“Vàng tặc” lộng hành, chính quyền loay hoay tìm cách đẩy đuổi
+ Kỳ 1: Đổ xô xuống sông tìm vàng
12 giờ trưa, dưới cái nắng như thiêu đốt, nhưng hàng chục con người vẫn ngâm mình dưới dòng sông Trường, đoạn sông dưới chân đập Thủy điện Đăk Mi 4C (thuộc xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn, Quảng Nam) để tọ mọ vàng. Hằng ngày, khi thủy điện đóng nước (từ khoảng 9 giờ sáng), dòng sông gần như trơ đáy. Tận dụng thời điểm này, hàng chục người dân trong và ngoài địa phương xuống sông xúc cát, đãi vàng cho đến khi thủy điện mở nước phát điện trở lại.
Do làm tọ mọ nên dụng cụ đãi vàng của người dân khá đơn giản. Một số người chỉ dùng xẻng, chiếc mâm gang, sau khi xúc cát đá dưới lòng sông, họ cho vào mâm nhấn chìm xuống nước, dùng tay xoay tròn liên tục. Vàng, chì và các chất kim loại khác nặng hơn sẽ nằm lại dưới đáy mâm, cát sạn chảy ra ngoài. Hoặc có người dùng những chiếc máng gỗ, bên trong có lót một lớp vải nhung và thảm nhựa gai hoa cúc để giữ vàng. Họ dùng xẻng xúc cát đá dưới đáy sông đổ vào chiếc rổ trên máng rồi múc nước dội lên. Nước đẩy cát trôi, đá lớn nằm lại trong rổ còn vàng sẽ dính lại tấm vải và thảm nhựa. Sau khi đãi ra vàng cám, các phu vàng bỏ vào chén rồi đem về nhà, tiếp đó sẽ dùng thủy ngân để tách lấy vàng nguyên chất.
Để có được những li vàng (10 li được 1 phân vàng), họ phải ngâm mình dưới nước hàng giờ và phải liên tục khom lưng xúc quặng nên đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt. “Ngày nào may mắn thì kiếm được vài trăm ngàn đồng để trang trải gia đình. Công việc vất vả nhưng không đi đãi vàng thì không biết làm gì có tiền”, chị Hồ Thị Nhưng (40 tuổi, trú xã Phước Hòa, H. Phước Sơn) cho biết.
Đi đãi vàng với chị Nhưng còn có chồng là Hồ Văn Long (45 tuổi) và 5 đứa con nhỏ. Giữa thời tiết oi bức, ngồi trên bờ không chịu nổi nắng nóng, 5 đứa con nhỏ của vợ chồng chị Nhưng theo ba mẹ bơi lội dưới sông. “Vợ chồng mình đi làm ở lại luôn trưa nên phải dẫn đám con theo, ở nhà không có người chăm sóc. Trong đó đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Biết là theo mình nắng khổ cực nhưng mình yên tâm hơn để ở nhà. Buổi trưa phải tranh thủ làm chứ đến chiều thủy điện xả nước thì không làm được nữa”, chị Nhưng cho biết thêm.
Tương tự, những ngày qua anh em ông Nguyễn Văn Ba (50 tuổi) và Nguyễn Văn Bốn (52 tuổi, cùng trú xã Quế Lưu, H. Hiệp Đức) cũng đi dọc theo dòng sông Trường để tìm nơi làm vàng. Khi đến khu vực này, thấy người dân địa phương đang đào đất đãi vàng dưới sông, hai ông cũng xuống đào bới tìm kiếm. “Nay mùa màng đã thu hoạch xong, ở nhà không biết làm gì nên hai anh em tôi rủ nhau tìm chỗ để làm vàng. Sáng nay chúng tôi cũng mới đến khu vực này để làm nhưng thấy lượng vàng cũng ít. Nếu như một ngày mỗi người làm ra khoảng 5-6 li vàng thì bán được 300-400.000 đồng, như vậy cũng ngang ngày công. Còn ít hơn thì chúng tôi tìm chỗ khác để làm”, ông Ba chia sẻ.
Ngược lên thượng nguồn sông Đắk Mi, từng nhóm người hì hục dưới sông để tìm kiếm vận may. Từ sáng sớm, nhóm người của anh Hồ Văn Th. (45 tuổi, trú xã Phước Lộc), trong đó đa số là những đôi vợ chồng kéo nhau ngược theo bờ suối Đắk Mét, phía trên Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2 (xã Phước Lộc) để “tọ mọ” tìm vàng. Dưới suối, đàn ông thì lấy đá ngăn dòng thành một hố lớn rồi vét cát, đá ở đáy lên; phụ nữ với chiếc sàng bằng gỗ gạn đi những hạt cát sỏi to, đến khi chỉ còn lại những hạt nhỏ li ti ở dưới đáy sàng, trong đó có những hạt vàng cám thì đổ ra chiếc ca nhỏ để trên bờ.
Thấy người lạ đến, nhóm phụ nữ vội dừng tay, lên bờ ngồi. Dường như họ đang sợ cơ quan chức năng khi mình làm vàng trái phép. Còn những người đàn ông thì có vẻ “bất cần” hơn, vẫn cặm cụi đào đãi dưới suối. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, họ vội phân bua: “Chúng tôi chỉ làm tọ mọ ở suối sống qua ngày thôi. Mấy anh muốn tìm hiểu thì ngược lên phía thượng nguồn, nơi họ đưa máy móc khai thác rầm rộ nớ…”, một người đàn ông cho hay.
Trao đổi về tình trạng người dân tọ mọ vàng trên sông Đắk Mi, ông Lưu Huyền Thoại- Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay, việc người dân làm tọ mọ vàng không phải không dẹp được, nhưng không muốn làm căng với người dân. “Nhiều hộ quanh năm chỉ có mấy sào lúa rẫy, lúc được lúc mất. Trong khi chi tiêu mỗi ngày một tăng nên mới phải tọ mọ ở ven sông. Thỉnh thoảng mình có nhắc nhở họ đừng làm nữa, nhưng không làm thì họ không biết sống bằng chi. Nên việc tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng mà những năm qua địa phương đang phấn đấu”, ông Thoại chia sẻ.
(còn nữa) BÃO BÌNH