Về làng "đại hồng thủy"

Thứ sáu, 01/11/2019 18:00

Trong trận lũ lịch sử năm 1999, TT-Huế là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực miền Trung. Chỉ sau một đêm, nhiều gia đình rơi vào cảnh cha mất con, chồng mất vợ... Một ngày mưa lạnh cuối tháng 10, chúng tôi về thăm làng "đại hồng thủy" ở cửa đập Hòa Duân, nơi được khắc tên vào lịch sử.

Cửa đập Hòa Duân nơi mở thành cửa biển mới đã được hàn khẩu trở thành QL49B.

Đêm kinh hoàng

Đập Hòa Duân nằm trên QL49, dài 616m, rộng 8m là một dấu tích thật sự kinh hoàng. Đúng 20 năm về trước, đập bị vỡ toang mở thành cửa biển mới, cuốn phăng cả thôn Hải Thành (TT Thuận An, H. Phú Vang) chỉ sau một đêm nước lũ tràn về. Bên kia đập Hòa Duân nối liền với các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (H. Phú Vang) và một số xã của H. Phú Lộc cũng trở thành cửa biển mênh mông. Trước nỗi đau trong ngày làng Hòa Duân bị lũ xé thành cửa biển, nhà thơ Hồng Nhu đã viết: "Chưa kịp nhắm mắt bịt tai/ Eo làng đã vùi dưới biển!/ Cửa sông mới xé hỡi ôi/ Nhận chìm bao nhiêu nhân mạng/ Mẹ ơi con ơi... đâu rồi/ Trời cao đất dày thấu chăng?".

Theo lời kể của người dân địa phương: Đêm 2-11-1999, trời mưa to, gió lớn, nước biển cuồn cuộn dâng, cả thị trấn biển Thuận An chìm trong biển nước mênh mông. Khoảng 23 giờ 30, một tiếng nổ vang trời của sức nước cuồn cuộn. Tiếp đó, tiếng của những ngôi nhà đổ sập xuống, va vào nhau, rồi tiếng gào thét của những người kêu cứu trong dòng nước lũ. Trong vòng 30 phút, nước đã cuốn trôi 264 ngôi nhà của thị trấn Thuận An và cuốn trôi 64 ngôi nhà ở thôn Hải Thành, mở thêm một cửa biển Hòa Duân rộng 1,5km.

Nhiều người dân may mắn sống sót kể lại, trận lũ lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 14 người dân thôn Hải Thành và 2 chiến sĩ bộ đội biên phòng đóng quân ở Hải Đội Biên phòng 2, cạnh đập Hòa Duân. Trong đêm kinh hoàng ấy, chiếc tàu BP.310202 do Thiếu úy Đào Xuân Thành chỉ huy vượt sóng sang cứu dân đang bị lâm nạn, tàu mới đi được một đoạn thì bị nước lũ lớn vây hãm, thuyền trưởng Đào Xuân Thành thả dây neo để ghì con tàu lại nhưng do nước quá mạnh nên đã hất tung anh xuống biển. Trên thuyền còn lại máy trưởng Vũ Xuân Cường, Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư, các anh đã chống chọi với lũ đến 6 giờ sáng ngày 3-11-1999 thì thuyền bị chìm. Các anh Đào Xuân Thành, Vũ Xuân Cường, Nguyễn Quang Phú đã bị nước lũ cuốn trôi lênh đênh trên biển, nhờ sóng đánh dạt vào bờ, được bà con và đồng đội cứu chữa nên thoát chết. Hai anh Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã vĩnh viễn ra đi trong sự đau xót của đồng nghiệp, người thân.

