Về trên con đường huyền thoại
Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Trong niềm xúc động đó, từ Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục di chuyển trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông Cam Lộ - Bến Quan thêm hơn 20km để đến xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh). Nhìn theo hướng tây - nam Vĩnh Linh, dưới chân dãy núi Động Nóc, kề thượng nguồn sông Rào Thanh, giữa thung lũng hẹp, điểm sâu trên dãy Trường Sơn là bản Khe Hó. Khe Hó đường đi khó khăn, từ trung tâm xã vào khoảng 3 giờ đi bộ. Chính tại đây, vào tháng 5 – 1959, Đoàn 559 sau khi bàn bạc với tỉnh Quảng Trị và Đặc khu Vĩnh Linh đã quyết định chọn Khe Hó là điểm mở đường Trường Sơn cứu nước, phát triển về hướng tây nam, điểm cuối cùng đặt trạm là Pa Lin (A Vao, huyện Đakrông), kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5.
Trong sự xúc động nhớ về lịch sử vẻ vang, lớp trẻ của xã Vĩnh Hà vẫn nằm lòng câu chuyện tự hào mà đồng bào Vân Kiều của bản Khe Hó từng đồng hành với Bộ đội Trường Sơn những năm tháng mở đường ác liệt. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, đèo cao và hệ thống đồn bốt của địch, chuyến hàng đã được bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Khu 5. Sau đó, Đoàn 559 đẩy nhanh tốc độ vận chuyển. Chúng tôi vẫn còn nhớ rõ cảm xúc nhiều năm trước, trong lần hiếm hoi và may mắn gặp được một vị già bản của Khe Hó từng đồng hành với bộ đội gùi, tải đạn. Già kể trước khi Bộ đội tìm đến nhờ đồng bào giúp đỡ, hướng dẫn chọn những lối đi bí mật, an toàn mở đường Trường Sơn thì người dân Khe Hó đã cùng CBCS các lực lượng Công an, bộ đội, giao liên lần tìm các lối mòn để nối liên lạc giữa miền Bắc với vùng chiến khu Quảng Trị, Thừa Thiên, rồi từ đó chuyển công văn, báo cáo, chỉ thị vào ra các chiến trường khác. Chính vì thế, khi mở đường Trường Sơn, bà con đồng bào ngày đêm sát cánh chiến đấu.
Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn và bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt CBCS đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa hơn 650 ngàn lượt CBCS từ các chiến trường về hậu phương, trong đó có gần 310 ngàn thương binh, bệnh binh... 16 năm kể từ ngày mở đường tại Khe Hó, các lực lượng trên tuyến vận tải Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, đã có hơn 2 vạn CBCS, TNXP đã anh dũng hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam.
Để tri ân sự hy sinh to lớn, để tuyến đường không chỉ là huyền thoại, sau ngày hòa bình lập lại, những con đường Hồ Chí Minh ở Quảng Trị được Trung ương, địa phương quan tâm, đầu tư, xây dựng, trở thành huyết mạch giao thông, vận tải hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đi qua các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh hôm nay rộng thênh thang. Anh Nguyễn Văn Linh (Quảng Trị), tài xế Bắc – Nam cho biết đã chọn tuyến đường này trên hành trình chở hàng nhiều năm qua. “Đường rộng, mặt đường êm. Mai mốt dẫu có tuyến cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ thì đường Hồ Chí Minh này vẫn mang ý nghĩa rất quan trọng khi có tuyến nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Khe Sanh – Quảng Bình đưa vào hoạt động, kết nối nhiều vùng”- anh Linh chia sẻ sự am tường xen lẫn tự hào. Trong khi tuyến nhánh Tây đoạn qua huyện Đakrông đang là huyết mạch lên Cửa khẩu quốc tế La Lay vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu sang Lào và Thái Lan, thì tuyến nhánh Tây đoạn Khe Sanh – Quảng Bình cũng đã góp phần đổi thay quan trọng của các xã vốn hiểm trở giữa đại ngàn. Nhờ có giao thông thuận lợi, Quảng Trị mới có một “thủ phủ” cà phê nổi tiếng ở vùng Khe Sanh, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh . Nhờ có tuyến đường trên, du lịch, văn hóa, đời sống người dân, đồng bào đã thay đổi ngoạn mục. Và mỗi bước chân đến với đường Trường Sơn hôm nay, thật chứa chan vinh dự, tự hào quá đỗi.
Bảo Hà