Vấn đề dữ liệu trong xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng

Thứ ba, 13/10/2020 10:49

Đồng chí NGUYỄN QUANG THANH

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

Vai trò của dữ liệu trong xây dựng thành phố thông minh

Gần 2 thập kỷ kể từ khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/10/2000 và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/3/2003 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Ngành công nghệ thông tin, cùng với công nghệ cao được xác định là 01 trong 03 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020; Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên bố trí kinh phí triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố). Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông của Đà Nẵng tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội và trở thành “công cụ lõi” trong các hoạt động quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các ứng dụng thông minh của thành phố được xây dựng, đưa vào vận hành hiệu quả, góp phần hỗ trợ việc ra quyết định, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, phục vụ an sinh xã hội, tiến đến một thành phố thông minh dựa trên nền tảng là dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

Ký kết với các đối tác thực hiện công bố Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng ngày 10/4/2019.

Đây là các chủ trương, định hướng quan trọng, tạo nền tảng và động lực cho sự hình thành và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông tại thành phố Đà Nẵng, nhờ đó trong 11 năm liên tục (từ năm 2009 đến năm 2019), thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Vietnam ICT Index); góp phần lớn vào kết quả cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của thành phố.

Xác định bưu chính, viễn thông, là hạ tầng nền tảng để phục vụ kết nối, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung tham mưu, đưa công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này ngày càng quy củ và đi vào chiều sâu, từ việc tham mưu ban hành cơ chế chính sách đến triển khai thực hiện, đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy hoạch mạng lưới trạm thu phát sóng viễn thông (BTS) trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030[1]; Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn; Quy định một số nội dung quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn thành phố, thực hiện ngầm hóa đồng bộ trong quá trình thi công, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương thí điểm ngầm hóa cáp viễn thông bằng hình thức xã hội hóa; tham mưu triển khai các trạm thu phát sóng di động ngụy trang tại các khu du lịch, khu công cộng đảm bảo chất lượng mạng 3G, 4G phục vụ người dân, du khách; hoàn thành xây dựng trạm phát sóng số truyền hình mặt đất DVB-T2 cho hai thôn Tà Lang - Giàn Bí, bảo đảm nhu cầu nghe nhìn của đồng bào dân tộc; tiếp tục triển khai hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ[2]; ban hành Đề án đổi mới hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; hoàn thành thí điểm triển khai hệ thống truyền thanh IP.  Đến nay, mạng lưới điện thoại, Internet băng rộng, truyền hình đã đến tận cấp thôn và cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng; dịch vụ bưu chính được phân bổ rộng khắp, chất lượng cao, bảo đảm phục vụ chính quyền và nhân dân. Việc triển khai ngầm hóa[3], sắp xếp cáp thông tin[4] và quy hoạch trạm BTS đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển hệ thống viễn thông bền vững, bảo đảm hạ tầng được thiết lập đa kênh và dữ liệu được thu thập từ người dân và doanh nghiêp.

Các kênh truyền thông trên địa bàn thành phố đa dạng về lọai hình, được xây dựng dựa trên nền tảng hội tụ, đặc biệt 05 cơ quan báo chí địa phương (Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước và Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng), 112 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt tòa soạn, đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú với khoảng 850 phóng viên; thành phố có khoảng 8.000 trang thông tin điện tử, 2.200.000 tài khoản mạng xã hội (850 ngàn tài khoản Facebook, 650 ngàn tài khoản Zalo, 350 ngàn tải khoản Youtube, 270 ngàn tài khoản Twiter), trong đó có 10 trang Facebook có số lượng trên 100 ngàn thành viên. Trung bình hằng năm có khoảng có trên 7 triệu thông tin đề cập đến thành phố, trong đó có 98% đến từ mạng xã hội với gần 10 tỷ lượt tiếp cận; với số lượng các cơ quan truyền thông, các trang thông tin điện tử của các tổ chức nhiều và tài khoản sử dụng mạng xã hội có tỷ lệ cao đã tạo ra hệ sinh thái cho thành phố thông minh mà nền tảng là dữ liệu được phản ánh thu thập qua các kênh truyền thông.

Khác với các địa phương khác, công nghệ thông tin của Đà Nẵng lấy ứng dụng làm nền tảng để phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin, mối quan hệ này là gắn bó hữu cơ tạo đồng lực để Ngành thông tin và truyền thông thành phố Đà Nẵng có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông năm 2019 đạt 30.050 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, tăng 14% so với năm 2018. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông đóng góp khoảng 5% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng.

