Vài kỷ niệm với anh Tường Linh

Thứ hai, 18/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Năm 1951, một người trẻ tuổi lặn lội đi bộ, và đi bằng bất cứ phương tiện đi nhờ nào, từ H. Quế Sơn (Quảng Nam) vào Bồng Sơn (Bình Định). Để nhận giải thưởng. Tại buổi lễ, người phát giải hỏi: Tác giả Tường Linh bận việc hay đau ốm, mà cử cháu đi nhận thay? Tường Linh chính là người thanh niên ấy, tác giả bài thơ “Chị Điện Hòa”, viết năm 1950. Năm ấy, anh vừa 20 tuổi.

Mấy năm sau, khi hòa bình lập lại, bài thơ “Năm cụm núi Ngũ Hành” viết về Ngũ Hành Sơn lại được đông đảo người đọc ở Quảng Nam và Khu V thuộc và đọc. Mãi đến bây giờ...

Anh đã bắt đầu đời thơ như thế.

Bìa tập thơ của Tường Linh. 

*

Thuộc thế hệ sau, tôi biết đến anh vào khoảng năm 1962, qua hai bài thơ đầu tiên đọc được: “Nhắn hoàng thành có người Tôn nữ” (1959) và “Ngọn đèn” (1958). Gần 30 năm sau, tôi mới gặp anh, ở Q. Bình Thạnh, TPHCM. Đã nhiều lần đến chơi ở nhà anh chị. Thỉnh thoảng, anh photo vài bài thơ, gửi anh em đọc chơi. Cuối năm 1998, anh bị “mất nhà”: “Rời Hàng Xanh, ta sang Văn Thánh Bắc/ Dăm chuyến xe ba gác: trọn gia tài... Tuổi 70, chỗ ở tạm bợ giữa chốn “Tiếng ếch nhái vẳng từ hồi khoan nhặt / Tiếng của thời xa vắng ngỡ trong mơ”.

Rồi anh có “nhà mới”, căn nhà mà vào buổi chiều 28 Tết năm 2000 - 2001, anh phải “gọi” tôi. Tôi vội vàng “chạy”, để anh có thể trả công thợ, trước khi dọn vào căn nhà mới, bề ngang 2,5m, bề dài 8,3m, nơi mà “phòng khách liên thông với bếp nhà / Bình hoa đối cảnh với bình gas”...

Thi sĩ ơi!

*

Dân Quảng làm thơ, sống tại Sài Gòn khá nhiều. Để có “sân chơi” cho anh em đồng hương, năm 2000, anh làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Đất Quảng, tôi là phó, cùng các anh chị Ý Nhi, Chinh Văn, Tần Hoài Dạ Vũ. Tập thơ đầu tiên “Trước sông Thu”, theo yêu cầu của một số người, được chia nhau ra, biên tập. Thơ của một câu lạc bộ, nhưng cách làm, như làm thơ tuyển: 5 người đọc từng bài một, phân loại A, B, C, bài nào đạt 3A/5 phiếu chọn, mới đưa vào tập. Có lẽ, đấy là tập thơ của một câu lạc bộ tập hợp được gần như đầy đủ những “tên tuổi” Quảng Nam trong giới làm thơ... tạm gọi là, chuyên nghiệp (chứ thực ra thì... không có: ở xứ ta, hiếm có nhà thơ nào có đủ cái ăn từ thơ). Việc ấy, có vẻ như “chuyện nhỏ”, nhưng quả tình, không dễ chút nào. Có lẽ, vì những người trong nhóm tuyển chọn có một cái tên; tất nhiên, cũng vì người “đứng ra”, là anh.

*

Từ thuở  nhỏ đến 18 tuổi, Tường Linh chỉ tập và làm các thể thơ Đường luật, phú, đối, văn tế... do ý muốn và sự đào luyện của ông nội. Bài thơ mới đầu tiên của tác giả là bài “Chị Điện Hòa” viết về trường hợp hy sinh anh dũng của một liệt nữ trong trận quân ta ác chiến với giặc Pháp xâm lược tại xã Điện Hòa, H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày 4-11-1950.
Từ năm 1956 vào ở tại Sài Gòn- Gia Định, hiện nay vẫn ở tại TP Hồ Chí Minh, Tường Linh viết (không thường xuyên) cho một số báo, tạp chí tại thành phố và trên cả nước...
Một số tác phẩm đã xuất bản của ông
-Tập thơ làm thuở nhỏ, in thạch bản (lithographie)-Tam Kỳ (1950); Mùa thi, in thạch bản-Bồng Sơn (1953); Mùa hoa cải-Huế (1955); Mây cố quận-NXB  Tao Đàn – Sài Gòn (1962); Nghìn khuya- NXB  Tao Đàn – Sài Gòn (1965); Thu ơi từ đó-NXB  Tao Đàn – Sài Gòn (1972); Giọt cổ cầm-NXB Đà Nẵng (1998); Về hỏi lại-NXB Đà Nẵng (2001); Thơ Tường Linh tuyển tập-NXB Văn học (2011).

