Tưởng niệm 140 năm ngày mất danh nhân Ông Ích Khiêm
Sáng 21-8, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ, phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông cùng đại diện Hội đồng gia tộc Ông phường Hòa Thọ Đông tổ chức đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm 140 năm ngày mất danh nhân Ông Ích Khiêm.
Tại Di tích quốc gia mộ Ông Ích Khiêm (tổ 17, phường Hòa Thọ Tây), các đại biểu đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với vị tướng tài danh của vùng đất xứ Quảng. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cẩm Lệ nguyện không ngừng cống hiến, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.
Ngay sau lễ dâng hương, quận Cẩm Lệ cũng đã tổ chức Lễ tưởng niệm danh tướng Ông Ích Khiêm tại nhà thờ Chi 3 tộc Ông, ở tổ 5 phường Hòa Thọ Đông, qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc.
Theo sử liệu, Ông Ích Khiêm hiệu là Mạc Chi, sinh năm Tân Mão (1831), ở làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Sinh thời ông nổi tiếng là người văn võ song toàn, tính cách khẳng khái, chính trực yêu nước thương dân. Năm 15 tuổi ông đỗ cử nhân tại Trường thi Thừa Thiên, đứng thứ 14 trong 116 vị tân khoa (1847), được bổ làm việc nội các, rồi chuyển làm tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Là người kiêm tài văn võ, từng làm đến Tiễu phủ sứ, nên nhân dân địa phương thường gọi ông là Tiễu Phong Lệ và được phong tước hiệu Kiên Trung Nam. Ông Ích Khiêm là một chiến tướng tài danh, đã lập được nhiều chiến công lừng lẫy. Ông giỏi cầm binh, tham gia trận mạc nhiều nơi.
Năm 1858, khi quân Pháp đánh vào Đà Nẵng, ông cùng với danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiến trường Đà Nẵng. Ông Ích Khiêm đã tỏ ra là một vị chỉ huy thực tài, có nhiều mưu kế trong việc dụng binh, đã đánh thắng nhiều trận, mà nổi tiếng nhất là trận mù-u gây cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha nhiều thiệt hại.
Ông mất năm 1884, thi hài được an táng tại khu đất thuộc làng Phong Lệ. Đến năm 1938, mộ ông được di dời về Gò Mô, tại làng Phong Lệ Bắc, xã Hòa Thọ huyện Hoà Vang nay là phường Hòa Thọ Tây. Năm 2001, lăng mộ Ông ích Khiêm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đinh Nga