V-League 2021: Như mành chỉ treo chuông...

Thứ ba, 20/07/2021 17:00

Trong nỗ lực đưa mùa giải V-League 2021 cán đích, mới đây, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi kế hoạch dời giải đấu sang tháng 2-2022 để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xét duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận về những phản ứng mạnh mẽ từ phía các câu lạc bộ (CLB).

CLB HAGL duy trì tập luyện trong thời gian đợi ngày V-League trở lại. Ảnh: CLB HAGL

Cứu V-League, ai cứu CLB?

Như đã thông tin, V-League 2021 đang tạm hoãn vô thời hạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dẫu vậy, nhận thức rõ được những thiệt hại nặng, đặc biệt về vấn đề tài chính nếu giải không thể hoàn thành nên VPF luôn nỗ lực tìm cách đưa giải đấu trở lại. Vì thời gian tới bóng đá Việt Nam ưu tiên cho các cấp độ đội tuyển quốc gia đá vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và vòng loại U23 châu Á nên khoảng nghỉ đã hết. Thế cho nên, VPF tính đến việc đưa giải đấu quay trở lại vào tháng 2-2022, thời điểm đội tuyển Việt Nam hoàn thành các trận đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận về nhiều ý kiến phản đối từ phía các CLB, trong đó có Dược Nam Hà Nam Định, Hải Phòng FC, thậm chí cả đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng là HAGL. Lãnh đạo các đội bóng đều bức xúc cho rằng họ không được VPF hỏi ý kiến và “chỉ biết được thông tin qua báo chí”. Nếu giải đấu phải dời sang năm 2022 sẽ đẩy các đội bóng vào tình thế khó khăn tài chính.

Trên thực tế, nếu điều đó xảy ra thì V-League sẽ sớm rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Từ nay cho đến đó còn tận 7 tháng, chỉ ăn và tập mà không thi đấu, kinh tế các CLB đương nhiên sẽ cạn dần. Thậm chí, nhiều CLB V-League có thể phải phá sản vì nuôi quân. Bởi, theo tiết lộ của lãnh đạo CLB tại V-League, kinh phí để duy trì hoạt động của một CLB chuyên nghiệp hiện nay là gần 2 tỷ đồng/tháng. Thế nên, nếu đợi đến tháng 2 năm sau mới thi đấu thì mỗi CLB phải bỏ ra cả chục tỷ đồng chỉ để nuôi các cầu thủ ăn ở và... đá tập.

Nhắc lại câu chuyện của CLB Than Quảng Ninh hồi đầu mùa để thấy, không phải đội bóng nào ở V-League cũng có tiềm lực tài chính mạnh. Thời điểm V-League mới khởi tranh, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã liên tục ngừng tập và “dọa” bỏ thi đấu vì bị CLB nợ lương, thưởng từ tận mùa giải năm ngoái. Vụ việc chỉ lắng xuống khi ban lãnh đạo đội bóng xoay xở và dần giải ngân cho các cầu thủ. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy, bóng đá hiện đại luôn đi liền với kinh tế. Nếu có nguồn thu, CLB sẽ duy trì được hoạt động và ngược lại thì viễn cảnh phá sản sẽ đến gần.

Trăm mối tơ vò

Thời điểm này, nếu làm một cuộc khảo sát thì chắc chắn 14 CLB V-League đều gật đầu đá nốt các vòng đấu còn lại của V-League 2021. Bởi đơn giản không chỉ vấn đề tạo điều kiện cho các cầu thủ được ra sân mà còn liên quan đến vấn đề tài trợ, hợp đồng quảng cáo của mỗi CLB và của từng cầu thủ... Thông thường, vào mỗi mùa giải, CLB nào cũng sẽ tìm cho mình ít nhất một đơn vị tài trợ chính. Đổi lại, CLB sẽ mang hình ảnh của nhà tài trợ giới thiệu đến công chúng. Theo tìm hiểu được biết, hợp đồng tài trợ này thường kết thúc vào cuối mùa bóng, nghĩa là tầm tháng 8 hoặc 9. Với tình cảnh này, khi V-League không thể diễn ra, có thể đơn vị tài trợ vẫn tiến hành giải ngân cho các CLB nhưng không chắc hai bên sẽ vui vẻ khi trao và nhận.

Còn về phần hợp đồng với các cầu thủ cũng thường kết thúc ở cuối mùa giải. Các ngoại binh thì thường được các CLB ký từng năm để vừa đá vừa xem xét mức độ hiệu quả mà ký thêm. Nhưng nếu phải đợi đến tháng 2-2022 để đá tiếp phần còn lại của V-League 2021 thì quả là bài toán nan giải cho các CLB với việc ký tiếp hay kết thúc hợp đồng với các cầu thủ trong khoảng thời gian “ngủ đông”.

Rõ ràng, việc nỗ lực tìm cách đưa V-League trở lại của VPF là điều dễ hiểu bởi chính đơn vị tổ chức cũng có những hợp đồng không dễ phá vỡ. Nếu hủy giải đấu mà dễ dàng, không kéo theo nhiều hệ lụy thì VPF đã chốt hủy từ mùa giải năm ngoái. Vấn đề quan trong bây giờ là ban tổ chức không thể tìm được quỹ thời gian nào trống đủ dài để “nhét” V-League 2021 vào. Đến tận tháng 2-2022 thì quá xa còn gần nữa thì vừa cấn dịch bệnh vừa cấn lịch thi đấu của tuyển quốc gia.

Thực tế, thành công của các cấp độ đội tuyển bóng đá Việt Nam những năm qua luôn có dấu ấn của VPF. V-League được xem là “bệ phóng” của đội tuyển quốc gia. Giải đấu này càng chuyên nghiệp, càng hấp dẫn, càng có tính cạnh tranh quyết liệt thì trình độ các cầu thủ càng được nâng cao và tài năng bóng đá bổ sung cho đội tuyển quốc gia sẽ càng dồi dào. Bởi thế cho nên, khi VPF gặp khó, các CLB, VFF cũng như khán giả cũng cần có cái nhìn cảm thông, sẻ chia hơn. V-League 2021 đang vào thế như mành chỉ treo chuông thì những sáng kiến lúc này là cần thiết để “giải cứu” một trong những mùa giải được đánh giá là hấp dẫn và kịch tính nhất lịch sử V-League dù giải mới trải qua 12 vòng đấu.

Thành Danh