Văn Cao và tôi

Thứ tư, 07/02/2024 00:00
Tôi không bao giờ quên buổi chiều cuối thu năm 1982 ở quán “Tiên Điền” (gần ngã tư Nguyễn Du với Quang Trung, đối diện với Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật hiện nay). Trong không gian ẩm tối như ùa ra từ bức tranh “Những người ăn khoai” của Vangoc, lần đầu tiên tôi được gặp Văn Cao, cuộc gặp gỡ do Đặng Đình Hưng sắp xếp theo yêu cầu của Văn Cao. Tôi được may mắn là người đã quen Đặng Đình Hưng trước đó ở một quán rượu đường Giảng Võ. Khi ấy, tôi là cán bộ tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Thông tin đóng ở đỉnh Hào Nam. Một hôm, Đặng Đình Hưng bảo tôi “Thằng Văn Cao đòi tao bố trí gặp mày, nó rất thích những “GIỌT MƯA ĐỒNG HÀNH” (bài thơ của tôi đoạt giải cuộc thi thơ Báo “Văn nghệ năm 1981- 1982”). Nghe Đặng Đình Hưng nói mà tôi gai người. Văn Cao thì tôi ngưỡng mộ đã lâu, nhưng đâu dám gặp, vậy mà bây giờ lại được chính Văn Cao yêu cầu gặp. Hạnh phúc ập đến lớn quá, tôi hồi hộp chờ đợi buổi chiều này.
Văn Cao và Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tác giả Nguyễn Thụy Kha

Ngay từ nhỏ ở Hải Phòng, tôi đã nghe và thuộc những giai điệu “Thiên thai”, “Suối mơ”... của Văn Cao. Đến sau ngày Hải Phòng giải phóng, tôi lại thuộc thêm những bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Sông Lô”...; thậm chí có thể độc tấu kèn harmonica “Sông Lô” của ông. Nhưng tôi còn bất ngờ có một Văn Cao thơ. Tập “Tác phẩm mùa Xuân” năm 1956 mà anh tôi mang về Hà Nội có in bài thơ “Anh có nghe không” và trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao (in chung Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt). Tôi còn được chiêm ngưỡng những minh họa của Văn Cao trên Báo Văn nghệ. Quả đúng là cầm kỳ thi họa. Nhưng người tài danh như thế lại dính vào vụ “Nhân văn - giai phẩm” và đang bị “im lặng” dài dài. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi biết rõ hơn chuyện này vì nghe Đặng Đình Hưng kể như một nhân chứng sống vì chính Hưng cũng cùng chung số phận như thế. Tôi hay phũ súy nên nghe vậy chưa biết đúng sai ra sao, nhưng thấy rất thương, rất đồng cảm với “tai nạn” mà các ông đã gánh chịu.

Chiều ấy, khi tôi bước vào không gian thơm mùi men, Văn Cao đứng lên ôm tôi thật chặt: “Mày hay đấy” rồi vỗ vỗ vào lưng tôi. Một cái gì đó như nhân duyên đã mách bảo rằng tôi sẽ gắn bó với con người này đến tận cùng. Thế là tôi cùng Văn Cao và Đặng Đình Hưng cụng chén và nói chuyện đủ thứ trên đời. Hóa ra, Văn Cao quan tâm đến rất nhiều chuyện của đất nước. Chỉ chuyện đang “vận động sáng tác Quốc ca” là ông không nhắc tới. Nhưng chuyện ông đã đi Cộng hòa dân chủ Đức tham quan cùng nhạc sĩ Đàm Linh với tư cách ông là tác giả “Quốc ca Việt Nam” thì ông kể rất vui vì chuyện cũng mới diễn ra. Đến khi mềm môi thì tôi lần đầu tiên được nghe Văn Cao đọc thơ. Thơ ông thật lạ, thật mô đéc: “Người đi dọc biển - không để lại dấu chân”, ấn tượng câu thơ này khiến mười năm sau khi viết tiểu thuyết chân dung về ông, tôi đã lấy tên cuốn sách là “Văn Cao - người đi dọc biển”.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1993. Ảnh: Dương Minh Long