Về 3 bài hành độc vận, 10 năm trước. Tường Linh, 64 câu; Tần Hoài Dạ Vũ, 62 câu, “nhường” sư huynh 2 câu. Tôi tiếp bước, với 58 câu.  Hơn 10 năm sau, Tạp chí Sông Hương in cả ba bài trên số ra tháng 4-2011, với “Lời tòa soạn”: “Đi về sao chửa về đi” có lẽ là câu nhắn nhủ nhiều ý nghĩa nhất của Đào Tiềm vào cuối cuộc nhân sinh. Mười năm trước, ở tuổi bảy mươi, sau hơn 50 năm gắn bó với thơ ca, nhà thơ Tường Linh đã viết bài “Khúc ca quy ẩn” như lời từ giã đời thơ. Nhân đọc bài thơ này, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ viết “Quy ẩn, về đâu?” để tặng ông như một nét “lễ” của cách ứng xử trong truyền thống văn hóa. Một nhà thơ đất Quảng khác, thuộc thế hệ kế sau, Nguyễn Đông Nhật viết tiếp “Quy khứ, về đây” thay lời ngỏ chân tình: Cuộc đời dẫu có nhiều cay đắng, ngậm ngùi, thì vẫn là nơi con người phải gánh trọn số phận để đi qua hết cuộc tồn sinh.

Cả ba bài dù đều viết theo thể thơ cổ: hành độc vận nhưng mang một phong thái riêng.

Cảm khái trước tình thơ của ba nhà thơ đất Quảng Nam vốn có rất nhiều gắn bó với Huế, Sông Hương xin được giới thiệu ba bài hành này như một món quà thơ nhằm nhắc lại một nét đẹp trong văn học truyền thống tiếp nối những âm hưởng tuyệt vời những bài hành bất hủ của Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Quang Dũng...

3 bài thơ này, một số anh em “hay cãi” photo chuyền tay. Và cảm thấy “ưng cái bụng”, nhất là lúc đã... sương sương.

*

Tháng trước, ngồi với Lê Đức Hùng ở Đà Nẵng, tình cờ lại nhắc đến câu nói của anh, 5-6 năm trước: “Khi nào có thể, mình sẽ nhờ Nhật lo việc ấn loát”. Bản thảo tập thơ tuyển xong từ hồi đó, đến nay vẫn chưa in được. Vợ chồng Hùng – Hồng Hạnh sốt sắng “tiếp sức” ngay. Và khi nghe tin, các anh Phan Ngọc Thanh, Lê Văn Thuận, Nguyễn Hiền, Trần Hữu Phú, Đinh Mười, Nguyễn Lạc, Phan Minh Có, Nguyễn Thành Long, Hoàng Quý... (không thể  “liệt kê” đầy đủ được) đều vui mừng được “chung tay” cho tập “một đời thơ” của anh Tường Linh ra đời. Anh Nguyễn Văn Chiến (Q.4), người không quen biết với tác giả, cũng không kém phần sốt sắng. Nhiều anh em khác, nhiều người đồng hương và yêu thơ dặn dò: Chịu khó lo cho anh Tường Linh nhé. 

Đối với người làm thơ, có hạnh phúc nào lớn hơn như thế?

*

Đã viết giới thiệu nhiều tập thơ, chủ yếu là việc “anh em”: thân - sơ có, làm thơ đã lâu hay mới tập làm thơ, đều có, không phân biệt “nghề nghiệp” gì cả. Nhưng, với tập thơ của anh Tường Linh, thì chỉ ghi lại vài chuyện ấm áp, vậy thôi. Nếu phải nói điều gì, về thơ, xin trích mấy câu cuối, trong bài thơ cuối của tập tuyển 396 bài của anh: Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn / Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình/ Đi tay trắng thì trở về tay trắng / Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

Đó cũng lại là một hạnh phúc khác. Của thi sĩ: hiểu - ngộ trước sự thật của Dòng Sống.

*

Ra Trung chuyến này, lần đầu tiên, hành lý nặng: một ít tập thơ của anh, mà tôi tự thấy phải mang về quê nhà.

TP Hồ Chí Minh, tháng 7-2011

Nguyễn Đông Nhật