Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí

Thứ bảy, 29/10/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-10, tại Huế, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) - Đỗ Quý Doãn chủ trì Hội thảo “Mạng xã hội và báo chí”, do Bộ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Hơn 70 đại biểu đại diện Cục Báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập của các tờ báo trên toàn quốc tham dự, đề cập một trong những vấn đề lớn nhất trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay.

Người bạn đồng hành của báo chí

Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH & TTĐT) cho rằng, mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin để các nhà báo nhận diện, phát hiện được những vấn đề nóng đang nổi lên, đang diễn ra và được dư luận quan tâm, từ đó cung cấp được những thông tin “trúng”, “đúng”, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ví như, gần đây nhất là clip về bé 2 tuổi bị ô-tô cán nhiều lần tại Trung Quốc mà không được một ai giúp đỡ, nằm thoi thóp và tiếp tục bị 1 chiếc ô-tô khác nghiến qua. Gần 20 người đi qua chỗ cô bé nằm, không một ai mảy may giúp đỡ cô bé đang ngập ngụa trong vũng máu, gây bất bình cho độc giả. Với sự tiếp sức của báo chí, thông tin trên đã gây tác động và hiệu ứng tâm lý lớn không chỉ đối với người Trung Quốc mà với tất cả các độc giả của nhiều nước khác trong cách ứng xử giữa người với người ở xã hội hiện nay.

Theo thống kê của nước ngoài, có tới 75% phóng viên cho thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn, 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ để đọc blog và 16% trong số họ có trang blog riêng.

Mạng xã hội là người bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin. Mạng xã hội là kênh tương tác của báo chí với độc giả, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống. Mạng xã hội là môi trường cung cấp thông tin, truyền bá thông tin và tương tác thông tin. Các phóng viên, biên tập viên là thành viên mạng xã hội, có điều kiện nắm bắt, cập nhật thông tin; tòa soạn tương tác để nắm bắt dư luận. Mạng xã hội là chia sẻ và chia sẻ là đối thoại. Mạng xã hội đã buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi cách suy nghĩ, từ làm báo 1 chiều chuyển sang đối thoại 2 chiều với độc giả.

Quang cảnh Hội thảo. 

Chung sống hài hòa

Có một thực tế là mặc dù cực kỳ nhanh nhạy nhưng các mạng xã hội lại khó khăn hơn báo chí trong việc tìm kiếm thông tin chính thống, thông tin diễn ra bên trong sự kiện. Do đó, đôi khi, người bạn của báo chí bộc lộ tính hai mặt hết sức đang tiếc.

Có ý kiến cho rằng thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng và động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo. Vì vậy, với vai trò tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng thông tin và chính thống hóa thông tin của mạng xã hội trên báo chí, đòi hỏi cơ quan báo chí, nhà báo phải thận trọng chọn lọc có cân nhắc.

Sau khi clip “tỏ tình của đại gia” và nhân vật chính trong clip được cho là Phạm Nhật Hoàng (con trai ông Phạm Nhật Vượng) được tung lên mạng xã hội, một số báo điện tử đã sử dụng mà không kiểm chứng về nguồn tin. Sau đó, ông Phạm Nhật Vượng đã có văn bản khẳng định sự việc các báo nêu là sai sự thật và yêu cầu các cơ quan báo chí gỡ bài viết.
Trường hợp khác, vào ngày 12-9, một số báo điện tử chưa kiểm chứng đã vội vã sử dụng thông tin từ mạng xã hội dùng clip CSGT xô xát với dân. Vụ này ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng CSGT. Cuối cùng, khi xác minh lại, các báo điện tử phải gỡ bỏ bài viết.

H.L

Theo ông Lưu Vũ Hải, vai trò của báo chí đối với mạng xã hội, trước hết là tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng thông tin và “chính thống hóa”.

“Mạng xã hội mang tính 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, nếu nhà báo và cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh, nhạy cảm về chính trị, trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội; tuân thủ đúng, chặt chẽ quy trình biên tập sẽ tận dụng được những ưu điểm của mạng xã hội và ngược lại”- ông Lưu Vũ Hải khẳng định.

Theo bà Annelie Ewers- Giám đốc Tổ chức FORO (Tổ chức đào tạo báo chí ở Thụy Điển), mạng xã hội là chủ đề nóng của Thụy Điển và thế giới. Mạng xã hội có tác động lớn đến hoạt động báo chí. Mạng xã hội là phương thức truyền thông có tác động đến cấu trúc xã hội, nền kinh tế thế giới nên cần có vai trò của nhà báo. Tuy nhiên mạng xã hội dù nhanh nhưng không kiểm chứng được sự chính xác. Bởi mạng xã hội chỉ là công nghệ, còn cái chất làm nên báo chí chính là thông tin.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng, cần làm rõ về vai trò của mạng xã hội đối với báo chí và ngược lại, tìm ra cơ chế, chính sách và phương thức để báo chí có thể tận dụng được những mặt tích cực của mạng xã hội.

Hải Lan

Bùng nổ mạng xã hội ở Việt Nam

Mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có nhiều tính năng như trò chuyện (qua messenger chat), gửi thư điện tử (e- mail), xem  phim ảnh trên Internet (voice chat), chia sẻ tập tin (files), nhật ký điện tử (blog), trò chơi (games)... Vì những tính năng tiện lợi đó, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống xã hội của hàng trăm triệu thành viên.

Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1995. Hiện, Facebook và Twitter là 2 mạng xã hội phổ biến nhất, được thành lập năm 2004. Theo danh sách 1.000 website hàng đầu trên thế giới do hãng Google cung cấp vào đầu năm 2011, Facebook hiện đang đứng đầu bảng với 590 triệu thành viên.

Trước khi mạng xã hội thế hệ mới ra đời, tại Việt Nam đã tồn tại những cộng đồng trực tuyến lớn, điển hình như ttvnol, tiếp theo là mạng vn- zoom, webtretho... Đến năm 2007, khi trào lưu viết blog nở rộ và lên đến đỉnh điểm, nhiều blog thuần Việt ra đời nhưng gặp phải khó khăn trong mô hình kinh doanh, không thể cạnh tranh với Y! 360. Tính đến tháng 9- 2011, ở Việt Nam có 130 mạng xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận cung cấp dịch vụ. Trong đó, có một số mạng nổi bật như: ZingMe, Yume, Go Oline... Khoảng 43% người trẻ của Việt Nam có tài khoản trên mạng xã hội, trong đó 25% có hai tài khoản và 13% có 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau.

Về phía báo chí, hiện cả nước có 53 báo và tạp chí điện tử, trong đó có 12 báo điện tử độc lập, hơn 300 trang thông tin điện tử.