Từ sau buổi chiều sơ ngộ ấy, tôi thường xuyên gặp Văn Cao, khi ở nhà tôi, khi ở nhà ông, khi ở quán... Nhiều lần có thêm Đặng Đình Hưng hay Thái Bá Vân, Nguyễn Xuân Khoát, có lần là Nguyễn Tuân... Càng gần Văn Cao, tôi càng thấy ngỡ ngàng về tầm vóc của một bậc tài danh khi ông thông tỏ rất nhiều điều. Độc đáo nhất là nhận xét của ông về Trịnh Công Sơn. Ông bảo Sơn là người hát thơ, ông rất nể thi ảnh “Lao xao bờm ngựa” của Sơn trong một ca từ nào đó. Vì thế, mùa thu 1983, ngay sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ ba, ông được trở lại vị trí Ủy viên Ban chấp hành sau 25 năm vắng bóng. Tổng thư ký Huy Du đã tổ chức lễ sinh nhật tuổi 60 cho ông thật ấm cúng, sang trọng có sự góp mặt của Trịnh Công Sơn với tư cách là đại biểu đặc biệt tham dự. Kỷ niệm lần gặp gỡ với Hà Nội cho Trịnh Công Sơn cảm hứng sáng tác nên “Nhớ mùa thu Hà Nội”.

Những chuyến đi sáng tác do tôi tổ chức luôn có mặt Văn Cao, Trần Chung và Nguyễn Trọng Tạo, cũng nhờ vậy mà ngoài việc có chút thù lao cải thiện “nồi cơm”, Văn Cao còn có thêm những sáng tác mới. Về nhà máy toa xe Hải Phòng, ông có “Hành khúc công nhân toa xe” vừa trầm hùng, vừa lạ và rất Văn Cao. Lên trung du với nhà máy thông tin quân đội M1, Văn Cao viết “Tình ca trung du” phong cách nhạc nhẹ, trẻ trung. Nhưng đậm đặc kỷ niệm nhất là lần đi Nghĩa Bình năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng. Vì lời mời quá trân trọng của Tỉnh ủy Bình Định, ba thành viên đoàn văn nghệ sĩ là Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo và tôi quyết định làm một tờ gấp in Xê-len để tự giới thiệu bản thân với những người đón tiếp. Tờ gấp 4 trang thì trang đầu là ký họa chân dung. Hai trang giữa là một bản nhạc, trang sau là một bài thơ. Tờ gấp của Văn Cao thì trang đầu là chân dung tự họa của ông, trang sau là bài thơ “Quy Nhơn” rất mô-đéc của ông, hai trang giữa thì tôi đề xuất in “Quốc ca Việt Nam”, Văn Cao xua tay: tôi đã “xui” người lính ra trận, nay thanh bình, tôi muốn đưa người lính trở về nhà. Nói rồi Văn Cao lấy trong tủ ra một tập bài hát Việt Nam do Liên Xô in từ năm 1977. Trong đó có “Mùa xuân đầu tiên” mà bây giờ đã trở thành khúc khải huyền không thể thay thế được cứ mỗi khi xuân về. Văn Cao là người bắt đầu và kết thúc là thế.

Ông chầm chậm kể tôi nghe về chuyện đưa tàu chở tiền và vũ khí cùng ông Hà Đăng Ấn vào trước hồi đầu 1946, Quảng Ngãi lúc ấy là Sở chỉ huy tiền phương mặt trận phía Nam. Trên Sa Huỳnh ì ầm sóng biển, chúng tôi ngồi bên bờ uống rượu dưới ánh trăng mờ ảo qua sương núi bên Quốc lộ 1, tôi nhắc đến “Biển đêm”, một tiểu phẩm của ông. Văn Cao cho biết, hồi viết “Biển đêm” có nghe phong phanh về đoàn tàu không số và có đưa cái nét phiêu liêu hoang tàn của những người lính thủy này vào đâu đó trong giai điệu. Không ngờ đêm nay lại được ngồi đúng nơi họ từng cập tàu và tự nhấn chìm rồi vút lên bờ tìm lên căn cứ ở đây.

Ở Quy Nhơn thì Văn Cao lại trong một tâm trạng khám phá thú vị của lần đầu gặp gỡ. Uống rượu Bầu Đá, ông nhận xét: “Rượu Bầu Đá dày”, một nhận xét độc đáo hơn của một slogan thương hiệu mỹ tửu được buộc nhất thời của một tiên tửu. Ông giãi bày tại sao lại viết “Quy Nhơn” trước ngày vào Quy Nhơn. Hồi thanh xuân, trong những ngày buồn sau khi cha mất, Văn Cao đã tơ vương với một vũ nữ. Nhưng ngay sau đó, người vũ nữ đã bỏ đi vào Sài Gòn, nghe đồn cô ấy có một đứa con trai. Sau ngày thống nhất vào Sài Gòn, lại nghe được hai mẹ con ra Quy Nhơn vì cậu con trai đóng quân ở đây. Bặt tăm, không biết sống chết ra sao, mà ông lại hy vọng. Sau đó, ông viết “Quy Nhơn II” và đem ra An Nhơn, đọc cho Yến Lan nghe. Hai tri kỷ gặp nhau thì ôm chặt nhau nức nở. Hồi “Nhân văn - giai phẩm” do tập thơ “Những ngọn đèn” của Yến Lan là Văn Cao đề tựa, nên Yến Lan cũng bị “dè chừng”. Không ngờ, cuộc viếng thăm đã cho Văn Cao xuất thần ra “Quy Nhơn III” ngay sau chuyến xuyên Việt này. Bài thơ đã được in trên báo “Văn nghệ”, khép lại 28 năm thơ Văn Cao im hơi lặng tiếng.

