Về Hải Lăng nghe chuyện đường “7 dũng sĩ”

Thứ hai, 18/07/2022 13:09
Người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nói chung, bà con xóm Phường Sắn (thôn Phú Hưng, xã Hải Phú) nói riêng khắc vào tâm khảm trận đánh của Tiểu đội Phường Sắn như một huyền thoại bi hùng. Họ cũng gọi tên con đường nối với di tích trận đánh năm nào là đường “7 dũng sĩ” nhằm đời đời tri ân, nhắc nhở con cháu về một thời cha anh chiến đấu oanh liệt để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Cho đến nay, đường không cần biển báo nhưng hỏi ai gần xa cũng biết…
Đường “7 dũng sĩ” dẫn vào xóm Phường Sắn.
Vị trí các phần mộ liệt sĩ Tiểu đội Phường Sắn tại NTLS xã Hải Phú.

Những ngày tháng 7 này, ai về Quảng Trị hẳn cũng sẽ tranh thủ đến Hải Lăng trên hành trình tri ân anh hùng liệt sĩ. Từ con đường thênh thang nối QL1A lên La Vang chừng 1km sẽ dẫn vào đường “7 dũng sĩ”, thẳng tắp chạy qua cánh đồng xanh ngát. Gần cuối con đường chính là Nhà bia tưởng niệm Tiểu đội Phường Sắn - nơi lưu danh những chiến sĩ anh dũng trong trận đánh không cân sức, tạo nên tiếng vang lớn trên khắp chiến trường Trị Thiên và cả nước, mở màn cho phong trào đồng khởi tỉnh Quảng Trị trong năm 1964. Ngoài tên gọi “7 dũng sĩ”, người dân còn gọi là đường “Dũng sĩ Phường Sắn” nhằm tri ân 8 chiến sĩ và du kích đã tham gia trận đánh ấy, trong đó có con em của xóm Phường Sắn.

Hỏi về lịch sử con đường này, bà Văn Thị Phước (1962) cho hay, thời điểm năm 1980, lúc bà về làm dâu tại Phường Sắn đã có con đường mang tên “7 dũng sĩ” rồi. Vị trí con đường lúc đó chạy thẳng vào xóm, sau này vị trí được dịch chuyển xuống một đoạn để nối thẳng vào Nhà bia Tưởng niệm, đổ bê-tông khang trang, có điện đường thắp sáng. Còn bà Cao Thị Hóa (1942) thì nhớ, năm 1977, khi theo chồng về quê ở xóm Phường Sắn, con đường “7 dũng sĩ” lúc đó còn nhỏ hẹp, hỏi ra mới biết bà con tự đặt tên cho con đường này. Là người sinh ra, lớn lên tại Phường Sắn, ông Nguyễn Quang Hạnh (1950) cho biết, tên con đường đã được nhân dân gọi một cách thân thương, thấm đẫm tự hào từ hơn 40 năm trước. Đó là cách để người dân Phường Sắn sâu sắc tri ân với những anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Ngược lại dòng lịch sử, Tiểu đội 7 thuộc Trung đội 3, Đại đội 2, Đoàn 800 Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị và 2 du kích xã Hải Phú, gọi chung là Tiểu đội Phường Sắn. Ngày 4-7-1964, bản mật lệnh phát động quần chúng phá thế kìm kẹp của địch, giành lại nông thôn, đồng bằng của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị được truyền đạt đến Huyện ủy Hải Lăng. Đây là địa bàn được tỉnh chọn làm đơn vị chỉ đạo trọng điểm, tập trung tại xóm Phường Sắn. Đây là vị trí trọng yếu bởi địa bàn giáp ranh, được chọn làm bàn đạp để quân ta tiến về xây dựng phong trào, cài cắm cơ sở ở các xã vùng đồng bằng. Đêm 5-7-1964, bộ đội địa phương và du kích xã Hải Phú đã phát động nhân dân tổ chức cuộc mít-tinh rầm rộ, phá thế kìm kẹp, thành lập chính quyền tự quản. Đến sáng 6-7-1964, ta đã làm chủ hoàn toàn địa bàn, ấp chiến lược Phường Sắn.

Lúc này, 6 chiến sĩ Tiểu đội 7 và 2 du kích xã Hải Phú do đồng chí Nguyễn Đức Bân chỉ huy ở lại để bám trụ, bảo vệ chính quyền cách mạng, đề phòng địch phản công. Sáng 6-7-1964, điên cuồng trước tin quân và dân ta nổi dậy giành chính quyền làm chủ thắng lợi, địch huy động lực lượng gồm 1 tiểu đoàn lính bộ binh đi từ căn cứ La Vang xuống, 1 đại đội bảo an từ TX Quảng Trị kéo lên, 1 trung đội nghĩa quân dân vệ chia làm ba mũi hình thành thế gọng kìm tấn công vào Phường Sắn.

Đến 8 giờ, tiếng súng, đạn đã dội rền. 8 chiến sĩ chúng ta đào các hầm hào công sự vững chắc với thế chủ động, chia làm 3 tổ chặn các hướng tiến của địch. Toán đầu tiên gồm 11 tên lính đi đầu đã bị diệt gọn, nhiều tên khác bị thương. Các chiến sĩ thu được 6 súng cac-bin M2 và đạn dược. Sau nhiều giờ, địch vẫn không thể chiếm trận địa, chỉ tới ngang chân đồi là bị Tiểu đội Phường Sắn tiêu diệt. Thấy thương vong quá lớn, địch điều thêm xe thiết giáp M113, bổ sung quân tổ chức tấn công tập hậu nhưng các cuộc tấn công đều bị các chiến sĩ bẻ gãy. Lúc này, phía ta hết đạn, không có vũ khí chống tăng.

Trong tình thế đó, các chiến sĩ quyết định mở đường máu, quyết không để địch bắt sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Phát hiện địch tới gần, 8 dũng sĩ Tiểu đội Phường Sắn rút chốt những quả mìn cuối cùng tung về hướng kẻ thù. 7 chiến sĩ đã hy sinh, gồm: Nguyễn Đức Bân (quê Triệu Trạch, H. Triệu Phong), Nguyễn Thanh Bường (quê Hải Khê, H. Hải Lăng), Nguyễn Quốc Được (quê Cam Chính, Cam Lộ), Lê Nhà (quê Lạng Sơn), Nông Văn Hạ (quê Lạng Sơn), Đồng Văn Thành (quê Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Dễ (du kích xã Hải Phú). Chỉ duy nhất du kích Phạm Cao bị thương, rơi xuống ao bèo ẩn nấp, thoát khỏi vòng vây. Nhưng hơn 2 năm sau, vào ngày 13-5-1966, dũng sĩ Phạm Cao cũng đã hy sinh tại Trà Lộc, Hải Xuân, H.Hải Lăng.

Đường “7 dũng sĩ” dẫn vào xóm Phường Sắn.

Trận chiến oai hùng của các chiến sĩ tại Phường Sắn đã làm tan rã 1 tiểu đoàn bộ binh có xe tăng M113 yểm trợ, 64 tên địch bị thương vong, tạo nên tiếng vang lớn trên khắp chiến trường Trị Thiên và cả nước.

Đường “7 dũng sĩ” cũng rất gần Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú. Trước hơn 1.600 mộ liệt sĩ bao gồm cả chưa xác định được thông tin, dễ dàng nhận ra 7 phần mộ liệt sĩ của Tiểu đội Phường Sắn. Gặp bó cúc vàng của ai đó kịp dâng sớm lên mộ phần liệt sĩ giữa tháng 7, bỗng thấy rưng rưng đến nghẹn ngào.

Bảo Hà