Trên quan điểm xác định công nghệ thông tin - truyền thông được xem là động lực quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế theo xu hướng kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Việc ứng dụng các Công nghệ là để tiếp cận phương thức làm việc từ truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số, trong đó Dữ liệu có vai trò quyết định xác định những thách thức mới để có những kịch bản đối phó nhằm tạo ra giá trị mới. Về bản chất Dữ liệu có 3 thuộc tính cơ bản:

- Tốc độ tăng nhanh (Velocity).

- Đa dạng về cấu trúc (Variety)

- Khối lượng lớn (Volume).

Do vậy, để Dữ liệu đóng vai trò là nền tảng để trong việc hỗ trợ ra quyết định cần dựa trên 3 thành phần: Hạ tầng, Kết nối, Thông minh, đây là 3 trục chính được chú trọng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh theo hình 1, trong đó:

Hình 1: Các thành phần của đô thị thông minh

+ Hạ tầng: Bảo đảm công tác để dữ liệu được lưu trữ, tìm kiếm, an toàn trong quá trình phân tích, khai thác.

+ Kết nối: Bảo đảm Dữ liệu được thu thập, xây dựng, chia sẻ từ các Hệ thống thông tin được liên kết thông qua mạng Viễn thông để xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu chung.

+ Thông minh: Dựa trên các kỹ thuật: Tìm kiếm; thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu dữ liệu lớn, kỹ thuật nhận dạng (trí tuệ nhân tạo, máy học…) cung cấp các dịch vụ dữ liệu dựa trên kho dữ liệu nhằm hỗ trợ ra quyết định cho tổ chức công dân.

Tình hình xây dựng thành phố thông minh

Từ những năm 2000, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử, quá trình triển khai được tiếp cận tổng thể theo khung kiến trúc, đồng bộ trên 04 trụ cột: chính sách, hạ tầng, ứng dụng và nhân lực; phục vụ hoạt động quản lý của bộ máy hành chính thành phố và cung cấp dịch vụ hành chính công cho các tổ chức, công dân. Xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử đã được triển khai dựa trên Hạ tầng, Dữ liệu, Dịch vụ với nguyên tắc “Một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của Dữ liệu là nền tảng chính được mô tả theo hình 2.

Hình 2: Mô hình tương tác giữa Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh.

Với quan điểm chủ đạo “Thành phố thông minh là mô hình quản lý đô thị, trong đó công nghệ thông tin - truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý”, từ năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt “Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn”. Trên cơ sở đó, từ năm 2014 đến nay thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu (Viettel, VNPT, FPT, MICROSOFT, Intel,…) triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực chuyên ngành.

Lĩnh vực giao thông

- Xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% xe buýt (gần 200 xe), 100% xe taxi (gần 2.000 xe).

- Triển khai Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, đến nay đã lắp đặt trên 166 nút tín hiệu điều khiển giao thông thông minh tại các nút giao thông.

- Triển khai Hệ thống giám sát giao thông bằng camera thông minh và tổ chức xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát (lắp đặt gần 180 camera; đang triển khai mở rộng hệ thống giám sát giao thông bằng camera thông minh lên trên 300 điểm. Bắt đầu phân tích dữ liệu qua camera để giám sát phục vụ quản lý đô thị, đỗ đậu xe, buôn bán trên vỉa hè sai quy định.

- Triển khai thí điểm ứng dụng thu phí đỗ xe trực tuyến trên đường Bạch Đằng, Trần Phú.       

Lĩnh vực an ninh trật tự và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn

- Triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, đến nay thành phố đã đầu tư khoảng 1.800 camera chuyên dụng. Đồng thời, hệ thống cũng được kết nối với 25.000 camera do người dân và doanh nghiệp trang bị.

- Thử nghiệm hệ thống camera giám sát tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang để phát hiện, quản lý thuyền ra/vào tại Âu thuyền. Thí điểm ứng dụng phát hiện và cảnh báo cháy rừng.   

Lĩnh vực cấp nước

- Triển khai hệ thống SCADA nhằm giám sát lưu lượng, áp lực nước thông qua các thiết bị cảm biến theo dõi, giám sát tự động các yếu tố như mực nước, tốc độ dòng chảy, áp suất và chất lượng nước; thu thập và xử lý dữ liệu, đưa ra báo cáo, cảnh báo phù hợp.