Văn Cao và Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Như một tình cờ ngẫu nhiên, chúng tôi cùng Văn Cao tới Gò Bồi - quê mẹ Xuân Diệu. Hồi “Nhân văn - giai phẩm” trong số những người được giao nhiệm vụ “đánh bọn phản động” thì Xuân Diệu được phân công “đánh” Văn Cao tuy ông ấy đã từng là người mang bài thơ đậm chất siêu thực “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” in trên tạp chí của “Tiên Phong” cuối 1945. Mà đã “đánh” là phải “đánh” thậm tệ, nếu không, ngay lập tức người “đánh” sẽ trở thành người đứng về phía “bạn ấy”. Vậy là, Xuân Diệu đã phải “đánh” Văn Cao ra trò. Song tôi cũng biết ngay từ hồi gặp ông lần đầu, tôi đã kể cho Văn Cao rằng Xuân Diệu bênh vực bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” như thế nào khi ngồi cùng ban chung khảo. Khi bài thơ được dịch ra tiếng Nga qua bản dịch của Raiepsky và in trên tạp chí “Thế giới mới” (Nô-Vưi Miar), Xuân Diệu trân trọng mang từ Moscow về trong một chuyến công du để tặng tôi và chiêu đãi tôi một Hycongrac Nga (A- ra rát) cùng một điếu thuốc 555. Văn Cao đã phần nào “nguôi giận” chàng Xuân Diệu tóc xoăn tội nghiệp. Chính vì ngẫu nhiên trên nên ngày tang lễ Xuân Diệu cuối 1985, Văn Cao đã yêu cầu tôi “đèo” xe đạp cà tàng, đưa ông tới 51 Trần Hưng Đạo thắp hương trước linh cữu Xuân Diệu. Văn Cao đâu có ngờ 10 năm sau, cũng ở địa điểm này, Tố Hữu cũng đến thắp hương trước linh cữu ông.

Thành công nhất trong chuyến đi công tác Nghĩa Bình là Văn Cao có được bộ ba “Quy Nhơn” khác lạ khi 28 năm trước ông đã có “Những người trên cửa biển” in trên báo “Văn nghệ” rồi in sách. Sau khi rời Quy Nhơn, xe của Nghĩa Bình đưa tôi và vợ chồng Văn Cao vào lại Sài Gòn dịp kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. Lại những ngày nồng men bạn bè với Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp... Nhưng đặc biệt hơn cả là tôi đã đưa vợ chồng Văn Cao đến tận Cần Thơ. Có lẽ đây là địa điểm xa nhất Việt Nam mà bước chân Văn Cao bước tới. Nhiều năm sau, tôi định thỏa nguyện đưa Văn Cao lên Tây Nguyên nữa nhưng ông không đi được.

Cũng sau chuyến xuyên Việt lịch sử, sang năm 1986, Văn Cao yêu cầu tôi biên tập thơ ông thành một tuyển tập. Nhìn ông lôi từng cuốn sổ tay nhỏ, chữ viết li ti từ trong hốc tủ đã phủ bụi, tôi thấy mắt mình cay cay. Chính năm đó, tôi được cơ quan cho nghỉ sáng tác nên thoải mái chìm đắm trong thế giới thơ Văn Cao. Hóa ra suốt những năm dài sau vụ “Nhân văn - giai phẩm” ngoài ba tiểu phẩm “Sông tuyến” “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”, nhạc cho kịch và phim, tổ khúc giao hưởng “Anh bộ đội Cụ Hồ”, rồi hành khúc “Dưới cờ giải phóng”, “Đường dây qua bản Mèo”, hợp xướng “Hải Phòng mơ ra biển lớn”... Văn Cao còn âm thầm sáng tác thơ và tập hợp lại ở tập “Những trăng trắng”, để bây giờ những bài thơ ấy đang hiện diện trước mặt tôi.

NGUYỄN THỤY KHA