhưng IS vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào cộng đồng tín đồ Hồi giáo Shiite chiếm gần 20% dân số Afghanistan.

Trong khi đó, mối đe dọa từ một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, IS-K, vẫn còn hiện hữu. Taliban cũng trở thành mục tiêu của IS-K. Hôm 11-8, Sheikh Rahimullah Haqqani, lãnh đạo Taliban chịu trách nhiệm sửa chữa các trường học tôn giáo ở Afghanistan, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Kabul. Ông này từng sống sót sau một vụ tấn công khác của IS-K ở thành phố Peshawar của Pakistan năm 2020.

Báo cáo Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 7 nói rằng, IS-K coi Afghanistan là một căn cứ để mở rộng hoạt động ra khu vực. Báo cáo cũng nói rằng, bằng việc trả lương cao hơn, IS-K đã thành công trong việc lôi kéo thành viên của các nhóm khác ở các nước Trung và Nam Á như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), Tehreek-e-Taliban Pakistan, và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan - để khai thác các cuộc nổi dậy.

Trong khi đó, ở miền Bắc Afghanistan, chính quyền Taliban đối mặt với các mối đe dọa mới từ lực lượng do Mặt trận kháng chiến quốc gia chống Taliban dẫn đầu - lực lượng tuyên bố "giải phóng" đất nước khỏi "sự cai trị hà khắc".

AN BÌNH