Vàng hỡi vàng Hời
* Bài 1: Từ những lời truyền "vàng Hời"
(Cadn.com.vn) - Những câu chuyện về “vàng Hời” của người Chăm lưu truyền lâu nay vẫn chỉ qua những lời kể hoặc những lời đồn thổi. Ngay những người cam đoan rằng “mắt thấy, tay sờ”, vẫn cũng chỉ dừng lại ở một chữ “từng”...
Ở những vùng đất người Chăm xưa cư ngụ, lưu truyền rất nhiều câu chuyện về “vàng Hời”, song có lẽ ít có nơi nào mà những truyền thuyết về “vàng Hời” lại được kể nhiều như ở Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam), nơi được mệnh danh là “kinh đô của xứ sở vàng” vang bóng một thời. Cũng dễ hiểu, Trà Kiệu từng là nơi tập trung tầng lớp quý tộc Chăm, sở hữu vô số những vật dụng sinh hoạt bằng vàng. Có lẽ vì vậy mà chuyện “vàng Hời” được phổ biến rộng ở đây.
Hỏi chuyện ông Lưu Liên (trú Trà Kiệu), sống dưới chân núi cạnh nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu, ông quả quyết rằng chuyện về “vàng Hời” là có thật và người dân bắt gặp vàng hời là chuyện... bình thường. “Vùng đất Ngũ xã Trà Kiệu này có nhiều vàng lắm, toàn vàng của người Chăm thôi. Ở hòn Non Trượt (nơi tọa lạc Nhà thờ Đức Mẹ), hằng đêm nhiều khi người ta thấy đàn gà và cả con ngựa bằng vàng đi từ trong núi ra, tỏa ánh sáng lấp lóe. Còn chuyện nhặt được vàng thì nhiều, tôi nhớ sau giải phóng, người dân ở đây phát hiện cánh đồng lúa gần với hòn Non Trượt có vàng. Đào đất lên mà lấy, có khi đi làm đất cũng nhặt được vàng”.
Người dân sống dưới chân Hòn Non Trượt (Nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu) |
Sử cũ cũng chép rằng, những người Trung Hoa từng đến kinh đô Trà Kiệu kể lại một cách ngạc nhiên: Họ thấy ở nước Chăm một “núi vàng” và tất cả các hòn đá ở đây đều màu đỏ và ở giữa có một thỏi vàng; vàng cũng chảy ở trong sông, muốn lấy thì tát cạn lòng sông đi. Vua Chăm từng có những hòn ngọc làm cho vua Lý Uyên say mê, nó to bằng quả trứng gà, trong như pha lê và bọc vào trong lá khổ ngải thì tỏa ra những tia đỏ như lửa. Ngọc lưu ly và hổ phách thường thấy ở trong các đồ triều cống mà vua Chàm gửi biếu các vua Trung Quốc và Việt Nam....
Kể chuyện kho báu người Chăm, ông Lưu Liên quả quyết: “Thời Pháp, cũng tại vùng này có một giếng Chăm bị vùi lấp, sau đó người Pháp thuê dân địa phương khai quật, đào gần đến đáy thì họ bắt mọi người đi ra hết, chỉ để những người lính Pháp tiếp tục làm, sau đó mới biết dưới đó có rất nhiều vàng. Nhiều nơi khác cũng có, như phía sau Hòn Đền, gần thánh địa Mỹ Sơn, có rất nhiều di tích Chăm đã hoang phế. Cách gò Mồ Côi vài trăm mét, có gò Mu Rùa trên đỉnh có một hố cạn, xung quanh có nhiều gạch Chăm vương vãi, nhiều người đồn rằng nơi này giấu vàng của Chiêm Thành. Nhiều người đã từng xem bóng tháp đổ vào ngày Tết Nguyên tiêu hằng năm để đào bới tìm vàng...”.