Hồi tưởng về đêm kinh hoàng trong trận đại hồng thủy năm 1999, anh Trần Văn Thu (nhân chứng) cho biết, hôm đó, mưa lớn kéo dài, nước lũ càng lúc càng dâng cao nên tối ngày 2-11-1999, anh và nhiều hộ dân khác trong thôn tiến hành dọn dẹp, di chuyển tài sản tránh lũ. "Tôi chèo đò đưa vợ và 3 con nhỏ sang nhà ông bà nội để tránh bão. Trên đường quay trở lại nhà mình thì tôi bị nước lũ cuốn trôi và may mắn được người dân ứng cứu đưa vào trụ sở Bộ đội biên phòng đóng gần đó để băng bó vết thương. Trong khuya hôm ấy, nước lũ làm vỡ đập Hòa Duân cuốn trôi toàn bộ nhà cửa khiến nhiều người chết và mất tích. Trong đó, 12 người thân gồm cha mẹ, vợ con, em trai, em dâu và cháu của tôi đều bị cuốn ra biển. Mãi sau này tôi mới tìm thấy hài cốt người thân của mình để đưa về quê an táng khi thi thể họ trôi dạt vào bờ và được người dân sống ven biển ở các địa phương chôn cất"- anh Thu nghẹn ngào nhớ lại. Anh Thu bảo, sau đại tang 12 người trong gia đình, có những lúc anh không thiết sống nữa, nhất là khi nghĩ đến cái chết của vợ và 3 đứa con nhỏ trong đêm mưa lũ kinh hoàng ấy.

Làng Rồng hồi sinh

Ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế kể rằng, khi đại hồng thủy vừa dứt, mặt đất ngổn ngang đau thương. Vào đúng thời điểm ấy, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và chỉ đạo Bộ Quốc phòng vận động kinh phí đóng góp của những người lính bộ đội Cụ Hồ và giao Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ngay lập tức khởi công xây dựng làng tái định cư cho những người dân trong thôn còn sống sót. Cửa đập Hòa Duân đã nhanh chóng được hàn khẩu lại, bề mặt đập được mở rộng và kéo dài hơn 1km có QL49B đi qua.

Chưa đầy 3 tháng sau, thực hiện chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho 64 hộ dân mất nhà cửa và mất cả người thân bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An. 64 căn hộ trong làng xây thành 4 dãy nhà nằm quay mặt vào nhau qua hai tuyến phố. Tết năm 2000 (Canh Thìn), 64 hộ dân thôn Hải Thành phấn khởi cùng nhau thu dọn đồ đạc về làng mới, trong những ngôi nhà mới do bộ đội xây tặng. Ông Vũ An, vị cao niên ở làng, nhớ lại: "Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về thăm làng mới, lúc đó làng tái định cư vẫn chưa có tên. Vậy là bác Phiêu hỏi bà con dân làng: "Chúng ta nên đặt tên cho ngôi làng là gì?". Mọi người hội ý rồi nhất loạt đồng ý: "Đặt tên làng Lũ được không bác?". Bác Phiêu phân tích, tên Lũ hợp tình hợp lý vì lũ nên mới có nơi an cư mới như bây giờ. Nhưng nếu dùng tên làng Lũ thì không vui, vì mọi người ám ảnh lũ lụt, gợi nhớ những chuyện buồn. Sau vài phút suy ngẫm, cái tên làng Rồng ra đời với ý tưởng của Tổng Bí thư là đón năm Rồng với mong muốn ngôi làng ngày càng phát triển như biểu tượng loài linh vật ấy. Tất cả mọi người trong làng đều vỗ tay đồng ý. Đó cũng là một tín hiệu về sức sống ở một ngôi làng mới.

Người dân ở làng Rồng còn cho biết, sau khi đặt tên cho làng, cứ đến dịp lễ, Tết, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại ghé thăm dân làng để động viên và gửi tặng những món quà giúp người dân có động lực vươn lên xây dựng đời sống, phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Giàu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay, hiện làng Rồng có 64 hộ dân với 276 nhân khẩu với nghề chính là nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền các cấp cộng với nỗ lực bám biển mưu sinh của người dân nên làng Rồng hôm nay đã khởi sắc, thay đổi rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Có nhiều hộ dân có kinh tế khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố, sắm cả xe ô-tô.

HẢI LAN