“Vali hạt nhân” được chuyển giao như thế nào?

Thứ năm, 21/01/2021 10:07

Tổng thống Donald Trump tuyên bố không tham dự lễ tuyên thệ nhậm   chức của người kế nhiệm Joe Biden, nhưng sự vắng mặt của ông không ảnh hưởng gì nhiều đến thời điểm được cho là quan trọng nhất trong Ngày nhậm chức: chuyển giao “vali hạt nhân”. 

Một phụ tá quân sự xách theo “vali hạt nhân” quyền lực của Tổng thống Mỹ.   Ảnh: AP 

Chiếc vali này, chứa thiết bị mà ông Trump sử dụng để xác thực mệnh lệnh của mình và tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, luôn được một phụ tá quân sự đồng hành cùng Tổng thống, giữ chặt - cho đến khi ông chính thức rời nhiệm sở vào ngày 20-1. Thông thường, “vali hạt nhân” sẽ được giao cho một trợ lý quân sự khác đứng trên hoặc gần khán đài xem lễ nhậm chức khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.

Cuộc chuyển giao... hơi khác 

Nhưng lần này, cuộc chuyển giao đó diễn ra hơi khác vì ông Trump tuyên bố sẽ rời thủ đô Washington đến Florida trước lễ nhậm chức của ông Biden. Theo các chuyên gia, “vali hạt nhân” có thể sẽ đồng hành cùng ông, nghĩa là sẽ có ít nhất hai “vali hạt nhân” ở các địa điểm khác nhau, đưa ra thách thức duy nhất là đảm bảo việc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.

Mặc dù quá trình đó có thể diễn ra khác so với những năm trước đây, nhưng vẫn có những biện pháp bảo vệ để đảm bảo sự chuyển giao liền mạch quyền kiểm soát hạt nhân từ tổng thống đương nhiệm sang tổng thống kế tiếp, bất kể hoàn cảnh nào, CNN dẫn lời chuyên gia Stephen Schwartz cho biết. Theo ông, trái với suy nghĩ của nhiều người, “vali hạt nhân” không có nút bấm hoặc mã có thể tự động phóng vũ khí hạt nhân mà thay vào đó là thiết bị và quyền lực mà một Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng để ra lệnh tấn công. Khi nó được kích hoạt đồng nghĩa với việc 2.000 đầu đạn hạt nhân trên khắp thế giới sẽ được phóng đi. Bởi vậy, “vali hạt nhân” đã trở thành “vật bất ly thân” của ông chủ Nhà Trắng. “Trên thực tế, có ít nhất 3 đến 4 “vali hạt nhân” giống hệt nhau: một theo tổng thống, một theo phó tổng thống, và một theo truyền thống được dành cho người sống sót được chỉ định tại các sự kiện như lễ nhậm chức và lễ phát biểu quốc gia”, theo chuyên gia Schwartz. 

Ngoài chiếc cặp này, các tổng thống còn đem theo trên người một tấm thẻ có chứa các mật mã xác nhận. Trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, tổng thống sẽ sử dụng các mật mã này cùng với các công cụ trong chiếc cặp để xác nhận bản thân mình với quân đội và ra lệnh tấn công hạt nhân. Các tổng thống đắc cử thường được thông báo về trách nhiệm hạt nhân của mình trước khi tuyên thệ nhậm chức. Theo Hiến pháp, Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền đối với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cho đến khi ông Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. 

Chuyển giao quyền lực

Sau thời điểm đó, ông Trump sẽ không còn quyền hạn như vậy nữa và các mã hạt nhân mà ông mang theo sẽ tự động bị ngừng hoạt động. Khi đó, ông Biden sẽ tự động thừa hưởng quyền lực để phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào đúng thời điểm.

Điều đó có nghĩa là nếu ông Trump cố gắng ra lệnh tấn công vào lúc 12 giờ 01   ngày 20-1 (0 giờ 01, sáng 21-1, giờ Việt Nam), lệnh này sẽ bị coi là bất hợp pháp và các chỉ huy quân đội được giao nhiệm vụ thực hiện phải từ chối. Việc chuyển giao quyền lực đó được đảm bảo bởi thực tế là các mã ông Trump sử dụng để xác thực danh tính Tổng thống sẽ bất hợp lệ vào thời điểm đó. Trong khi đó, ông Biden có thể sẽ nhận được tấm thẻ của mình từ sáng 20-1 khi ông, và có khả năng là Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, được thông báo tóm tắt về quá trình bắt đầu một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng mã của họ sẽ không hoạt động cho đến sau thời điểm nhậm chức vào lúc 12 giờ ngày 20-1 (giờ Mỹ).

KHẢ ANH

Lễ nhậm chức Tổng thống chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ

Từ sáng 20-1 (chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden bắt đầu diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với những năm trước đây do dịch Covid-19 cũng như vấn đề an ninh sau cuộc biểu tình bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội ngày 6-1.

Theo đó, lễ nhậm chức Tổng thống năm 2021 không giống bất kỳ lễ nhậm chức Tổng thống nào khác mà người dân quốc gia này đã từng chứng kiến và tham dự. Buổi lễ với chủ đề “Nước Mỹ thống nhất” phần nào phản ánh vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden và "Phó tướng" Kalama Harris, đồng thời “phản ánh sự khởi đầu của một cuộc hành trình quốc gia mới nhằm khôi phục linh hồn của nước Mỹ, gắn kết đất nước lại với nhau và tạo ra con đường dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn”. Trong bối cảnh hiện nay khi tình hình bất ổn có thể xảy ra trong khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng tại Mỹ, Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống khẳng định ưu tiên hàng đầu của buổi lễ vẫn là giữ an toàn cho người dân trong khi tôn vinh những giá trị truyền thống và thu hút sự chú ý của người dân trên khắp đất nước. 

Chính vì vậy, số người tham dự buổi lễ tại Điện Capitol cũng bị hạn chế nhằm đảm bảo việc giãn cách xã hội với khoảng 1.000 khách tham dự, phần lớn trong số đó là thành viên của Quốc hội và khách mời. Con số này ít hơn nhiều so với các buổi lễ nhậm chức của các Tổng thống trước đó khi có khoảng hơn 200.000 vé mời được phát ra, chưa kể vé được gửi cho các cử tri. Ngoài ra, năm nay người dân không được tập trung như truyền thống tại khu vực National Mall và Tháp Bút chì để tham dự trực tiếp và ăn mừng lễ nhậm chức như truyền thống mà được yêu cầu theo dõi sự kiện tại nhà. Mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris vẫn tuyên thệ nhậm chức bên ngoài Tòa nhà Capitol, nhưng nhiều nghi lễ truyền thống và các sự kiện được yêu thích trong buổi lễ đã bị thay đổi.

Các sự kiện của lễ nhậm chức bắt đầu từ khoảng 7 giờ, tuy nhiên nghi lễ nhậm chức chính thức diễn ra tại Đồi Capitol vào khoảng hơn 9 giờ trước khi Tổng thống đắc cử có bài phát biểu nhậm chức quan trọng.

T.N