Văn hóa đình làng của người Việt

Thứ sáu, 21/01/2022 10:00

Lễ hội Đình làng Túy Loan (Đà Nẵng).

Không có những khu đền đài, miếu mạo đồ sộ, mọi thứ đều có vóc dáng không lớn, hình dáng mộc mạc, rất khiêm nhường, còn con người Việt thì rất hiếu khách và khoan dung, chính những cái vẻ chân thật, đơn sơ của văn hóa Việt Nam đã hấp dẫn, lôi cuốn các du khách thập phương. Họ bước đầu biết rằng bên dưới cái vẻ giản dị ấy tiềm ẩn một đời sống nội tâm giàu có, một cách sống hài hòa hai quan điểm hết sức nổi tiếng của người Việt Nam là: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước”.

Trước hết, người Việt Nam luôn muốn hòa quyện vào thiên nhiên. Con người, làng xóm và đền đài, tất cả đều gắn bó và trở thành bộ phận hữu cơ của một quần thể, trong đó có cả thiên nhiên có sẵn cũng được sử dụng, cùng tham gia như những thành tố của sáng tạo mỹ thuật. Bên cạnh những tháp Chăm nổi tiếng mang nhiều yếu tố văn hóa Ấn, hay nhà thờ Thiên chúa giáo mang yếu tố gô-tíc của Châu Âu, hầu hết những đình, chùa, làng, xã của người Việt đều ẩn mình dưới những vòm cây cao, những cây đa cổ thụ, những cây si lâu đời và những hàng phượng vĩ đỏ rực. Các đình chùa ấy không có bề ngoài hấp dẫn để đập ngay vào mắt du khách những ấn tượng mạnh, những ấn tượng mang tính bất ngờ. Những ấn tượng đó sẽ đến dần dần, từ từ mỗi thứ một chút, mỗi thứ một ít, mỗi nơi một tí, để hình thành trong suy nghĩ của du khách một vị riêng ngọt ngào, dễ gần nhưng lại sâu lắng rất khó quên “Người ơi! Người ở đừng về”. Để hiểu một cái đình làng, đầu tiên ta thường đi tìm bố cục, dáng vẻ kiến trúc, mô típ trang trí của chính tòa nhà được dùng làm cái đình.

Song, chúng ta cũng chú ý thêm đến cách trồng cây, đến các lối đi, đến các ao tròn hay hình bán nguyệt trước cửa đình, đến cái sân đình vuông ở giữa có cái sới vật hình tròn, thì chúng ta sẽ thấy cái đình không chỉ và không phải trước hết là một tòa kiến trúc, mà chính là một biểu hiện, biểu hiện Thiên - Địa - Nhân. Hay nói cách khác đó là biểu hiện của bầu trời rộng lớn, trái đất và con người, biểu hiện một vũ trụ bao la huyền diệu.
Và dần dần du khách sẽ hiểu ra rằng cái đình là một trung tâm hàm chứa những biểu hiện của vũ trụ quan Việt Nam. Bởi vì những cái đình nói chung, cái ao, cái sới vật nói riêng, không những chỉ tồn tại ở đó với chức năng riêng của chúng, mà chúng còn biểu hiện cho cả bầu trời, lục địa, đại dương và con người, chúng thể hiện nguyện vọng muốn bao quát vũ trụ bao la hay nói một cách hẹp hơn, muốn là bạn với thiên nhiên của người Việt Nam. Chưa hết, vào những ngày làng mở hội, thì những vật thể ấy lại được có thêm sức sống, sức sống của những con người. Sân đình lúc ấy trở thành một không gian thiêng liêng. Cái ao sẽ là nơi lấy nước để tắm cho các tượng thần với ngụ ý cầu mưa. Còn cái sới vật thì sôi nổi ồn ào bởi những cuộc tranh tài của các võ sĩ. Ngoài cửa đình sẽ có lá cờ hội năm màu cầu vồng, bên rìa hình vuông của cờ có hình răng cưa. Lá cờ được xem là biểu hiện của mặt trời, các răng cưa là các tia và năm màu là phổ biến quang của ánh sáng trắng, một biểu hiện về nguyện vọng muốn “thâu tóm” cả cho năng lượng sự sống của con người Việt Nam.