- Triển khai hệ thống kiểm soát trực tuyến chất lượng nước của nguồn nước mặt thô (nước đầu vào), nước sau xử lý và nước đưa vào mạng lưới cung cấp cho khách hàng; các chỉ tiêu về độ đục, PH, độ mặn... được kiểm soát liên tục, tự động.

Lĩnh vực môi trường

- Triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc tự động, liên tục tại 06/11 trạm xử lý nước thải (04/06 Khu công nghiệp và 02/05 trạm xử lý nước thải sinh hoạt); 01 trạm quan trắc môi trường nước tự động trên sông Cầu Đỏ và một số đơn vị hoạt động sản xuất có công suất xả nước thải >1.000m3/ngày đêm; 01 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí (Air Quanlity Index-AQI) đạt yêu cầu và đáp ứng tiêu chí Đề án thành phố môi trường (AQI từ 61,20 đến 74,77/năm); - Hệ thống quan trắc môi trường không khí (sản phẩm của Trung tâm Vi mạch thuộc Sở Thông tin và Truyền thông), bao gồm 16 chỉ số đo, lắp đặt tại Trung tâm hành chính thành phố.

- Triển khai Hệ thống giám sát môi trường nước (sản phẩm của Trung tâm Vi mạch - Sở Thông tin và Truyền thông) tại 05/10 hồ của thành phố, theo dõi các chỉ số chất lượng nước để phát hiện và cảnh báo sớm, xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng môi trường.

Các trạm quan trắc này chuyển về nền tảng dữ liệu quan trắc tại địa chỉ quantracnuoc.centic.vn để người dân theo dõi giám sát theo hình 3.

Hình 3: Nền tảng phục vụ cho dữ liệu quan trắc.

Lĩnh vực cấp điện

- Về lĩnh vực lưới điện thông minh: Thành phố Đà Nẵng được cung cấp điện 100% từ nguồn điện lưới quốc gia, chưa có nhà máy điện tái tạo (mặt trời, gió, từ rác thải). Hiện nay, EVN đã triển khai hệ thống giám sát, điều khiển, thu thập dữ liệu (SCADA) cho các trạm biến áp, trạm trung gian, cầu giao cách ly cho lưới điện; 100% trạm biến áp 110kV, 22kV, 0.4kV được triển khai đo và thu thập dữ liệu từ xa; thay thế 100% công tơ khách hàng cá nhân bằng điện tử để đọc chỉ số từ xa, qua Trung tâm điều khiển tập trung.

- Về lĩnh vực chiếu sáng công cộng: Thành phố đã hình thành Trung tâm giám sát tập trung điện chiếu sáng công cộng; thí điểm giám sát tủ phân phối nguồn khu vực quận Hải Châu và đang triển khai thay thế đèn LED tại 19 tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm

- Xây dựng Cổng thông tin an toàn thực phẩm, công khai các thông tin, dữ liệu về an toàn thực phẩm tại địa chỉ antoanthucpham.danang.gov.vn.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm để các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện sử dụng chung, phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ người dân tra cứu các nhà hàng, quán ăn đường phố, cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất đạt chuẩn an toàn thực phẩm (qua tin nhắn SMS, qua Zalo, qua tổng đài điện thoại 1022). Đang triển khai thí điểm tra cứu nguồn gốc thực phẩm bán tại chợ Hàn qua QR Code.

Lĩnh vực giáo dục

Xây dựng, ban hành Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo và triển khai Phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong cả thành phố, hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố.

Lĩnh vực y tế

Xây dựng, ban hành Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế; triển khai ứng dụng Y tế xã phường điện tử tại 100% xã, phường; ứng dụng quản lý bệnh viện điện tử tại 16/16 Trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Triển khai ứng dụng Hồ sơ Y tế điện tử và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Hệ thống hồ sơ y tế điện tử hiện có 1.225.831 dữ liệu người dân, trong đó, 563.329 hồ sơ đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe.

Trên cơ sở kết quả đạt được từ quá trình xây dựng chính quyền điện tử và thí điểm ứng dụng thông minh, để tiếp tục định hướng triển khai xây dựng thành phố thông minh đồng bộ, tương thích, tiết kiệm, hiệu quả, năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại Đà Nẵng và Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Theo đó, lộ trình triển khai thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng theo 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn đến 2020: Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; (2) Giai đoạn đến 2025: Thông minh hóa các ứng dụng; (3) Giai đoạn đến 2030: Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng.

Thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm

Thuận lợi

Việc triển khai Thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua có những thuận lợi chính như sau:

a) Lãnh đạo Thành phố có quyết tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, Ban Chỉ đạo thành phố thông minh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai. Sự đồng thuận tham gia từ lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn Thành phố.

b) Các cơ chế, chính sách để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật; đặc biệt là các văn bản của Trung ương như: Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng đô thị thông minh và phát triển lĩnh vực mũi nhọn Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; và các Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần XXI, nhiệm kỳ 2016-2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong từng giai đoạn đã xây dựng những bộ tài liệu mang tính chất khung bảo đảm định hướng về mô hình, quy trình, công nghệ để phát triển: Kiến trúc chính quyền điện tử, Kiến trúc thành phố thông minh.

c) Kết quả và kinh nghiệm có được trong triển khai thí điểm thí điểm các ứng dụng thông minh trong thời gian qua; đồng thời sự sẵn sàng của các công nghệ (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, internet vạn vật…) là cơ hội cho để Thành phố Đà Nẵng triển khai thành phố thông minh ở thời điểm hiện tại. 

d) Nguồn nhân lực công nghệ thông tin để quản lý trong các cơ quan nhà nước; đội ngũ kỹ thuật để bảo đảm vận hành và xây dựng được lực lượng chuyên gia để tư vấn, phản biện bảo đảm cho công tác chọn lựa các công nghệ, giải pháp; tham mưu cho lãnh đạo thành phố; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.

đ) Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số đã có những giải pháp của địa phương, trong nước ứng dụng các công nghệ nhận dạng, máy học, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu,... tạo ra sự tự tin cần thiết trong việc chủ động về công nghệ để tiếp tục phát triển tốt hơn trong thời gian đến. Người dân và doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng có kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin khá cao (tỷ lệ thuê bao di động, Internet cao; 98,0% hộ gia đình có máy tính, 97,9% hộ gia đình kết nối Internet; 100% doang nghiệp kết nối Internet).

e) Nguồn kinh phí đầu tư được da dạng hóa và được bổ sung từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp , tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông (IBM, Intel, VNPT, Viettel, FPT,...), nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tài trợ Vietinbank, World Bank, KOICA…, nguồn vốn ngân sách nhà nước được quan tâm để hợp tác triển khai.

g) Sự tham gia của cộng đồng xã hội ủng hộ việc triển khai các hệ thống công nghệ thông tin - truyền thông để bảo đảm việc giám sát tình hình an ninh trật tư tại các khu dân cư; người dân tự giác đăng ký các tài khoản công dân điện tử; tham gia góp ý, phản ánh các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử...

Khó khăn, tồn tại

Cùng với những thuận lợi đã được đề cập, báo cáo, việc Đà Nẵng triển khai thí điểm các ứng dụng liên quan đến thành phố thông minh và xây dựng khung kiến trúc đã nhận diện được một số khó khăn như sau:

a) Thành phố thông minh dựa trên Dữ liệu là ý tưởng của các quốc gia phát triển; các giải pháp, sản phẩm này phù hợp với các nước có nền kinh tế cao, Việt Nam có quy mô kinh tế thấp; Đà Nẵng có thu nhập bình quân đầu người chưa cao, việc lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư, và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện,... để bảo đảm hiệu quả là Bài toán khó.

b) Dữ liệu phải bảo đảm tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai thành phố thông minh, cần có sự kết nối giữa các sở ngành quận huyện; sự chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương; sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để Hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình; hệ thống không bị "bỏ đói"; đây là vấn đề hết sức khó khăn khi xây dựng và vận hành hệ thống; đặc biệt đối với thành phố thông minh, đây là yêu cầu hết sức quan trọng bảo đảm tính xuyên suốt "Thu thập -> Lưu trữ -> Xử lý -> Ra quyết định".

c) Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn Dữ liệu chưa được chuẩn hóa trên các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Giao thông, Môi trường,…; các địa phương phụ thuộc quá nhiều và khoán trắng các đối tác tư vấn, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau, không có độ đo chung.

d) Chính sách thiếu nhất quán trong việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước của từng ngành chưa hỗ trợ cho sự áp dụng Công nghệ, cơ chế Sandbox chưa được thừa nhận để hỗ trợ cho việc thí điểm, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, ảnh hưởng đến việc trao đổi dữ liệu, thiếu đồng bộ, làm chậm quá trình xây dựng Dữ liệu để phát triển thành phố thông minh.

