V-League 2021: Chốt đi, chờ chi!

Thứ năm, 22/07/2021 12:23

Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa gửi công văn xin ý kiến các câu lạc bộ (CLB) V-League về kế hoạch đá nốt phần còn lại của V-League 2021 vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, không đợi đến hạn cuối cùng đưa ra phản hồi là 12 giờ ngày 23-7, nhiều CLB đã bảo lưu ý kiến không đồng tình như quan điểm đã từng thể hiện trước khi nhận được công văn.

Ban tổ chức nên sớm chốt “số phận” của V-League năm nay để hạn chế những thiệt hại cho các đội bóng cũng như tránh những tranh cãi kéo dài.

Không khả thi

Việc kế hoạch của VPF bị các CLB phản đối gay gắt đã một lần nữa đưa giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” buộc các nhà làm bóng đá nước nhà phải nhanh chóng chốt phương án cuối cùng, càng sớm càng tốt nếu không muốn tranh cãi kéo dài.

Theo nội dung công văn của VPF, nếu các CLB đồng ý hoặc không có phản hồi gì, đơn vị tổ chức sẽ dựa vào đó làm cơ sở đưa đến quyết định cuối cùng là dời giải đấu năm nay sang tận tháng 2 năm sau. Dẫu vậy, dù chưa chính thức gửi công văn phản hồi nhưng phần lớn các CLB đều không đồng tình, thậm chí bức xúc vì VPF không nghĩ đến lợi ích của các CLB. Chủ tịch CLB HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức cho hay, ông không quan tâm đến ý kiến của VPF. Điều ông quan tâm lúc này là quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). VFF phải sớm có sáng kiến hài hòa giữa các bên, tránh bên nào thiệt hại nặng, bên nào không. Ông Đức cũng cho rằng, đợi gần 7 tháng nữa mới đá lại thì tiền đâu CLB nuôi nổi quân.

Không riêng gì lãnh đạo CLB HAGL, lãnh đạo các CLB Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Dương và Hà Tĩnh về cơ bản cũng không đồng ý với kế hoạch lùi V-League 2021 quá xa. Theo lãnh đạo CLB Hải Phòng, kế hoạch mà VPF đưa ra là không khả thi. Lãnh đạo CLB cảm thông, sẻ chia với khó khăn chung của các CLB cũng như VPF, nhưng với phương án như thế thì không khác gì đặt các CLB trên bờ vực phá sản. Thậm chí, lãnh đạo CLB xứ hoa phượng đỏ còn mạnh dạn đề xuất hủy V-League 2021 ngay từ thời điểm này hoặc tiến hành trao ngôi vị nhất nhì cho HAGL và Viettel. Cần thiết, để Viettel không ấm ức mà hoàn toàn khâm phục thì nên tổ chức trận đấu cho HAGL và Viettel đá “chung kết”, miễn là công khai, minh bạch.

Bày tỏ ý kiến về kế hoạch của VPF, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cũng cho rằng, nếu thời điểm này vì dịch bệnh mà dời giải đấu lại thì lấy gì chắc chắn đến tháng 2 năm sau dịch bệnh đã đi qua. Việt Nam đã trải qua 4, 5 đợt dịch rồi thì có chắc sẽ không đón thêm đợt dịch thứ 6, 7 hay không?

Đá sớm hoặc hủy

Thông qua việc lấy ý kiến của VPF về kế hoạch thi đấu phần còn lại của V-League năm nay, nhiều CLB cũng đã thẳng thắn đưa ra quan điểm là sớm đá các vòng đấu còn lại hoặc công bố hủy giải.

Về vấn đề hủy giải, đương nhiên ban tổ chức và các CLB sẽ chịu nhiều tổn thất, trong đó có những rắc rối xung quanh các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng tài trợ và hợp đồng của các cầu thủ. Song, nếu sớm chốt phương án này, các CLB sẽ có cơ sở để triển khai những tính toán của mình. Dù thế nào thì những thiệt hại ấy cũng sẽ đỡ đi phần nào so với việc ăn, ở, tập chay chẳng khác “đốt tiền”trong khoảng “ngủ đông” dài đến tận 7 tháng.

Thực tế, khó khăn về dịch bệnh, nhiều ngành nghề đã phải hứng chịu, không riêng gì bóng đá. Còn nhớ, năm ngoái, khi lần đầu tiên các CLB bị làn sóng COVID-19 “càn quét”, nhiều phương án cắt giảm kinh phí cho CLB cũng được đưa ra, trong đó nhiều cầu thủ ngôi sao cũng đã đồng ý cắt giảm lương. Thế cho nên, với việc V-League hủy từ thời điểm này, các CLB sẽ tính đến chuyện xả trại sớm và cắt giảm lương của các cầu thủ để đảm bảo kinh phí duy trì sự sống của CLB.

Về phương án sớm tổ chức giải, nhiều CLB tại V-League lúc này mong muốn điều đó xảy ra. Thực tế, trước khi biến thể mới COVID-19 xuất hiện tại nước ta, vào ngày 2-7, VPF cùng các CLB đã thống nhất đá nốt các vòng còn lại thuộc giai đoạn 2 V-League 2021 theo phương án tập trung ở các cụm sân phía Bắc, không khán giả từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn từ đó cho đến nay. Nếu bây giờ không còn cách nào khả quan hơn, ban tổ chức cũng nên nghĩ đến việc cứ tiến hành tổ chức như kế hoạch đã chốt, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Nhìn ra các nền bóng đá lớn của thế giới để thấy, năm qua họ đã sống chung với dịch bệnh như thế nào. Các giải đấu lớn như La Liga, Ngoại hạng Anh, Bundesliga tổ chức các trận trên sân không khán giả. Các cầu thủ được xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần, bóng thi đấu và sân bãi được khử trùng, các đội bóng tuân thủ quy tắc “bong bóng”, tức hoàn toàn không tiếp xúc với người ngoài. Các cầu thủ mắc COVID-19 được xem như dính chấn thương, chỉ quay lại khi có xét nghiệm âm tính.

Với đội tuyển Việt Nam, quy tắc “bong bóng” không còn xa lạ. Những ngày tập trung thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á tại UAE, đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng đã thực hiện tốt quy tắc này. Mới đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý cơ chế đặc biệt trong phòng chống dịch để các đội bóng quốc tế đến tham gia thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tất nhiên, cả thầy trò HLV Park Hang Seo và các đội bóng khác cũng sẽ tuân thủ theo quy tắc “bong bóng”.

Từ nay cho đến khi các cầu thủ làm nhiệm vụ quốc gia không phải không có những khoảng nghỉ nào để VPF cho V-League 2021 khởi động trở lại theo nguyên tắc “bong bóng”. Thậm chí, việc để các giải đấu diễn ra song hành khi đội tuyển Việt Nam hoàn thành các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng là điều nên nghĩ đến. V-League là nền tảng của đội tuyển quốc gia nên việc chăm chút cho hai giải đấu này đi đến thành công là điều nên quan tâm và phải làm.

Thành Danh