Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bầu cử phải "đúng - trúng - hay"
(Cadn.com.vn) - Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị lớn và rất quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Để thông tin về tình hình triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố, Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPBGDPL), thành viên Ủy ban Bầu cử TP Đà Nẵng.
Bà Võ Thị Như Hoa. |
P.V: Với trách nhiệm là cơ quan thường trực HĐPBGDPL thành phố, xin bà cho biết trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng như thế nào?
Bà Võ Thị Như Hoa: Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, công tác thông tin, tuyên truyền là một trong những công việc vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai một cách kịp thời, sâu rộng, đều khắp trước và trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Đây là cuộc bầu cử lần đầu diễn ra sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực và những yêu cầu đặt ra đối với đất nước trong bối cảnh thực hiện đường lối phát triển mới, hội nhập thế giới sâu rộng hơn. Chúng ta đồng thời tổ chức bầu cử đối với cả ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND 3 cấp trong 1 ngày nên khối lượng công việc không nhỏ. Do đó, việc tuyên truyền của các cấp chính quyền có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của cử tri về thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng. TP Đà Nẵng là một trong 10 địa phương cả nước được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong 8 năm qua, vì thế, yêu cầu đặt ra là tăng cường phối hợp giữa các cấp để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bầu cử một cách thường xuyên, hiệu quả cao.
Với phương châm định hướng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử là bảo đảm “Đúng-trúng-hay”, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021; ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn UBND quận, huyện; xã, phường tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đúng theo quy định, với nội dung phong phú, đa dạng, sinh động. Theo hướng dẫn, lộ trình có 4 giai đoạn tuyên truyền. Trước mắt là giai đoạn tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, về tiểu sử ứng cử viên, hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên, các quy trình bầu cử… Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn 4 loại tờ gấp dưới hình thức hỏi-đáp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử Quốc hội, HĐND để phát hành đến các Chi bộ, Tổ dân phố, thôn, bản, tổ hòa giải ở cơ sở... trên địa bàn thành phố, đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND một cách có hiệu quả nhất.
P.V: Xin bà cho biết các giải pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến được thực hiện như thế nào?
Bà Võ Thị Như Hoa: Càng gần đến ngày bầu cử, yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp cần khẩn trương, cấp thiết với nhiều hình thức, biện pháp triển khai sâu rộng. Do đó, theo tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau đây: Thứ nhất, để thông tin, tuyên truyền về bầu cử đến với người dân hiệu quả, cần chú ý các hình thức sau: lồng ghép trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động cổ động trực quan, văn hóa, nghệ thuật, hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên… Cần linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp với đối tượng tuyên truyền, địa bàn, thời điểm để khai thác tối đa ưu điểm từng loại hình. Thứ hai, công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử Quốc hội cũng cần phải kết hợp giữa thường xuyên, liên tục với trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào ngày bầu cử. Các cấp, các ngành và địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền rầm rộ, mang tính chiến dịch, đồng loạt, sâu rộng, nhưng cũng có kế hoạch cho những hoạt động chuyên sâu, tỉ mỉ. Nội dung thông tin, tuyên truyền cổ động về bầu cử phải được chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trên xuống, thu hút sự quan tâm của cử tri.
P.V: Để nhân dân quan tâm đến công tác bầu cử thì theo bà công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian đến cần chú trọng những nội dung nào?
Bà Võ Thị Như Hoa: Trong giai đoạn này, cần tập trung tuyên truyền về Quyền và nghĩa vụ của người ứng cử; Quyền và nghĩa vụ của cử tri; Các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử; trong đó đặc biệt lưu ý về Vai trò của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp: người dân phải biết được ĐBQH, đại biểu HĐND có vai trò như thế nào trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước ở T.Ư, địa phương để cân nhắc lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu, có tâm, có tầm, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ là người đại biểu của dân, là người sẽ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia, của địa phương.
Ngoài ra nội dung tuyên truyền cần chú ý tới các bước vận động bầu cử, lý lịch trích ngang các ứng cử viên một cách khách quan, trung thực, tránh hiện tượng tô hồng hoặc bôi đen, bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên theo quy định của pháp luật. Cử tri cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin về các ứng cử viên để có sự xem xét, lựa chọn trước khi quyết định lá phiếu của mình.
P.V: Xin cảm ơn bà!
P.V (Thực hiện)