Tướng Nguyễn Chánh với Khu 5
(Cadn.com.vn) - Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh (tên thật là Nguyễn Chí Thuần, sinh ngày 5-8-1914, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5, quê ở xã Tịnh Hà, H. Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với mặt trận Liên khu 5. Ông mất khi mới 43 tuổi (24-9-1957), đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chánh, chúng tôi đã gặp gỡ những người cùng thời với ông để hiểu thêm về vị tướng có tài thao lược này.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh: Tư liệu (chân dung). |
Với Đội Du kích Ba Tơ
Đại tá Phạm Hương, hiện ở Quảng Ngãi, một trong hai thành viên của Đội du kích Ba Tơ còn sống, kể: “Tôi biết đồng chí Nguyễn Chánh từ năm 1936. Vợ ông, bà Phạm Thị Trinh, em gái Trung tướng Phạm Kiệt cũng là người chị thân thiết với tôi. Làm việc với Nguyễn Chánh khi ở Quảng Ngãi và sau này ở Hà Nội, có thể nói anh là người rất thông minh, có ý chí tiến thủ mạnh, khiêm tốn, có hiểu biết sâu rộng, tài ăn nói dễ thu hút người khác. Anh cũng là người nghiêm khắc, quyết đoán trong chỉ huy nhưng cởi mở, nhân hậu, ăn ở thủy chung với đồng chí, đồng đội.
Đội Du kích Ba Tơ thành lập, Nguyễn Chánh là Bí thư và Chính trị viên của Đội. Lúc này Đội ở trên núi Cao Muôn, khó khăn trăm bề, anh đã bàn bạc với các đồng chí Nguyễn Đôn, Trần Lương, Trần Quý Hai đưa Đội Du kích Ba Tơ về đồng bằng. Đây là một chủ trương rất sáng suốt, táo bạo, giúp Đội nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, làm nòng cốt vững chắc cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công hoàn toàn ở Quảng Ngãi và một số tỉnh Nam Trung Bộ”.
Khi được hỏi ông có tiếc nuối khi đồng chí Nguyễn Chánh là vị tướng không quân hàm và có nên đề xuất phong cấp bậc tướng cho ông và để khỏi nhầm lẫn với một Trung tướng Khu 5 cũng có tên Nguyễn Chánh, Đại tá Phạm Hương tâm sự: “Tôi nghĩ không cần thiết. Anh Nguyễn Chánh mất trước khi Nhà nước phong quân hàm tướng lĩnh. Nhưng trong lòng đồng đội và nhân dân, anh luôn là một vị tướng tài ba, là danh tướng bất tử trong lòng hậu thế”.
![]() |
Ông Nguyễn Chí Trực (con cả của Nguyễn Chánh) giới thiệu hình ảnh cha mình cùng gia đình tại nhà lưu niệm. |
Người làm tướng địch điêu đứng
Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2, hiện ở P. Hòa Thuận Tây, Q, Hải Châu (TP Đà Nẵng) đánh giá về đồng chí Nguyễn Chánh: “Trong chiến dịch Át-lăng 1953-1954, tôi phụ trách đội trinh sát của Liên khu 5, tôi thấy đồng chí Nguyễn Chánh có 3 cái giỏi. Thứ nhất, là quyết định đưa lực lượng chủ lực của ta từ đồng bằng lên Tây Nguyên, nơi Na-va tập trung một lực lượng cơ động chiến lược lớn đông hơn ta gấp 5 lần. Đồng chí Nguyễn Chánh đã bàn bạc cùng Bộ Tư lệnh tập trung 2 Trung đoàn chủ lực 108, 803 mở chiến dịch trên Tây Nguyên (sau này xây dựng thêm Trung đoàn 96).
Lúc đầu không phải ai cũng đồng ý với chủ trương này, song thực tế đã chứng minh tầm nhìn chiến lược của đồng chí Nguyễn Chánh. Với chiến thắng Đắk-pơ ở Gia Lai, ta đã xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 của quân viễn chinh Pháp, cùng với mặt trận các tỉnh đập tan chiến dịch Át-lăng của Na-va, chia lửa với chiến trường Điện Biên, góp phần xuất sắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Khu 5. Sau Hiệp định Genève 1954, có một viên tướng người Pháp tên là De Beaufort nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông ta gặp bằng được người chỉ huy đánh bại chiến dịch Át-lăng. Viên tướng này đã không tin rằng ngồi trước mặt mình là “một vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường”, như hồi ký sau này ông ta đã thuật lại khi gặp đồng chí Nguyễn Chánh.
Thứ hai, là sử dụng tối đa lực lượng trinh sát, quân báo. Khi Binh đoàn 100 bị đập tan, Pháp điều Binh đoàn 42 đi cứu viện. Để khỏi đổ thêm xương máu cho quân ta, Nguyễn Chánh đã dùng trinh sát kỹ thuật phát lệnh công khai (nghi binh) trên mạng thông tin của ta cho một trung đoàn trưởng “tập trung đánh Sóc-canh”. Đại tá Sóc-canh nghe điện nghi binh đó, tưởng lực lượng ta rất mạnh nên đã dừng lại không đi chi viện nữa.
Thứ ba, là bảo vệ toàn vẹn chiến lợi phẩm. Khi ta chiến thắng, hàng trăm xe tăng, xe tải địch bỏ lại ngổn ngang, nếu không thu hồi kịp địch sẽ ném bom phá hủy. Nguyễn Chánh lại cho phát thông tin nghi binh, vậy là địch không ném bom. Giữ được chiến lợi phẩm đã khó, làm sao đưa hàng trăm xe cộ, vũ khí này ra khỏi chiến trường, giải phóng ùn tắc càng khó hơn. Đồng chí Nguyễn Chánh lại kêu gọi lực lượng tù binh ai biết lái xe tăng, xe kéo pháo, xe tải thì ra đầu hàng sớm để cho về đồng bằng. Nhờ vậy cả đoàn xe mấy trăm chiếc được tù binh lái đưa về căn cứ an toàn...
Tri ân ở nhà lưu niệm Nguyễn Chánh
Đã có một con đường và ngôi trường mang tên Nguyễn Chánh ở Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh được UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng với kinh phí 400 triệu đồng. Năm 2006 khi khánh thành, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đến dự và hỗ trợ 100 triệu đồng. Đầu năm nay, H. Sơn Tịnh đã đầu tư 300 triệu đồng thay lại toàn bộ ngói, trần, gạch nền, làm khuôn viên, hệ thống điện chiếu sáng. Đồng chí Võ Văn Hào, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh cho biết: “Hiện nay công trình nhà lưu niệm đã khá khang trang. Dự kiến buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chánh sẽ được Huyện ủy Sơn Tịnh tổ chức long trọng vào ngày 1-8 với 150 đại biểu ở Trung ương, Quân khu và địa phương”.
Mảnh đất Khu 5 mãi mãi tự hào vì đã sinh ra một vị tướng mà “Cuộc đời một con người mới 43 tuổi đã để lại sự nghiệp như vậy, có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có đức, có tài, một con người mẫu mực. Anh Chánh mất sớm là một tổn thất lớn của Đảng và của quân đội ta; tôi mất đi một người bạn chí thiết” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Hồng Vân