“Vàng tặc” phá nát Thác Trắng - Bồng Miêu: Có sự “bảo kê” hay chính quyền bất lực? (Kỳ 2: chính quyền bất lực?)
Lý giải cho việc làm vàng trái phép diễn ra tại địa phương trong thời gian dài, ông Nguyễn Văn Sự cho rằng, do mình mới tiếp quản chức chủ tịch xã được vài tháng, nên việc lập lại trật tự trên địa bàn xã vẫn chưa có thời gian để làm. “Việc làm vàng trái phép ở đây qua nhiều đời lãnh đạo rồi nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được. Tôi mới tiếp quản chức chủ tịch mới được mấy tháng. Cuối năm lại nhiều việc, trong khi con người lại không có, thiếu nhiều cán bộ nên chưa triển khai truy quét được. Việc khai thác vàng trái phép ở địa phương đã diễn ra nhiều năm. Không riêng xã mà Công an tỉnh, Công an huyện và nhiều cơ quan khác đã nhiều lần truy quét nhưng nạn khai thác trái phép vẫn tái diễn”.
Về việc các đối tượng đưa xe cơ giới vào làm việc rầm rộ ở khu vực thượng nguồn Thác Trắng, ông Sự nói có biết, đã tổ chức truy quét. “Khu vực trên hiện một phần do xã quản lý, còn lại là đất rẫy của dân. Mỗi lần truy quét họ bỏ xe, sơ tán nên không xác định được chủ. Còn nếu lập biên bản thì không biết ai mà ký, thu xe về thì không biết xử lý thế nào. Bản thân tôi đã trực tiếp đi hiện trường và chỉ đạo cho Công an xã làm, nhưng rất khó xử lý”, ông Sự lý giải.
Nói về nguyên nhân diễn ra tình trạng trên trong nhiều năm qua, lãnh đạo xã Tam Lãnh cho rằng, nguyên nhân do lợi nhuận đem lại và người dân quen việc làm vàng. “Họ làm theo thói quen tìm kiếm vận may. Có người làm không có gì nhưng họ vẫn cứ đi đào bới… Thời gian qua xã cũng tiến hành mời một số hộ dân lên cam kết không làm vàng trái phép. Nhưng việc cam kết vẫn chưa hiệu quả, họ vẫn làm. Sắp tới địa phương sẽ làm mạnh, bắt xử lý hành chính, thậm chí đề nghị khởi tố một vài người để có tính răn đe”, ông Sự nói thêm.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Xuân Chính- Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, huyện đã có kế hoạch và đang truy quét trên đó. “Hôm nay đang truy quét hả anh?”, phóng viên hỏi; “Không. Kế hoạch truy quét không thể nói trước được, huyện đã chỉ đạo hết rồi. Từ đầu năm đến giờ làm rất nhiều, số liệu có hết. Có gì anh liên hệ thêm chỗ phòng Tài nguyên môi trường”, ông Chính nói.
Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tuấn Nhật- Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Ninh cho hay, sáng nay đơn vị phối hợp với Công an huyện đã triển khai lực lượng truy quét khu vực trên. Qua ghi nhận hiện trường cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi đã lâu…”; “Nhưng vì sao hôm nay mình mới truy quét?”, phóng viên hỏi; “Cả tháng nay do trời mưa, cuối năm cũng nhiều việc nên không truy quét được”, ông Nhật nói.
Cung cấp thêm thông tin về tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã, ông Huỳnh Tuấn Nhật cho biết, trong năm qua đơn vị đã phối hợp với Công an huyện, Công an xã Tam Lãnh kiểm tra, truy quét khai thác vàng trái phép tại Tam Lãnh 12 đợt (chưa kể riêng Công an xã Tam Lãnh 20 đợt). Kết quả xử lý phá hủy 80 lán trại, phá hủy 63 máy nổ, 27 cối xay, 17 củ điện, 1 cưa lốc, 7 máng ngân, 31 máy bơm nước, 2.700 lít dầu Diezel, 162 thòn hóa chất, 6.320 mét bạt, 9.700 mét ống dẫn nước, 1.740 mét dây điện, 216 bao vôi và đẩy đuổi nhiều lượt người ra khỏi khu vực vi phạm… Đặc biệt, đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Phương Thảo về hành vi sử dụng xe đào vào khai thác vàng trái phép tại khu vực Thác Trắng với số tiền 60 triệu đồng, buộc nộp 140 triệu đồng tương đương với giá trị của chiếc xe vi phạm.
Bên kia Thác Trắng, cách khoảng 500m là khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Sau khi Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu hết phép khai thác, từ năm 2016 đến nay, hàng trăm người dân trong và ngoài địa phương đến dựng lán trại trên núi để làm vàng trái phép. Từ Núi Kẽm, Hố Gần, Đồi Sim, Hố Ráy… lều trại mọc lên khắp nơi. Tiếng máy nổ gầm rú vang cả núi rừng, hóa chất màu xanh, trắng chảy tràn lan từ trên cao xuống thấp. Cả khu vực này giống như một công trường lớn đang hối hả “đẩy nhanh tiến độ”.
BÃO BÌNH (còn nữa)