Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Văn hóa giao thông bắt đầu từ cảnh sát giao thông

Thứ ba, 07/10/2014 10:05

(Cadn.com.vn) - Với sự nổi bật về trang phục cũng như các địa điểm thực thi công vụ, CSGT đôi lúc được xem như là mặt tiền của lực lượng Cảnh sát nói chung. Và cũng vì thế, nhất cử nhất động của những người hàng ngày "bám đường" thường xuyên đập vào mắt nhân dân.

Đó là một cái khó! Vì nếu họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì coi như là chuyện đương nhiên, nhưng chỉ một vài hành vi hơi khác, cho dù là đúng điều lệnh của ngành, cũng sẽ được đưa ra "soi" trong dư luận, thậm chí là lên mặt báo với không mấy thiện cảm. Nhưng đã là CSGT, thì phải làm chủ được áp lực trăm tai, nghìn mắt của dư luận. Và hơn thế, phải đạt được giới hạn là "lạnh" khi người ta "nóng" và "tỉnh" khi người ta "say".

Cách ứng xử chuyên nghiệp của người CSGT góp phần tạo nên văn hóa giao thông. Trong ảnh: CSGT phân tích lỗi cho người vi phạm khi lập biên bản xử lý. 

Người ta "nóng", mình phải "lạnh"

Gần đây, người dân thành phố Đà Nẵng và du khách khắp mọi miền đất nước vẫn dùng từ "kỳ lạ" khi kể về một vài câu chuyện của CSGT Đà Nẵng. Đại loại như nếu phát hiện người tham gia giao thông đi ngược chiều thì ra hiệu dừng phương tiện, xem biển số và... nghe giọng nói. Nếu là người ngoại tỉnh, chưa nắm rõ các tuyến đường một chiều thì lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng dành ít phút để lưu ý, sau đó nhắc nhở và... tha bổng!

Nhiều người đã nói rằng, sự "xí xóa" này còn nhớ đời hơn là việc thẳng tay xử phạt. Rồi chuyện anh CSGT "hồi sức" cho người say rượu, đưa họ về bàn giao cho người nhà trước khi xử lý theo luật. Chuyện nữ cảnh sát sáng nào cũng chờ đón một cụ già ở ngã tư để đưa bà qua đường đi tập thể dục... Những câu chuyện đó góp phần tạo nên hình ảnh người chiến sĩ CSGT thân thiện ở thành phố thân thiện. Nhưng thực sự, đó là kết quả của một quá trình rèn luyện, tu dưỡng cả về nghiệp vụ cũng như kỹ năng thực hành nó ở hiện trường.

Theo Thiếu tá Phạm Hồng Hải - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT CATP Đà Nẵng, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nên ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao. Tuy vậy, trong thực tiễn công tác, lực lượng làm nhiệm vụ cũng thỉnh thoảng đối mặt với các tình huống mà những người vi phạm cố tình cản trở, chống lệnh hoặc sẵn sàng "ăn thua".

Ở những tình huống bốc hỏa, không chỉ cự cãi, đôi co với CSGT mà người vi phạm còn cố tình tạo tình huống giằng co để những người hiếu kỳ để ý, gây hiểu nhầm, tạo áp lực. "Nếu không tỉnh táo, người chiến sĩ CSGT không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng. Điều cần thiết nhất trong những tình huống như vậy là phải tỉnh táo, mềm dẻo nhưng cương quyết. Vừa phân tích cho người vi phạm biết đúng sai đồng thời biến nó thành bài học cho tất cả những người chứng kiến", thiếu tá Phạm Hồng Hải tâm sự.

Rất nhiều người dù đã sử dụng bia rượu nhưng cứ "chối đây đẩy" khi được yêu cầu đo nồng độ cồn. Trong ảnh: CSGT CATP Đà Nẵng giải thích cho người điều khiển phương tiện trước khi thực hiện đo nồng độ cồn.

Họ say, CSGT càng phải tỉnh

Ở thành phố từng được mệnh danh là đứng "đầu bảng" của cả nước về quán nhậu thì việc xử lý các tình huống người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong khí thở quá mức cho phép cũng lắm bi hài. Một điều rất ngược đời là những người nhậu say thường lè nhè tuyên bố hùng hồn là mình rất tỉnh. Và lúc đó, họ không ý thức được rằng việc tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà còn trở thành mối họa cho người khác.

Nhiều ma men tâm sự rằng, sáng ra tỉnh dậy không biết vì sao mình đi qua được mấy cái ngã tư, vì sao mình về tới nhà, thậm chí là dắt xe vào nhà nữa. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra, đo nồng độ cồn hàng nghìn trường hợp những người có dấu hiệu sử dụng nhiều bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó đã lập biên bản xử lý 152 trường hợp sau khi kết quả cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của họ vượt quá ngưỡng rất lớn.

Theo thiếu tá Phạm Hồng Hải, do nồng độ cồn là hoạt động mang tính đặc thù, chính vì vậy lực lượng làm nhiệm vụ phải tổ chức một cách hợp lý, hợp tình và nghiên cứu nhiều về tính chất vi phạm. Vì hầu hết những người điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp này không hoàn toàn tỉnh táo, nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn, xô xát. "Nhiều người chúng tôi mới ra hiệu lệnh dừng xe là họ lập tức phản ứng. Có người thở ra nồng nặc mùi bia rượu, đi không vững nhưng cứ khăng khăng là không say. Thậm chí, nhiều trường hợp, anh em phải đưa về trụ sở, bố trí cho họ nằm nghỉ, theo dõi tình hình sức khỏe và liên lạc gia đình để đưa về nhà, hôm sau tỉnh táo mới mời lên làm việc", thiếu tá Hải cho hay.

Theo tâm sự của những CSGT đã từng làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn, điều cần thiết là phải tỉnh táo để tránh bị ức chế mỗi khi người vi phạm không làm chủ được hành vi. Người nào còn có thể giải thích, tuyên truyền thì phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng, thiện chí để hợp tác. Người nào đã "nặng đô" thì lực lượng làm nhiệm vụ phải quan tâm đến an toàn sức khỏe của họ trước, sau đó mới xử lý nguội. Nhiều người khi tỉnh táo lại đã vui vẻ cảm ơn!

Trong thời gian qua, trên lĩnh vực TTATGT, tình trạng cản trở hoặc chống người thi hành công vụ tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt. Một phần do ý thức chấp hành giao thông của người dân thành phố ngày càng được nâng cao. Về mặt chủ quan, đó là thái độ ứng xử chuyên nghiệp, thân thiện của lực lượng thực thi nhiệm vụ. "Để có văn hóa giao thông thì trước hết bản thân lực lượng CSGT phải ứng xử một cách có văn hóa. Nếu làm được điều này, tự nhiên sẽ kéo gần khoảng cách và nhận được sự cộng tác của người dân", Thiếu tá Phạm Hồng Hải khẳng định.

Bảo Nam