đ) Việc triển khai thành phố thông minh cần nguồn kinh phí khá lớn và lâu dài và chưa tạo ra được môi trường tham gia của các doanh nghiệp để có nguồn đầu tư thích hợp do bị ràng buộc theo các định chế trong đầu tư và các hướng dẫn “Công - Tư hợp tác” trên lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

e) Hạ tầng Dữ liệu của thành phố phụ thuộc Bộ, ngành Trung ương; cơ sở dữ liệu chuyên ngành (tài nguyên, môi trường, giao thông, xây dựng, an ninh) theo cơ chế "xin, cho"; các dữ liệu của địa phương còn cát cứ, rời rạc thiếu cơ chế chia sẻ, cập nhật. 

f) Dữ liệu có vai trò quyết định là linh hồn để thông minh hóa, qua thí điểm, cho thấy nguồn nhân lực dành cho xây dựng, quản lý và phân tích dữ liệu…, đòi hỏi trình độ cao, chuyên môn hẹp. Nhân lực này đang được các Doanh nghiệp mời gọi cạnh tranh, việc thu hút nguồn nhân lực này hết sức khó khan nên các lĩnh vực như Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, môi trường... nhân lực chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận, vận hành hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

g) Công tác truyền thông về Dịch vụ thông minh chưa đạt hiệu quả; việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa được rộng rãi, thói quen tương tác với các Hệ thống như phản ánh hiện trường, dịch vụ công trực tuyến,… của người dân chưa đồng đều nền tảng để tạo ra dữ liệu.

Bài học kinh nghiệm

- Lãnh đạo, tầm nhìn và sự cam kết thông qua chính sách là yếu tố quyết định, trong từng giai đoạn các chính sách được ban hành kịp thời bảo đảm sự quyết tâm và thành công.

- Liên kết và đồng thuận, Đà Nẵng có sự phối hợp tốt của các cơ quan chuyên ngành trong việc triển khai các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố liên quan đến việc xây dựng chính phủ điện tử thành phố thông minh, sự tham mưu của sở chuyên ngành; sự trao đổi, phản biện của cơ quan xây dựng mô hình tổ chức là Sở Nội vụ; sự phối hợp triển khai của các sở ngành đã tạo lập, chia sẻ các Dữ liệu chuyên ngành.

- Bên cạnh nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính cũng đóng vai trò quan trọng và là một trong bốn trụ cột của thành phố thông minh, việc tìm kiếm nguồn đầu tư từ các đối tác là doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) tạo nên tính đa dạng góp phần đạt được sự cân bằng giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà cung cấp giải pháp, không ngừng cải thiện cuộc sống và tạo ra các cơ hội mới.

- Việc xây dựng thành phố thông minh là quá trình lâu dài: Khung kiến trúc tổng thể là mô hình để định hướng; lộ trình là để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của thành phố; đa đối tác tạo nên sự đồng hành của cộng đồng tránh được “dò đá qua sông”, “trăm hoa đua nở”, “bị bắt làm con tin”, hạn chế thấp nhất rủi ro trong triển khai.

Định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu

- Xác định hạ tầng dữ liệu là khung để phát triển thành phố thông minh bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ dùng chung, phân tích dữ liệu lớn và hình thành dữ liệu mở phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo đảm:

Nguyên tắc 1: Cơ sở dữ liệu nền tảng

Nguyên tắc 2: Phân chia trách nhiệm quản lý dữ liệu

Nguyên tắc 3: Tập trung hóa và chia sẻ dữ liệu

- Hoàn thiện, chuẩn hóa các Cơ sở dữ liệu nền (Cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai); hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện.

Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh phục vụ việc theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông.

- Phát triển hạ tầng dữ liệu: Không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS).

- Hoàn thành xây dựng, chuẩn hóa, đồng bộ đầy đủ dữ liệu và đưa vào sử dụng hệ thống học bạ điện tử và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.

+ Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố trên cơ sở tích hợp các Cơ sở dữ liệu nền, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác phân tích dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu lớn phục vụ cho công tác dự báo.

+ Đề xuất các chính sách để cung cấp dữ liệu số như là dịch vụ, đặc biệt là các dữ liệu mở, bảo đảm tính công khai, minh bạch về thông tin của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp, ưu tiên các dữ liệu mở trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, đầu tư công, thuế, hải quan, tư pháp.

N.Q.T


[1] Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.568 trạm BTS.

[2] Quyết định số số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[3] Đã ngầm hóa 04 tuyến nội thi (Lê Duẩn, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ), đang triển khai ngầm hóa 06 tuyến nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Lý Thái Tổ).

[4] Sắp xếp, chỉnh trang hơn 500 đoạn, tuyến đường, khu vực với tổng chiều dài khoảng 300 km.