Vẫn luôn là học trò của các thầy cô Nga

Thứ ba, 07/11/2017 11:10

Những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga,  Đại tá, cựu chiến binh Lâm Quang Minh (ở 47-Thanh Long, Đà Nẵng) luôn dìu dặt những ca khúc xứ bạch dương. Khi thấy khách ngạc nhiên, ông hãnh diện giới thiệu về hai cặp đôi con gái và rể của mình đều trưởng thành từ nước Nga. Cặp đôi có nhiều kỷ niệm về xứ sở bạch dương nhiều hơn cả chính là vợ chồng chị Lâm Thị Minh Hạnh và anh Phạm Hữu Nghị, hiện sống ở Hà Nội.

Thầy cô giáo cũ trường Kisinhốp du xuân cùng cựu sinh viên Việt Nam.

Yêu và lấy nhau khi là du học sinh Trường Đại học Tổng hợp Kisinhốp, mang bầu con trai tên Phạm Xô Việt cũng bên đó nhưng chị Hạnh, nguyên Vụ phó Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không kể nhiều về tình yêu lãng mạn của mình mà tự hào về lòng tri ân của lưu học sinh Việt Nam với các thầy cô giáo Nga. Với các du học sinh Việt Nam học ở Moldavia không ai không biết đến chuyện Bác Hồ từng đến nơi này. Đó là năm 1962, trong chuyến thăm nước Cộng hòa XHCN Xô Viết Moldavia, Bác nhận thấy xứ sở đầy nắng ấm với những tấm lòng nhân hậu và có một nền khoa học nông nghiệp phát triển mạnh mẽ là nơi rất phù hợp để đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật. Bác đã đề nghị chính phủ Liên Xô cho phép sinh viên Việt Nam được sang học tập. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm (1962-2013), đã có 616 sinh viên và 45 nghiên cứu sinh tốt nghiệp các khoa: Sinh vật - Thổ nhưỡng, Hóa, Vật lý, Toán, Luật, Kinh tế. Đó là chưa kể hàng trăm sinh viên học tiếng Nga tại khoa Dự bị đại học. Trường đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Các sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã có nhiều đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với 11 giáo sư, 44 phó giáo sư, 14 tiến sĩ khoa học, 145 tiến sĩ, 1 giải thưởng Nhân tài Đất Việt, 1 Giải thưởng Kovalevskaia, 2 đồng tác giả giải thưởng Hồ Chí Minh… Nhiều người là lãnh đạo đầu ngành các bộ hay các doanh nhân nổi tiếng trên thương trường hiện nay.

Chị Hạnh rạng rỡ khi nhắc đến các mốc đầy ý nghĩa: "Năm 2010, Hội những người Việt Nam tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Kisinhốp (gọi tắt là Hội KGU) chính thức ra đời với mục đích gặp gỡ, giao lưu và tri ân các thầy cô năm trước. Bản thân tôi đã 3 lần qua lại trường cũ cùng với gia đình. Có lẽ đây là nơi duy nhất có đông du học sinh Việt Nam qua thăm lại trường với con số lên đến gần 100 người. Như những cánh chim bay đi khắp bốn phương trời, người KGU, dù ở đâu, dù đang làm gì, lúc nào cũng nhớ về ngôi nhà chung của mình - Hội KGU với những tình cảm tốt đẹp và trân trọng nhất".

Chị Hạnh và con gái đến thăm thầy cô cũ ở Moldavia.

Để nối lại liên lạc với trường thuận lợi như hiện nay là cả quá trình. May mắn là lớp có hai vợ chồng doanh nhân Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Sĩ Trung Kỳ lập nghiệp và thành đạt tại Moldavia. Cả hai đã thực sự là cầu nối giữa trường và hội sinh viên. Năm 2011, lần đầu tiên nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường Kisinhốp, 35 cựu học sinh Việt Nam đã sang dự lễ. Năm 2016, kỷ niệm 70 năm, số người qua dự đã tăng lên gấp đôi. Khi chứng kiến cảnh này, thầy hiệu trưởng trường Kisinhốp đã vô cùng xúc động, nói: "Trường có rất nhiều sinh viên từ các nước đến học tập, nhưng không ai tình nghĩa như sinh viên Việt Nam". Cũng tại buổi lễ, bài phát biểu của đại diện các cựu học sinh đã làm cả hội trường dạt dào cảm xúc khi khẳng định rằng, trên thế giới nhiều thứ thay đổi nhưng tình cảm của lưu học sinh Việt Nam với thầy cô là không bao giờ đổi thay. Moldavia đã trở thành quê hương thứ hai của các sinh viên, nơi ươm mầm kiến thức khoa học để từ đó nảy nở thành công trên nhiều lĩnh vực.

Tạo dựng một quỹ hội phong phú dồi dào để có thể làm được các việc lớn là tâm nguyện của các cựu sinh viên. Ai cũng vui vẻ đóng góp bằng khả năng của mình mà không câu nệ. Nhiều doanh nhân đóng góp cả trăm triệu đồng với mong muốn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho các thầy cô và hoạt động của Hội. Trong các lần qua thăm, việc quan trọng nhất ngoài dự lễ, các cựu sinh viên dành nhiều thời gian thăm thầy cô giáo cũ; góp tiền xây mộ người đã mất; giúp đỡ các thầy cô già yếu, neo đơn. Đặc biệt là vận động và mời bằng được họ sang thăm Việt Nam. Vậy là từ năm 2011 đến nay đã có 18 thầy cô cùng gia đình sang Việt Nam thăm học trò cũ. Hội KGU lo toàn bộ chi phí. Những buổi đón tiếp luôn tổ chức long trọng với hàng trăm cựu sinh viên tham gia. Có thầy đã trên 80 tuổi vẫn vui vẻ nhận lời và chu du khắp nơi với sự trợ giúp của các trò mà không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.

Chị Minh Hạnh kể đầy háo hức 2 lần cùng các bạn tháp tùng thầy cô tham quan dọc dài đất nước, ra đến tận đảo Phú Quốc. Có lần đi đến nửa tháng. Nhìn các thầy cô vui, các anh chị vô cùng mãn nguyện. Lạ nhất là vốn tiếng Nga đã mấy mươi năm không dùng, ngỡ đã quên, vậy mà giờ đây ai cũng bật ra giao tiếp dễ dàng. Đôi lúc nói sai được thầy cô sửa tại chỗ, y hệt ngày đầu học tiếng Nga ở Moldavia. Những lúc ấy họ thấy mình vẫn là những học trò vụng về của các thầy cô như ngày nào.

"Cha tôi là bộ đội, chồng cũng là lính Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi hiểu hết sự chi viện của Liên Xô (cũ) giúp Việt Nam thống nhất đất nước và càng yêu hơn những năm tháng được du học ở nước bạn. Giờ đây nước Nga và Moldavia vô cùng thân thương, gần gũi mà tất cả chúng tôi luôn hướng về với lòng biết ơn sâu sắc nhất", chị Minh Hạnh xúc động.

HỒNG VÂN