Tỷ giá USD tăng liên tiếp gây áp lực thế nào tới VND?
Tỷ giá trung tâm ngày 4-10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.423 VND/USD, tăng 11 đồng so với mức niêm yết đầu tuần. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.720-24.126 đồng/USD. Dù mở cửa phiên sáng 4-10 tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm từ 10-15 đồng/USD so với chốt phiên trước nhưng vẫn tăng mạnh so với sáng 3-10 từ 15-25 đồng/USD.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc tỷ giá USD tăng là điều không tránh khỏi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ từ 10%-13% so với USD. Tính từ khi Fed tăng lãi suất (23-9), tỷ giá trung tâm đã tăng 99 đồng và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 180-190 đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,8%. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi tuy nhiên doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ đẩy lạm phát tại Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND đồng thời nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy gia tăng rủi ro vào Việt Nam dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta.
Theo dự báo của ông Nghĩa, có khả năng VND cả năm 2022 sẽ giảm khoảng 5%-5,2% và đây vẫn là mức thấp nếu so với đồng tiền của nhiều nước. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm mạnh hơn VND. Vì vậy, tỷ giá ở Việt Nam chưa đến mức quá căng thẳng.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Công ty chứng khoán VnDirect nhận định so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất.
P.V