Các vị cao niên đến dự Lễ hội Đình làng Túy Loan.

Về thời gian cũng vậy, người Việt từ lâu đã nhận thức được những khoảnh khắc của nó, quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng chia ra như vậy không phải để cắt chúng thành ba mảnh riêng biệt. Mà ngược lại, người Việt Nam luôn cho rằng, quá khứ bao giờ cũng có mặt trong hiện tại và vì thế quá khứ cũng sẽ có mặt luôn trong tương lai. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta không lùi xa về quá khứ sâu thẳm và mờ mịt với lớp bụi dày đặc của thời gian. Ngược lại, lịch sử đó có mặt trong đời sống hiện tại, cùng với lớp người hôm nay tạo dựng thành làng xóm, gia đình, con người, xã hội. Do vậy, tổ tiên của người Việt không trở thành thiên cổ. Trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên, và cùng chung một ngày giỗ Tổ (mồng 10 tháng ba) nơi người sống mời tổ tiên về trong những ngày giỗ, ngày lễ, ngày Tết. Bởi thế, người chết hằng năm vẫn trở về cùng với con cháu, hay nói một cách đúng hơn, con cháu vẫn luôn nhớ đến tổ tiên của mình, làm cho truyền thống dòng họ, làng xóm thêm dày dặn, thêm đầy đặn chất cội nguồn.

Nhiều họ làng nào ở nước ta cũng có gia phả, một cuốn lịch sử gia đình đơn giản, ngắn gọn, chính xác và gần gũi vô cùng. Chính vì thế, người Việt nào cũng có gốc tích họ hàng, mặc dù ở phương trời xa cách Tổ quốc hàng nghìn cây số, tổ tiên họ đã ở nơi đất khách quê người hàng chục đời, nhưng hàng năm họ vẫn miệt mài ghi chép gia phả và khi cần họ vẫn biết phải về đâu để thăm lại họ hàng, làng xóm quê hương. Cũng bởi vì thế, sức mạnh của hiện đại bao gồm cả năng lượng của toàn bộ quá khứ, bởi chính vì vậy nên bao giờ tương lai cũng được bảo đảm rằng nó sẽ được tiếp nối hiện tại với quá khứ. Chính cái đình là cái bàn thờ chung của cả làng. Trong dạng vật thể, nó là nơi quy tập các miền không gian của vũ trụ, trái đất và con người. Trong dạng tâm linh, đó là nơi hội nhập của quá khứ vào hiện tại với sự chiêm ngưỡng của các thế hệ đang đến của tương lai. Như vậy, cái đình làng đâu chỉ là một vật thể kiến trúc đơn thuần của người Việt. Hơn thế nhiều, cái đình là cái nhìn triết học của nhà nông và của con người Việt Nam về con người đặt trong các mối liên quan về vật chất và tinh thần của nó với sinh thái thiên nhiên, sinh thái xã hội, sinh thái văn hóa.

Chỉ nói qua về cái đình đã có thể làm cho du khách ngần ngại vì con đường vào văn hóa Việt Nam không dễ như người ta vẫn tưởng. Nhưng thật ra nó không quá khó khăn như một số người thường nghĩ. Người Việt thường hay cởi mở với khách và cũng rất hiếu khách. Câu chuyện về cái đình chỉ là một ví dụ nhỏ để nói về một cách nhìn, một cách tiếp cận, một cách giao tiếp trực tiếp với văn hóa Việt Nam. Tuy đơn sơ nhưng cũng rất sâu đậm đến một cách đáng kinh ngạc, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa ở làng quê của Việt Nam là như thế đó.

TRẦN CAO ANH