Chẳng biết những điều ông Liên kể có thật hay không song vàng hiện diện ở những khu đền tháp là có thực. Tại Hòn Cụt ở gần Trà Kiệu, đầu thế kỷ XX, Parmentier, một nhà khảo cổ tiến hành khai quật, thống kê, miêu tả nhiều hiện vật Chăm, trong đó có “trang sức có hình mặt trăng, mặt trời, các vì sao, còn có cả những bức tượng Thần rỗng ruột, tượng động vật và những cuốn sách thánh dày tạo bởi vàng lá dày 1cm khắc chữ Phạn và những miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng Ả Rập”...
Đến bây giờ chị Nguyễn Thị Trương vẫn còn ám ảnh về lần bắt được “vàng Hời” |
Hàng trăm năm qua, việc phát hiện tình cờ hoặc cố ý của người dân địa phương hay người Pháp tại khắp vùng Quảng Nam, càng làm dấy lên những chuyện ly kỳ về “vàng Hời”. Theo dân gian lý giải thì “vàng Hời” là vàng của các vua chúa người Chăm, được chôn giấu ở những kho bí mật dưới đất lâu năm. Loại vàng này thường gặp là hình tượng Phật, buồng cau, trầu, nải chuối hay đàn gà... và có thể di chuyển, đi lại bình thường (?). Người ta lưu truyền rằng, tại các mộ và di tích của người Chăm, trong những đêm tối đen như mực hoặc khi trăng khuya tĩnh lặng, thường thấy xuất hiện những quầng sáng kỳ lạ quanh mộ. Có khi từ trong mộ, một đàn gà vàng (hoặc heo) lục tục kéo ra đi “ăn đêm” làm sáng cả một góc trời. Tuy nhiên, để bắt được chúng không phải là chuyện dễ. Người xưa truyền rằng, “muốn bắt vàng đi ăn đêm phải có lửa và rượu” hoặc dùng quần đen của phụ nữ mà túm chúng. Bởi, chỉ cần một tiếng động nhẹ “con vàng” sẽ biến mất ngay.
Song, bắt được “vàng Hời” chưa chắc đã hay, bởi người ta thường kháo với nhau rằng, người Chăm sử dụng một loại độc dược vô cùng linh nghiệm để ngăn những ai có ý định cướp bóc của nã người chết. Và chỉ những người được lựa chọn mới may bắt được nó... Tìm hiểu thực hư chuyện này, chúng tôi đã mất không ít thời gian để dò hỏi những người từng bắt được “vàng hời”, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng kể, bởi họ bị ám ảnh bởi những lời nguyền vàng Chăm. Chỉ có chị Nguyễn Thị Trương (trú thôn Trà Châu, Duy Sơn) kể cho tôi nghe lần bắt được cua vàng cách đây hơn 10 năm.
Chị kể, trong một đêm khuya sáng trăng, vì có việc gấp nên phải đến nhà em gái, khi ngang qua một di tích Chăm chị thấy một con cua vàng óng ánh bò qua đường, phải mất một lúc định thần thì chị mới dám dùng hai chiếc dép kẹp bắt con cua, rồi cho vào bao đất cất giấu. Sáng hôm sau chị lẳng lặng mang về nhà khoe với gia đình, sau đó bỏ vào tủ kín khóa lại thế nhưng đến chiều mở ra xem thì con cua đã biến mất tự lúc nào, dù khóa tủ vẫn còn nguyên. “Con cua đó nặng và trơn lắm nhưng chẳng có gai như cua thường, toàn thân nó vàng rực rất đẹp, khi bỏ dưới đất là nó cũng bò như cua thường. Khi mang về nhà cha tôi bảo phải trả lại, chứ không được giữ. Người ta nói khi bắt được “vàng hời” đừng để cho ai biết vì nhiều người biết quá nên nó biến mất. Từ sau lần đó, tôi cứ bệnh tật hoài, uống thuốc chi cũng không khỏi”, chị Trương tiếc rẻ.
Câu chuyện của chị Trương khiến nhiều người lân cận tin rằng chị đã bị lời nguyền của người Chăm ám (!). Dù vậy, nhiều người bất chấp lời nguyền đó để đào trộm mộ và di tích Chăm để tìm vàng.
Hoàng Anh
(còn nữa)