Vạch mặt xe thật, bằng giả

Thứ năm, 29/06/2023 10:32
Hiện nay, có không ít trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường đối với người tham gia giao thông, kể cả những người cố tình vi phạm, cũng như việc phát hiện, xử lý của các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngay trên địa bàn Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng), lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp này.
Hậu quả khôn lường khi sử dụng giấy phép lái xe giả (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Công an quận Thanh Khê làm việc với người vi phạm.

P.TC (1985, trú huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm nghề buôn bán rau quả và mua hàng từ Quảng Nam chở ra Đà Nẵng. Do chưa có giấy phép lái ô-tô nên C. đã thuê Huỳnh Bá Kế (1992, trú Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) lái ô-tô chở hàng cho mình, với giá tiền 6 triệu đồng/tháng. Để làm được điều này, C. nảy sinh ý định thuê làm giả giấy phép lái ô-tô cho mình để đối phó với lực lượng Công an khi điều khiển ô-tô tham gia giao thông. C. lên mạng xã hội Facebook xem quảng cáo nhận làm giả các loại giấy tờ và đã liên hệ được với một tài khoản Facebook (không nhớ tên tài khoản) thỏa thuận làm giả một giấy phép lái ô-tô hạng C với giá 4 triệu đồng. Sau đó, C. đã cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh chân dung gửi cho người làm giả thông qua ứng dụng Facebook. Khoảng 20 ngày sau, một người đàn ông (không rõ tên, địa chỉ) hẹn C. ra khu vực đường Quốc lộ 1A để giao cho một giấy phép lái xe hạng C số 510206… do Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam cấp mang tên P.T.C., trong đó có dán ảnh của C., C. đã thanh toán tiền cho người đàn ông nói trên theo thỏa thuận. Khi Huỳnh Bá Kế không thể lái xe thuê nữa, C. đã sử dụng giấy phép lái xe giả trên tự mình lái xe đi Đà Nẵng giao hàng thì bị Cảnh sát giao thông Công an quận Thanh Khê kiểm tra phát hiện giấy tờ giả.

Cơ quan Công an xem xét, đối chiếu các trường hợp nghi sử dụng giấy phép lái xe ô-tô, mô-tô giả.

Trong thực tế, không ít người đã tin theo những lời quảng cáo rao vặt tràn lan trên mạng xã hội, như “Cấp bằng lái xe cấp tốc”, “Hỗ trợ cấp bằng lái xe không cần thi”, “Cấp bằng lái xe siêu”... Anh L.H.H.T (27 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đặt mua bằng trên mạng để sử dụng và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Khê khởi tố về hành vi cung cấp thông tin, đặt làm và sử dụng giấy phép lái xe giả. Anh T. cho biết, thời điểm đó còn mơ hồ giữa việc người ta có thể làm được thật nên quyết định đăng ký với người ta cho nhanh. “Tôi đặt cọc cho người ta 4 triệu đồng và cung cấp cho người ta 2 ảnh chụp chứng minh nhân dân, 1 ảnh chụp hình 3x4, sau vài ngày thì người ta có gửi lại cho tôi 1 bưu phẩm trong đó có 1 giấy phép lái xe và 1 bộ hồ sơ gốc. Sau khi kiểm tra thì hôm sau tôi đã chuyển nốt cho họ 6 triệu đồng nữa”. T. mua bằng lái xe ô-tô sử dụng được 3 năm đến khi đang lưu thông trên đường thì bị kiểm tra, phát hiện”, T. khai.

Hậu quả khôn lường khi sử dụng giấy phép lái xe giả (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Giống với các trường hợp trên, H.C.H điều khiển mô-tô, BKS 92H1-525.21 chở Trần Minh Vương (1991, trú H.Cư Mgar, Đắk Lắk) đi trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng) có dấu hiệu khả nghi nên Tổ tuần tra 911 Công an TP Đà Nẵng dừng xe để kiểm tra. H. không chấp hành và đã điều khiển xe bỏ chạy thì bị giữ lại. Qua kiểm tra giấy tờ liên quan, H. xuất trình một giấy phép lái xe hạng A1 số 49015… do Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam cấp. Do giấy phép lái xe của H. bị mờ có dấu hiệu giả mạo nên cơ quan Công an đã làm việc và bản thân H. khai nhận giấy phép này do H. đặt làm giả với giá 1 triệu đồng. Trường hợp H.T.H (1998, trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng vậy. Do chưa có giấy phép lái xe nên H. nảy sinh ý định thuê người làm giấy phép lái mô-tô cho mình để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông khi điều khiển xe tham gia giao thông. Để thực hiện ý định trên, H. lên mạng xã hội Facebook tìm thông tin người nhận làm giả giấy tờ và liên hệ được với một tài khoản Facebook (không nhớ tên tài khoản) thỏa thuận làm một giấy phép lái mô-tô hạng A1 với giá 1,5 triệu đồng. Sau đó, H. cung cấp thông tin, chụp ảnh chân dung gửi cho người làm giả thông qua ứng dụng Messenger. Khoảng 5 ngày sau, H. được một người giao hàng đưa một giấy phép lái xe giả hạng A1 số 480196… mang tên H.T.H., trong đó có dán ảnh của H. Khi đang điều khiển mô-tô đi trên đường Hàm Nghi, TP Đà Nẵng thì bị Tổ tuần tra 911 Công an TP Đà Nẵng dừng lại kiểm tra. Qua tra cứu đã phát hiện số giấy phép lái xe nói trên đã được Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cấp cho người khác. Một trường hợp khác, T.K.L., trong khi uống cà-phê trên đường Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng) đã tình cờ quen biết một nam thanh niên. Qua nói chuyện, người này biết L. chưa có giấy phép lái xe nên ngỏ ý nhờ người làm giúp giấy phép lái xe giả. Khoảng 5 ngày sau, cũng tại quán cà-phê này, L. đã nhận được một giấy phép lái xe hạng A1 số 48018… mang tên T.K.L. (1998, trú Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Thế nhưng khi bị lực lượng Công an dừng xe trên đường Huỳnh Ngọc Huệ kiểm tra thì sự việc làm giả giấy phép lái xe mới được phanh phui.

Trung tá Phạm Thanh HùngĐội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Thanh Khê cho biết, thời gian gần đây số vụ việc liên quan đến giấy phép lái xe giả trên địa bàn quận và Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng nói trên phạm tội do lỗi cố ý với mục đích để lừa dối, qua mặt cơ quan chức năng khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Những trường hợp này đều bị khởi tố theo Điều 341 của Bộ luật Hình sự về hành vi “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

LÊ PHƯƠNG