Ước nguyện đôi bờ
Từ bao đời nay, người dân sinh sống tại vùng đất Gò Nổi (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn ao ước có một cây cầu vững chắc bắc ngang qua dòng sông Thu Bồn nhằm thay thế cho bến đò Ông Đốc đã hoạt động kể từ sau ngày giải phóng. Một cây cầu mới được hình thành sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế và kết nối giao thông liên kết vùng cũng như giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn.
Hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người di chuyển qua sông tại bến đò Ông Đốc. |
Cần cây cầu mới phá thế "độc đạo"
Để đến được 3 xã Gò Nổi (xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang) chỉ có duy nhất một con đường "độc địa" là ĐT610B. Đây chính là con đường huyết mạch có cầu Đen (cầu Gò Nổi) bắc ngang qua sông đáp ứng đủ điều kiện an toàn để xe cơ giới có thể băng qua giúp người dân Gò Nổi giao thương, vận chuyển hàng hóa với những vùng phụ cận bên ngoài. Sở dĩ, nói đường ĐT610B là "độc địa" vì hai con đường khác là bến đò Ông Đốc nối xã Điện Hồng và xã Điện Quang cùng cây cầu phụ đường sắt Kỳ Lam, Chiêm Sơn rộng chừng 1 mét chủ yếu dành cho người đi bộ nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Cây cầu này trên thực tế không an toàn, chỉ cho phép người và xe máy qua lại nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động phát triển kinh tế.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân hai bên sông mong mỏi có cây cầu nằm ở phía tây nhằm kết nối vùng đất Gò Nổi với xã Điện Hồng và H. Đại Lộc là điều hoàn toàn chính đáng. Sống bên cạnh bến đò Ông Đốc hơn nửa đời người, ông Thiều Phước (trú xã Điện Hồng) đã chứng kiến không ít những lần lũ dữ kéo về, bến đò tê liệt, giao thông chia cắt đôi bờ. Những lúc như thế người dân muốn đi thăm người thân đau ốm cũng khó khăn vì phải đi vòng xuống hướng cầu Đen mất chừng 20km.
Chị Phạm Thị Ngọc Uyên (trú xã Điện Quang) thì vẫn luôn mong muốn có 1 cây cầu bê-tông, cốt thép để có thể rút ngắn 15km quãng đường đi bán hàng. Các xe tải của gia đình có thể chở nông sản, hàng hóa qua thẳng chợ Đại Lộc nhanh chóng mà không phải đi vòng theo hướng cầu Đen mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết: Mỗi ngày có đến hơn 200 lượt công nhân qua lại bến đò Ông Đốc. Đó là chưa kể khách vãng lai. Tuy nhiên, vào mùa nước lớn việc di chuyển bằng thuyền cực kỳ nguy hiểm nên người dân vẫn luôn mong mỏi 1 cây cầu để tiện đường giao thương, việc đi lại cũng đảm bảo an toàn hơn. Có thể nói rằng, nếu có 1 cây cầu bắc ngang thay thế cho bến đò Ông Đốc thì kinh tế hai bên bờ sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.
* Trong báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 10 trình tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa IX), UBND tỉnh Quảng Nam cho biết cầu Điện Quang (cầu Ông Đốc) sẽ được Sở GTVT tổng hợp, đề xuất kế hoạch đầu tư công. Dự án cầu Điện Quang nếu xây dựng hoàn thành sẽ là 1 hạng mục trọng yếu của tuyến đường ĐT610B nối dài. Bắt đầu tại QL1 (H. Duy Xuyên) - cầu Gò Nổi đi qua 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang nối với xã Điện Hồng xã Đại Hòa và các xã khác của H. Đại Lộc. Cầu cũng sẽ cắt ngang đường ĐT609B, trùng với tuyến ĐH3.ĐL, giáp vào QL14B. Từ xã Đại Hòa rẽ trái qua cầu Giao Thủy sẽ kết nối với vùng tây H. Duy Xuyên đến Quế Sơn, Nông Sơn góp phần thúc đẩy kinh tế, giao thương. |
Người lái đò muốn "nghỉ hưu"
Ở vùng sông nước ven dòng Thu Bồn, không ai là không biết đến bà Lê Thị Thương (1950, trú xã Điện Hồng) mà người trong làng Văn Ly vẫn hay gọi với cái tên trìu mến là Hai Thương. Bà Hai Thương đã có thâm niên gần 60 năm đưa khách sang sông tại bến đò Ông Đốc. Kể từ thời giặc Pháp, gia đình bà Hai Thương đã kiên trì bám trụ nơi bến đò để nối "mạch sống" cho đôi bên bờ.
Nhà bà Hai Thương có tổng cộng 3 chiếc ghe với công suất lớn nhỏ khác nhau. Vào lúc cao điểm, ghe lớn nhất của bà có thể chở hơn 40 người sang sông cùng 1 lúc. Những người đi ghe của bà đa phần làm ở công ty thủy sản nằm ở xã Điện Quang. Dẫu mỗi ngày thu nhập lên đến gần nửa triệu đồng nhưng trong thâm tâm, bà vẫn luôn mong mỏi một cây cầu để có thể nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, sum vầy cùng con cháu.
Bà Hai Thương bộc bạch: "Đưa đò là cái nghề nuôi sống cả gia đình tôi, nhưng tôi nghĩ cũng đã đến lúc dừng lại. Nếu mong ước có cây cầu nối đôi bờ sông thành sự thật thì con cháu mình, người dân đi lại thuận tiện hơn. Lúc ấy thì vùng quê nghèo này sẽ khấm khá lên cả thôi".
Bà Hai Thương mong mỏi sẽ có 1 cây cầu nối liền hai bờ để bà có thể kết thúc "sứ mệnh" đưa đò. |
Trước những mong mỏi của người dân, bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, UBND xã đã đề xuất, truyền đạt mong mỏi ấy của người dân lên chính quyền các cấp từ nhiều năm nay. UBND TX Điện Bàn cũng đã tổng hợp kiến nghị từ các xã có liên quan và báo báo lên UBND tỉnh.
Ông Dương Tấn Bình - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TX Điện Bàn cho biết, cầu Điện Quang (cầu Ông Đốc) nếu được các cấp ngành phê duyệt sẽ là một trong những công trình kết nối hạ tầng giao thông quan trọng của TX Điện Bàn. Dự án cầu Điện Quang sẽ có mức đầu tư dự kiến khoảng 276,9 tỷ đồng.
Còn theo ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn: UBND TX cũng đã đề xuất phương án về một cây cầu thay thế nằm tại vị trí bến đò Ông Đốc và đang được UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên, vì đây là dự án có mức kinh phí đầu tư lớn, khẩu độ rộng, vị trí xây cầu có cấu tạo địa chất phức tạp nên cần được nghiên cứu, xem xét thật kỹ lưỡng.
Nguyễn Quang